Doanh nghiệp gỗ 'xoay sở' để thích ứng trong khó khăn

Các doanh nghiệp trong ngành gỗ thời gian qua thích ứng với các thách thức rất tốt khi tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí.

Chiều ngày 28-7, tại TPHCM, đại diện của hơn 200 doanh nghiệp ngành nội thất Việt Nam, các hiệp hội cùng đại diện các cơ quan ban ngành, các chuyên gia kinh tế hàng đầu đã cùng tham dự diễn đàn công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam chủ đề: "Giữ vị thế đón cơ hội".

Thích ứng với thách thức

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, gỗ và các sản phẩm từ gỗ luôn được đánh giá là nhóm những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, khiến nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường chủ lực của ngành như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… sụt giảm mạnh. Các đơn hàng chỉ đạt khoảng 35-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí có thị trường gần như đóng băng dẫn đến cắt giảm lao động, đóng cửa nhà máy.

Chia sẻ cụ thể về tình hình các doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết: Chế biến gỗ và nội thất những tháng đầu năm 2023 đón nhận những con số không tích cực. 6 tháng, xuất khẩu nội thất và lâm sản đạt 6,5 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ. Dù đã được dự báo từ cuối năm 2022 nhưng việc thiếu đơn hàng khiến các nhà máy phải giảm công suất, giảm lao động thậm chí là làn sóng trả mặt bằng, nhà xưởng của các doanh nghiệp nước ngoài vẫn khiến nhiều người từ ngạc nhiên đến hoảng hốt.

Tuy vậy, theo ông Khanh, các doanh nghiệp trong ngành thời gian qua thích ứng với các thách thức rất tốt. Một mặt, doanh nghiệp ngành gỗ tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí. Mặt khác, nỗ lực tận dụng các hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới.

Lần đầu tiên, các thương hiệu lớn của thị trường nội thất Việt Nam như Trần Đức, AA, Minh Thành... ký hợp đồng mua gian hàng lớn ở các triển lãm nội thất phục vụ thị trường Dubai. Nguyên nhân dẫn đến quyết định đẩy mạnh nhận diện ở các triển lãm này là tiềm năng. Khu vực Trung Đông đang được ví là điểm đầu tư của thập niên này. Đây là vùng đất đang được quy hoạch để xây dựng các siêu dự án. Tiêu biểu có thể kể tên như siêu dự án NEOM tại Arab Saudi với 4 tổ hợp Sindalah, The Line, Trojena và Oxagon; siêu dự án The Mukaab (New Murabba) trị giá 800 tỉ USD; siêu dự án Mirror Line vốn đầu tư 1.000 tỷ USD. Tất cả các dự án, đều cần nội thất, và còn là nội thất phân khúc cao cấp.

Dù đứng hàng đầu xuất khẩu nội thất thế giới nhưng thực tế, ngành nội thất Việt Nam đang thiếu tính cân bằng. Khoảng 55% xuất khẩu nội thất Việt Nam là phục vụ thị trường Mỹ. Trên thực tế, đây là thị trường quan trọng nhất của công nghiệp nội thất toàn cầu.

Bởi người Mỹ tiêu thụ nội thất nhiều nhất thế giới nhưng khi tập trung quá nhiều vào một thị trường, chúng ta dễ phát triển lệch, và rủi ro hàm chứa trong đấy không nhỏ. Đó cũng là lý do mà nhiều doanh nghiệp đang tìm các hướng đi ở nhiều thị trường tiềm năng khác.

Chuyển đổi xanh, dư địa tăng trưởng lớn

Chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC, nhìn nhận thực tế giảm đơn hàng hiện nay của ngành gỗ chỉ là tạm thời. Ngành nội thất Việt Nam có đủ dư địa để phát triển trong 5 đến 10 năm tới. “So với mức phát triển GDP trung binh của toàn cầu, ở mức 3%, tốc độ tăng trưởng kép của ngành nội thất thế giới là 4,5%, ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển trung bình 15,4%/năm là một con số chứng tỏ vị thế và tiềm năng rất lớn”, ông Trai nói.

Đồng tình với nhận định này, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương cho rằng, những sụt giảm của ngành nội thất nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung là hệ lụy của nhiều yếu tố tiêu cực nhưng cơ hội tăng trưởng vẫn có để chúng ta có thể đón đầu. Theo ông Chương, sự cộng hưởng của những biến động tiêu cực của thế giới đã khiến thế giới vận hành theo một cách thức hoàn toàn mới, luật chơi mới, nên người chơi cũng phải mới để thích ứng kịp thời.

Một trong những “luật chơi” mới mà thị trường đang đòi hỏi cấp thiết là tính bền vững trong sản phẩm nội thất. Đây không còn là đòi hỏi mang tính tự nguyện như trước đây mà đã trở thành điều kiện bắt buộc, nếu muốn tham gia thị trường.

Theo chủ tịch GIBC, ngoài những quy định bắt buộc hiện hành, doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối diện với những đòi hỏi mới như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do Ủy ban Châu Âu (EC) đề xuất, có hiệu lực từ tháng 10. Hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu sẽ phải chịu thêm chi phí, nếu không chuyển đổi mô hình sản xuất ít phác thải hơn để có tín chỉ carbon.

Với hiện trạng ngành gỗ Việt Nam có trữ lượng rừng trồng đáng kể, ông Trai cho rằng, nếu thiết lập lại và tổ chức kết nối tốt, thị trường tín chỉ carbon chính là cơ hội để DN nội thất Việt Nam gia tăng lợi thế. Chuyên gia này tư vấn: “Ngành chế biến gỗ Việt Nam cần định vị lại mục tiêu, tầm nhìn trở thành Trung tâm đồ nội thất thế giới xanh và bền vững”.

Định vị lại tầm nhìn phát triển cho ngành nội thất Việt Nam trong bối cảnh mới cũng là chủ đề chính các diễn giả tranh luận ở phần tọa đàm. Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Ban IV, những thách thức mới về thị trường liên quan đến EUTR hay mục tiêu Net Zero cũng sẽ giúp ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam phát triển theo chiều hướng tích cực hơn. Từ đó, tạo điều kiện cho ngành vươn xa hơn, thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ khối ngoại.

Tổng giám đốc, Mekong Capital Chad Ovel nhận định với những điển hình lớn như AA Corporation, An Cường, Trường Thành... ngành nội thất Việt Nam khá ấn tượng trong mắt các nhà đầu tư. Ông tin rằng, ngành nội thất Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đón nhận làn sóng đầu tư và làn sóng tăng trưởng hậu lạm phát. Vấn đề là cách thức thích ứng với khó khăn hiện nay và chiến lược phát triển bền vững của ngành được triển khai thế nào.

Đề xuất hình thành trung tâm logistic

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA đánh giá: sản phẩm nội thất Việt Nam chất lượng tốt, độ tinh xảo cao, hiện đã có mặt trong các công trình cao cấp bậc nhất thế giới. Nhưng, nhiều năm qua, nội hàm của ngành vẫn tồn tại sự thiếu cân bằng khác: doanh nghiệp mạnh về gia công hơn tất cả các giá trị khác trên chuỗi cung ứng. Rất nhiều doanh nghiệp không ngừng tiềm kiếm giải pháp tiếp cận người dùng cuối và thâm nhập trực tiếp vào chuỗi cung ứng nội thất ở các thị trường quốc tế nhưng vẫn không thực sự thành công.

Ví dụ là thị trường Mỹ. Khi bắt tay vào làm phân phối tại đây, doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như vấn đề pháp lý. Theo luật pháp Mỹ, doanh nghiệp buộc phải thành lập doanh nghiệp tại đây để có thể chịu trách nhiệm nếu muốn bán hàng.

Tiếp đó là vấn đề kho hàng, quản lý hàng hóa, nhân sự… Đặc biệt nhất là văn hóa hàng trả hoàn toàn khác biệt so với Việt Nam. Việc hoàn thiện bộ máy, quy trình kinh doanh ở Mỹ đòi hỏi doanh nghiệp tốn kém và thời gian dài, rủi ro pháp lý cao nên từ đó chi phí đầu tư cũng rất nhiều.

Những vướng mắc này, ý tưởng về một hình thành trung tâm logistic, xúc tiến thương mại nội thất Việt Nam ở thị trường chủ lực có thể giải quyết được.

Mô hình này là sự kết hợp giữa các mô hình kinh tế hiện đại: Business Center + Fullfillment Center + Services Center. Tựa như một văn phòng đại diện, các doanh nghiệp hội tụ trong mô hình này có thể chính thống về mặt pháp lý trong việc kinh doanh ở thị trường sở tại; có không gian để tiếp cận khách hàng, nhận các thông tin liên lạc đến từ nhân viên chính thức bằng tên công ty của doanh nghiệp, dịch vụ thư ký theo yêu cầu...

Mô hình này hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu online của doanh nghiệp. Bên cạnh người dùng cuối, nhiều nhà nhập khẩu tìm mua hàng container trên các nền tảng Amazon, Wayfair, Alibaba,… nhưng với nhu cầu về số lượng nhỏ hơn so với đặt hàng gia công hàng loạt. Nếu có kho hàng ở nước sở tại, doanh nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu này với thời gian nhanh nhất. Mô hình này cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu dự án.

"Tôi cho rằng, một doanh nghiệp đầu tư sẽ khó hiệu quả vì chi phí và rủi ro quá cao nhưng nếu thiết lập ngôi nhà chung cho các doanh nghiệp xuất khẩu tại nước ngoài sẽ tháo gỡ phần nào các khó khăn vướng mắc nêu trên", ông Khanh bày tỏ.

Theo Statista, trị giá hàng hóa nội thất toàn cầu đạt 557 tỷ USD năm 2022, trong đó giá trị sản xuất xuất khẩu hơn 150 tỷ, giá trị thiết kế, thương hiệu, thương mại phân phối chiếm tới gần 400 tỷ đồng. Nhu cầu và khả năng hấp thụ nội thất của thị trường thế giới còn rất lớn. Trong khi Việt Nam mới chỉ cung ứng khoảng 9% nhu cầu như vậy dư địa phát triển còn rất lớn.

Thanh Dung

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/doanh-nghiep-go-xoay-so-de-thich-ung-trong-kho-khan-post106793.html