MBS: VN-Index sẽ đạt mốc 1.420 điểm trong năm 2025
Theo dự báo của Chứng khoán MBS, VN-Index có thể đạt mức 1.400-1.420 điểm vào năm 2025, nhờ tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường ước tính 18% và chỉ số P/E dao động trong khoảng 12,5 - 13 lần.
Động lực phục hồi kinh tế
Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán MBS nhận định năm 2025 sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam. Trên phương diện nội địa, các nỗ lực cải cách thể chế và tinh gọn bộ máy điều hành đang được đẩy mạnh nhằm chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng vượt bậc. Đồng thời, trong bối cảnh trật tự thế giới thay đổi, Việt Nam được cho là đã sẵn sàng nâng cao vị thế cạnh tranh chiến lược trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Sau một năm 2024 với bước đà ấn tượng, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức 7-7,5% trong 3 năm tới, trở thành điểm sáng trong khu vực ASEAN-6. MBS cũng chỉ ra một số yếu tố chính định hình triển vọng vĩ mô năm 2025 của Việt Nam.
Trước hết, lĩnh vực sản xuất sẽ tăng tốc nhờ thương mại toàn cầu sôi động và sự phục hồi của đầu tư trong nước. MBS dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 9-10% vào năm 2025, dẫn đến thặng dư thương mại khoảng 27 tỷ USD.
Dự báo này dựa trên nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), rằng thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu sẽ tăng 3,4% vào năm 2025, cao hơn mức 2,5% của năm 2024. Ngoài ra, Việt Nam có thể tận dụng các hiệp định thương mại khu vực như CPTPP và RCEP để thúc đẩy cải cách trong nước.
Yếu tố thứ hai là việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy nhanh vào năm 2025, tập trung vào các dự án hạ tầng quan trọng như cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc, và sân bay Long Thành. Những dự án này không chỉ đảm bảo tăng trưởng mà còn củng cố năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Theo MBS, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 dự kiến đạt 85-90% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương ứng mức tăng trưởng 24-31% so với năm 2024. Năm 2025 cũng là năm cuối của kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025, với tổng chi đầu tư phát triển dự kiến đạt 790,7 nghìn tỷ đồng (khoảng 30,8 tỷ USD), tăng đáng kể so với năm trước.
Về lạm phát, MBS dự báo chỉ số CPI bình quân năm 2025 sẽ tăng 4% so với cùng kỳ, cao hơn mức 3,9% dự báo cho năm 2024, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và dưới mục tiêu 4,5% của Chính phủ.
Ngoài ra, MBS lưu ý rằng dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam có thể bị thu hẹp do áp lực từ đồng USD mạnh lên và nguy cơ Mỹ tiếp tục điều tra thao túng tiền tệ. Trong bối cảnh này, NHNN có thể sẽ áp dụng chính sách tiền tệ thận trọng hơn để ổn định tỷ giá, đồng thời hạn chế dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Chúng tôi không kỳ vọng lãi suất chính sách sẽ được cắt giảm trong năm 2025, với lãi suất đầu vào dự kiến duy trì ở mức 5,0-5,2%. Tuy nhiên, khả năng tăng lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nới lỏng cũng không cao. NHNN dự kiến sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó giữ lãi suất ở mức thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng”, MBS đánh giá.
Triển vọng của VN-Index năm 2025
MBS dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng lần lượt 18% và 19% trong hai năm 2025 và 2026, nhờ đóng góp từ các ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng, bất động sản nhà ở, bán lẻ, và bất động sản công nghiệp.
Trong bối cảnh lãi suất giảm, chi phí đầu vào hạ nhiệt (bao gồm giá dầu Brent và hàng hóa), cùng với mức tăng lương ổn định, biên lợi nhuận gộp của nhiều ngành được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện rõ rệt.
Ngoài ra, một số yếu tố hỗ trợ khác cũng tạo động lực tích cực, bao gồm khả năng Việt Nam tiến gần hơn đến việc gia nhập nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi, cùng với kỳ vọng về chu kỳ nới lỏng của Mỹ, có thể thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, MBS cũng lưu ý các rủi ro có thể ảnh hưởng đến thị trường, như chính sách khó dự đoán trong giai đoạn Trump 2.0, khả năng làm chậm quá trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), áp lực tỷ giá trong bối cảnh đồng VND yếu, và tốc độ phục hồi chậm hơn dự kiến của thị trường bất động sản nhà ở.
Tổng hợp các cơ hội và thách thức, MBS dự báo VN-Index sẽ đạt mức 1.400-1.420 điểm vào năm 2025, với giả định tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường đạt 18% và P/E dao động trong khoảng 12,5-13 lần.
Bên cạnh đó, MBS đã xác định 8 chủ đề đầu tư nổi bật trong năm 2025, bao gồm: bất động sản bước vào chu kỳ phát triển mới, cơ hội từ giải ngân vốn đầu tư công, câu chuyện đặc thù của ngành ngân hàng, hiệu ứng kích thích kinh tế từ Trung Quốc, thiếu hụt nguồn cung điện, tác động từ Trump 2.0, sự xuất hiện các ngành công nghiệp mới và tiềm năng nâng hạng thị trường.