Doanh nghiệp gặp áp lực tồn kho, nhóm cổ phiếu thép chìm trong 'sắc đỏ', HPG bị đè bán mạnh

Mở cửa phiên giao dịch sáng đầu tuần 5/8, VN-Index đã 'bốc hơi' hơn 20 điểm. Hàng loạt mã cổ phiếu chìm trong 'biển lửa'. Nhóm cổ phiếu thép cũng không 'thoát nạn', thậm chí cổ phiếu HPG của 'ông lớn' Hòa Phát còn bị bán mạnh với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 11,7 triệu đơn vị - đứng đầu toàn thị trường.

Tạm chốt phiên sáng, cổ phiếu HPG giảm về mức 26.550 đồng/cp. Hàng loạt mã thép khác như HSK, NKG, GDA, SMC, TLH… cùng chung cảnh ngộ. Riêng cổ phiếu TVN là mã hiếm hoi giữ được “sắc xanh” tích cực.

Diễn biến cổ phiếu HPG.

Diễn biến cổ phiếu HPG.

Trong thông tin mới nhất, sau khi đẩy lượng tồn kho lên cao nhất kể từ quý IV/2022, các doanh nghiệp thép đã thu hẹp đáng kể quy mô hàng tồn kho sau quý II vừa qua. Thời điểm 30/6, tổng giá trị tồn kho của các doanh nghiệp ngành thép niêm yết trên sàn chứng khoán ước tính vào khoảng 75.000 tỷ đồng, giảm khoảng 7.000 tỷ so với cuối quý I trước đó. Dù vậy, đây vẫn là lượng tồn kho lớn thứ 2 trong vòng 7 quý trở lại đây.

Hầu hết các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán đều giảm quy mô tồn kho sau quý II vừa qua. Trong đó, giá trị hàng tồn kho của Hòa Phát và Hoa Sen (HSG) đều giảm trên nghìn tỷ so với thời điểm cuối quý I trước đó. Dù vậy, mức tồn kho hiện tại của các doanh nghiệp vẫn cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung trong năm 2023.

Về cơ cấu, 5 doanh nghiệp là Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim, VNSteel, Tôn Đông Á chiếm đến gần 90% tổng giá trị tồn kho toàn ngành thép trên sàn chứng khoán. Trong đó, riêng Hòa Phát đã chiếm hơn 53% với giá trị tồn kho tại ngày cuối quý II hơn 40.000 tỷ đồng (đã bao gồm cả trích lập dự phòng giảm giá).

Tồn kho ngành thép giảm trong bối cảnh xu hướng giá thép thế giới không thuận lợi. Sau một nhịp hồi nhẹ trong quý II vừa qua, giá thép thanh tương lai đã lao dốc mạnh và lần đầu xuống dưới 3.000 CNY/tấn kể từ năm 2016. Nguyên nhân do nhu cầu ngày càng yếu và nguồn cung dồi dào tại quốc gia tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đã ban hành các tiêu chuẩn chất lượng mới cho thép thanh vào tháng 9 năm ngoái, khiến các nhà máy và thương nhân đẩy hàng tràn ngập thị trường bằng các kho dự trữ cũ. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong quý II và thị trường bất động sản ảm đạm khiến nhu cầu thép suy yếu.

Trong báo cáo mới đây, Vietcap cho rằng xuất khẩu thép từ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024, sau khi đã tăng 25% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2024. Do sản lượng xuất khẩu năm 2023 tương đương với giai đoạn 2014-16 khi thép xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường toàn cầu, lo ngại về việc thép của Trung Quốc bán phá giá đang xuất hiện trở lại.

Với xu hướng giá thép bất lợi, lượng tồn kho dù đã giảm so với cao điểm cuối quý I nhưng vẫn ở mức khá cao sẽ tạo ra áp lực không nhỏ lên các doanh nghiệp thép thời gian tới. Trước đó, trong quý II vừa qua, các doanh nghiệp thép phần nào đã được hưởng lợi từ sự hồi phục của giá thép (dù không nhiều) cùng với lượng tồn kho lớn.

Châu Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/doanh-nghiep-gap-ap-luc-ton-kho-nhom-co-phieu-thep-chim-trong-sac-do-hpg-bi-de-ban-manh-1101485.html