Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi thực hiện tiết kiệm năng lượng

Ngày 19.8, Tạp chí Công Thương tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề 'Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách'.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3) với mục tiêu tiết kiệm từ 5% đến 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2019-2025, và từ 8% đến 10% trong cả giai đoạn từ 2019-2030. Khảo sát của VNEEP3 cho thấy, các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30%-35%. Nhiều rào cản còn hiện hữu đối với cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Trong đó công nghệ và chính sách vẫn là bài toán lớn nhất.

Đánh giá về thực trạng tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện tiết kiệm năng lượng.

Trong đó, không ít doanh nghiệp còn hạn chế trong nhận thức về tiết kiệm điện, chưa thực sự quan tâm, thậm chí là không đủ năng lực, tài chính… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng, chưa tối ưu hóa được dây chuyền sản xuất, quy trình sản xuất dẫn tới việc vẫn còn sử dụng năng lượng một cách lãng phí.

Đặc biệt, “chính sách giá điện đang thực hiện theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành từ năm 2014. Tất nhiên giá phụ thuộc vào các cấp điện áp, giá bình thường của sản xuất chiếm chỉ từ khoảng độ 84% - 92% giá bình quân và giờ thấp điểm từ 52% - 59% giá bình quân.

Với giá điện thấp như vậy thì việc tiết kiệm điện đối với các doanh nghiệp sản xuất đâu đó cũng chưa được quan tâm một cách thực sự. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở các doanh nghiệp sản xuất rất là lớn”, ông Nguyễn Quốc Dũng nói.

Do đó, EVN tiếp tục kiên trì với việc khuyến nghị các doanh nghiệp trong vấn đề sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt trong thời gian tới là những chương trình về điều chỉnh phụ tải. Chương trình điều chỉnh phụ tải sẽ giúp cho các doanh nghiệp san bằng biểu đồ phụ tải của doanh nghiệp, qua đó doanh nghiệp cũng giảm được chi phí mua điện giờ cao điểm. Khi doanh nghiệp hiểu rõ được vấn đề này thì doanh nghiệp sẽ hưởng ứng rất tích cực.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Mạch Đình Khoa, Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam cho rằng, để tiết kiệm năng lượng thì đầu tiên cần có một giải pháp đo đếm và giám sát một cách độc lập về quá trình tiết kiệm điện.

Nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các doanh nghiệp sản xuất đối với vấn đề tiết kiệm năng lượng, ông Đặng Hải Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng đó là tiếp tục tăng cường quản lý năng lượng trong các cơ sở sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn để có thể tiếp cận, vận hành các công nghệ mới. Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tham mưu, trình Quốc hội xây dựng một quỹ hỗ trợ cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng.

Để nâng cao hiệu quả tiết kiệm điện, thời gian qua Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức nghiên cứu, tổ chức hội thảo chuyên đề tham vấn các cơ quan liên quan để tổng kết, đánh giá việc thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Minh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/doanh-nghiep-gap-nhieu-kho-khan-khi-thuc-hien-tiet-kiem-nang-luong-i384476/