Doanh nghiệp 'găm hàng' xăng dầu sẽ bị xử lý

Tại kỳ điều hành giá kinh doanh xăng dầu ngày 5/9, Liên bộ Công Thương - Tài Chính quyết định điều chỉnh giá xăng E5RON92 không cao hơn 23.359 đồng/lít, giảm 366 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; xăng RON95-III: không cao hơn 24.230 đồng/lít, giảm 439 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Còn mỗi lít dầu sẽ tăng thêm từ 1.389 đến 1.429 đồng.

Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu trong kỳ vừa qua diễn biến có tăng, có giảm nhưng xu hướng chung là tăng cao đối với dầu diesel và dầu hỏa và giảm nhẹ đối với xăng và dầu mazut.

Theo Bộ Công Thương, trong 8 tháng qua, việc điều hành giá xăng dầu cơ bản phù hợp. Liên bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới. Trong công tác điều hành giá xăng dầu trong những tháng đầu năm (khi giá xăng dầu thế giới tăng cao), Liên bộ Công Thương - Tài Chính đã chi sử dụng liên tục quỹ bình ổn giá xăng dầu (với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại) để bình ổn giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Lực lượng Quản lý thị trường đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tại các cây xăng trên địa bàn toàn quốc.

Lực lượng Quản lý thị trường đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tại các cây xăng trên địa bàn toàn quốc.

Theo đó, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 22/8/2022 so với đầu năm 2022 (ngày 11/1/2022) biến động tăng từ 11,38% đến 45,95% nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 22/8/2022 so với đầu năm 2022 (ngày 11/1/2022) chỉ tăng từ 1,14 - 40,37%.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 2,58%, trong đó nhóm giao thông tháng 8/2022 tăng cao nhất với 8,94% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,86 điểm phần trăm. Cụ thể là giá xăng dầu tăng 17,83% do giá xăng A95 tăng 3.530 đồng/lít; xăng E5 tăng 3.830 đồng/lít và dầu diezen tăng 8.090 đồng/lít so với cùng kỳ năm trước. Còn trong 8 tháng năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 22 đợt, trong đó có 8 đợt giảm giá, làm cho giá xăng A95 tăng 1.370 đồng/lít; xăng E5 tăng 1.170 đồng/lít và dầu diezen tăng 6.180 đồng/lít. Bình quân 8 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 45,33% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.

Về nguồn cung xăng dầu trong nước, theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 Nhà máy lọc dầu trong nước (Nhà máy Nghi Sơn và Nhà máy Bình Sơn) trong 6 tháng cuối năm như sau: quý III dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).

Về cơ bản, lượng sản xuất theo kế hoạch đề ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Hiện 2 nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 4 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thời gian gần đây, nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa, Bộ Công Thương cho biết, bộ này sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các DN duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

Để đảm bảo ổn định thị trường, bám sát tình hình biến động thị trường, tuần qua Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và các Cục QLTT địa phương đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tại tất cả các cây xăng trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố. Từ đó, góp phần đảm bảo theo sát tình hình thị trường, hạn chế tối đa các vi phạm, hành vi gian lận trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Đồng thời, tuyên truyền thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; không kinh doanh xăng dầu nhập lậu; không tăng giá bất hợp lý…

Trong thời gian tới, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và DN. Kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có). Những nơi thông báo hết hàng, có dấu hiệu găm hàng, không thực hiện đúng nghĩa vụ và quy định sẽ được kiểm tra và xử lý theo quy định.

Trân Trân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/doanh-nghiep-gam-hang-xang-dau-se-bi-xu-ly-i666418/