Doanh nghiệp gặp khó với các quy định pháp luật kinh doanh hiện thời
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, từ ngày 19/5 tới nay, VCCI nhận được 220 phản ánh về những vướng mắc, khó khăn liên quan tới hệ thống văn bản pháp luật.

VCCI nhận được 220 phản ánh từ các doanh nghiệp, hiệp hội về những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất kinh doanh liên quan tới hệ thống văn bản pháp luật. Ảnh: Thạch Huê/Bnews/vnanet.vn
Ngày 14/7 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo "Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị. Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia, đại diện các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp và báo giới.
Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế (VCCI) cho hay, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, từ ngày 19/5 tới nay, VCCI nhận được 220 phản ánh về những vướng mắc, khó khăn liên quan tới hệ thống văn bản pháp luật.
Các ý kiến phản ánh đa dạng từ nhiều ngành, lĩnh vực; trong đó, đề xuất những vướng mắc liên quan tới quy định pháp luật cả ở trong các quy định pháp luật lẫn việc thực thi.
Các phản ánh liên quan đến thuế, hóa đơn, thủ tục hành chính chiếm phần lớn. Những vướng mắc có trong các văn bản pháp lý khác nhau, từ luật đến nghị định, thông tư. Nghị định có lưu lượng phản ánh nhiều nhất. Có không ít vướng mắc liên quan tới cả các văn bản pháp luật vừa mới được ban hành và phát sinh hiệu lực trong năm 2025.
Đi vào chi tiết, ông Đậu Anh Tuấn cho hay, nhiều ý kiến đề cập, hệ thống pháp lý và các thủ tục hành chính hiện đang chưa thuận lợi, không rõ ràng, cụ thể, không có quy định hướng dẫn; các hồ sơ vẫn theo hướng yêu cầu cung cấp tài liệu giấy. Điều này là không phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay.
Thêm vào đó, đang có nhiều thủ tục không cần thiết như những thông báo, đăng ký khuyến mại, giấy phép chứng nhận dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hay xác nhận thông báo thay đổi địa điểm chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm...
Nhiều quy định vẫn chưa đảm bảo tính minh bạch như có quyền thế chấp quyền thuê đất trong hợp đồng trả tiền hàng năm; điều này gây khó khi xử lý về quyền thuê đất. Hay như quy định về Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) trong sử dụng nước thải sau xử lý để tưới cây cũng vẫn chưa được ban hành nên không rõ được áp dụng quy chuẩn của nước khác như thế nào? Đó là chưa kể những quy định chưa phù hợp như can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, gia tăng chi phí bảo hiểm cháy nổ, phương tiện phòng cháy chữa cháy ở các cảng biển...

Nhiều quy định vẫn chưa đảm bảo tính minh bạch như có quyền thế chấp quyền thuê đất trong hợp đồng trả tiền hàng năm; điều này gây khó khi xử lý về quyền thuê đất. Ảnh: Thạch Huê/Bnews/vnanet.vn
Đứng trước rất nhiều quan điểm, ý kiến bày tỏ về những khó khăn, thách thức và vướng mắc trong quy định pháp luật hiện hữu liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đại diện VCCI, kỳ vọng sẽ nhận được nhiều kiến nghị xác đáng, hữu ích và đóng góp ý nghĩa vào công tác tham vấn xây dựng chính sách pháp luật mà Đảng và Nhà nước mong đợi.
Đề cập tới một số điểm nghẽn trong lĩnh vực đầu tư đất đai và kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật, Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Chuyên gia pháp lý bất động sản, cho hay, đang tồn tại những quy định mâu thuẫn giữa Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư và Luật Đất đai.
Hiện nay, pháp luật đất đai không quy định việc giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư cho nhiều tổ chức kinh tế (các doanh nghiệp liên doanh). Hay như chưa có cơ chế giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế do nhà đầu tư được chấp thuận được thành lập; quy định giao đất, cho thuê đất từng lần hay nhiều lần cho doanh nghiệp....
Còn đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đề cập, theo quy định thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, các khoản hỗ trợ đầu tư sẽ được coi là thu nhập khác và bị áp dụng mức thuế 20% (không được hưởng ưu đãi thuế). Việc áp dụng mức thuế trên đối với khoản hỗ trợ từ Chính phủ nước ngoài làm tăng chi phí cho nhà đầu tư và giảm hiệu quả của các khoản hỗ trợ trên, do đó làm giảm tính hấp dẫn trong môi trường đầu tư của Việt Nam.
Hay quy định về thuế giá trị gia tăng vừa có hiệu lực từ ngày 1/7, theo đó hiểu rằng các hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ không còn được hưởng mức thuế suất giá trị gia tăng 0% nữa, mà sẽ phải áp dụng các mức 5%, 10% hay 8% theo quy định tại thời điểm phát sinh giao dịch.
Bản chất thuế giá trị gia tăng đánh trên hàng hóa, dịch vụ được cung cấp nên cần dựa trên tính chất của hàng hóa, dịch vụ liên quan để xác định thuế suất áp dụng, mà không phụ thuộc vào bên mua là bên Việt Nam hay bên nước ngoài.
Như vậy, Hiệp hội VAFIE kiến nghị, việc miễn thuế hoặc cho phép áp dụng ưu đãi thuế đối với khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Chính phủ nước ngoài sẽ giúp các doanh nghiệp FDI trong nước dễ dàng tiếp cận nguồn vốn bổ sung, giúp tăng năng lực tài chính để đầu tư mở rộng hoạt động đầu tư; đồng thời giúp thúc đẩy môi trường đầu tư hấp dẫn và minh bạch đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, để phù hợp với bản chất thuế giá trị gia tăng, khuyến khích các hoạt động kinh doanh phát triển đa dạng phong phú, phù hợp với sự phát triển thương mại toàn cầu, VAFIE kiến nghị Bộ tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định thuế giá trị gia tăng hiện hành theo hướng tiếp tục được áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ.
Giám đốc Công ty cổ phần Điện Trường Giang Nguyễn Ngọc Thông cho biết, hiện nay, Việt Nam vẫn nhập khẩu 100% thiết bị đóng cắt điện với mức chi 1 tỷ USD/năm để nhập thiết bị điện đóng cắt cao thế và trung thế và hạ thế. Doanh nghiệp Việt Nam có giải pháp nội địa hóa, sản phẩm có chất lượng tương đương, giá thành hợp lý hơn, nhưng lại không được sử dụng rộng rãi trong chính các dự án tại đất nước mình. Nguyên nhân là vì đâu? Phải chăng do rào cản từ chính sách và thủ tục đấu thầu, ông Thông đặt vấn đề.Theo ông Thông, Hồ sơ mời thầu thường yêu cầu thông số kỹ thuật hoặc kinh nghiệm cung cấp (dự án lớn, nhà máy điện) phù hợp với thương hiệu ngoại. Do đó, đã gián tiếp loại sản phẩm nội địa dù đạt chứng nhận KEMA/ASTA đi chăng nữa. Yêu cầu thử nghiệm không cần thiết tạo rào cản kỹ thuật. Không có cơ chế ưu tiên sản phẩm nội địa... Luật Đấu thầu 2023 đã có quy định ưu tiên sản phẩm sản xuất trong nước, nhưng trong thực tế, hồ sơ mời thầu của EVN vẫn thiếu các tiêu chí cụ thể để đánh giá ưu tiên.Bên cạnh đó, không có cơ chế đặt hàng trước rõ ràng cũng như các cơ chế hỗ trợ khác hỗ trợ sản xuất trong nước như Hàn Quốc, Trung Quốc,.. và các nước khác đã làm. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt khó phát triển và khó cạnh tranh với các công ty nước ngoài, tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài, hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.
Đó là chưa kể, chi phí thử nghiệm quốc tế cao, Kết quả thử nghiệm tại phòng thí nghiệm trong nước (như Quaest) không được công nhận, buộc kiểm định quốc tế (KEMA,ASTA, CE, UL) tốn kém. Lại thiếu phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế trong nước phải test ở châu Âu, mất thời gian– chi phí lớn.... Công nghiệp phụ trợ hiện nay còn rất yếu– phụ thuộc linh kiện nhập, không có các công ty thiết bị điện chuyên ngành để phối hợp sản xuất trong nước. Đó là những khó khăn thương mại hóa và xuất khẩu rất cần được hỗ trợ để tháo gỡ và thúc đẩy...