Doanh nghiệp góp sức vì đất nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các bộ ngành bàn bạc, trao đổi, cam kết cùng doanh nghiệp tư nhân làm các dự án lớn

Ngày 10-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp (DN) bàn về nhiệm vụ, giải pháp để DN tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Phát huy vai trò "doanh nghiệp dẫn đầu"

Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong thành tựu chung của đất nước thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của các DN, nhất là các DN lớn. Chính phủ rất chia sẻ với các DN trước các khó khăn và xác định luôn đồng hành, cùng tháo gỡ vướng mắc, nhất là những vấn đề liên quan đến thể chế.

Với mục tiêu năm 2025 tăng trưởng GDP ít nhất 8%, Thủ tướng cho biết rất cần sự đóng góp của cộng đồng DN. Do đó, hội nghị gặp gỡ nhằm chia sẻ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách.

Việt Nam đang triển khai một số dự án rất lớn, như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân. Thủ tướng đề nghị các DN tư nhân "xem có thể làm được gì thì đăng ký, đề xuất cơ chế, chính sách để làm, miễn không tư lợi".

Báo cáo về tình hình phát triển DN, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết qua gần 40 năm đổi mới, DN nước ta đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940.000 DN đang hoạt động, hơn 30.000 hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh. Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị khẳng định khu vực kinh tế tư nhân luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển. Kinh tế tư nhân hiện đóng góp gần 45% GDP cả nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, DN còn nhiều hạn chế, tồn tại. Phần lớn DN có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế…

Trước yêu cầu của bối cảnh mới để thực hiện khát vọng Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng các DN lớn cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới; chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế. Cùng với đó, phát huy vai trò "DN dẫn đầu", chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các DN nhỏ và vừa tham gia cùng phát triển theo chuỗi giá trị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ Ảnh: NHẬT BẮC

Những chia sẻ tâm huyết

Tại hội nghị, đại diện nhiều tập đoàn, DN lớn đã chia sẻ về kế hoạch phát triển sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới; đồng thời khẳng định nỗ lực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO), khẳng định tập đoàn sẽ tập trung tham gia làm đường sắt đô thị - đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép. Theo ông Dương, THACO có lực lượng kỹ sư giỏi và có nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu phát triển sản phẩm, hợp tác quốc tế. Họ cam kết sẽ tham gia chuyển giao công nghệ hợp lý, sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành, bảo đảm chất lượng. THACO cũng sẽ giúp các DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất, liên kết để đặt hàng thép chế tạo.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, nhìn nhận các dự án đầu tư công như đường sắt đô thị Hà Nội, TP HCM, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng... sẽ mang lại thời cơ rất lớn cho DN. Hòa Phát có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray với số vốn khoảng 10.000 tỉ đồng. "Với nhà máy này, tập đoàn bảo đảm cung cấp thép chế tạo cho tổng công ty đường sắt làm dự án. Dự án cần khoảng 10 triệu tấn thép, Hòa Phát sẽ cung cấp đủ với chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn nhập khẩu" - ông Long khẳng định. Đặc biệt, ông nhấn mạnh loại thép nói trên là một sản phẩm đặc thù, nên cần có một nghị quyết để các DN yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án.

Cùng quan tâm đến các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia, ông Nguyễn Xuân Trường, đại diện Tập đoàn Xuân Trường, cho rằng với đường sắt cao tốc, đường giao thông, cơ quan quản lý phải có văn bản để DN yên tâm đầu tư, ngân hàng có cơ sở cho vay tiền. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách giao cho DN tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trong quá trình đầu tư.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, nói DN cần sự kết nối của Chính phủ khi cùng chung tay hợp tác. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần cụ thể hóa việc đặt hàng cho DN tư nhân tham gia các dự án trọng điểm chiến lược như đường sắt tốc độ cao, metro... Song song đó, các bộ ngành quan tâm đến việc cải cách, đơn giản thủ tục hành chính.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho biết tập đoàn xác định việc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa cho xe điện VinFast là chìa khóa để phát triển bền vững, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Để khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi sang sử dụng xe điện, ông Quang cho rằng sự hỗ trợ từ Nhà nước sẽ là động lực lớn thúc đẩy nhanh quá trình này.

Đồ họa: LÊ DUY

Đồ họa: LÊ DUY

Sẵn sàng đối thoại, hoàn thiện thể chế

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết bộ sẵn sàng hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác, kết nối thị trường; cũng như tiếp cận các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách hiện hành, thực thi các nội dung hành chính một cách nhanh chóng, thuận lợi.

"Bộ Công Thương sẵn sàng lắng nghe, đối thoại một cách cởi mở để tiếp thu có chọn lọc, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách đủ mạnh và khả thi để các DN có thể tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 2025 là năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Do đó, phải phấn đấu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số. Thủ tướng đề nghị các DN phấn đấu tăng trưởng ít nhất 2 con số để đóng góp vào mục tiêu chung.

Trước các kiến nghị, đề xuất của DN về hoàn thiện thể chế và tính ổn định trong thực thi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chính phủ cam kết rà soát lại việc này để xây dựng thể chế thông thoáng, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và DN. Thủ tướng cũng đề nghị các DN, doanh nhân kinh doanh, làm ăn đúng luật, tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc.

Với các bộ ngành, Thủ tướng đề nghị trao đổi, bàn bạc với DN, có cam kết hai bên để triển khai công việc cụ thể, tham gia thực hiện những nhiệm vụ, dự án lớn của đất nước. "Ví dụ trong xây dựng đường sắt tốc độ cao, Bộ Giao thông Vận tải có cam kết với Hòa Phát về đường ray, với THACO về toa tàu, với Đèo Cả, Xuân Trường về đào hầm, làm đường" - Thủ tướng gợi ý. Thủ tướng cũng nhấn mạnh quá trình triển khai phải trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước và DN, người dân; không có tiêu cực, tham nhũng.

7 kỳ vọng của Thủ tướng đối với doanh nghiệp

- Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ.

- Đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực.

- Tăng tốc, bứt phá trong tăng trưởng.

- Bao trùm, toàn diện, bền vững trong phát triển đất nước.

- Đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo.

- Tích cực tham gia bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là xóa nhà tạm, nhà dột nát và xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.

- Ngày càng có nhiều DN Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần nâng cao thương hiệu quốc gia.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT:

Bình dân hóa trí tuệ nhân tạo

Chúng ta phải làm mọi cách để phát triển, không thể bỏ lỡ trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Trước hết, phải giải phóng tiềm lực khoa học - công nghệ. Qua nghiên cứu, mối quan hệ giữa GDP và tiềm lực khoa học - công nghệ vẽ thành một đồ thị parapol đi lên, nghĩa là khi tăng trưởng GDP thì trình độ khoa học đi lên.

Thời gian gần đây, chúng ta nghe nhiều về DeepSeek - một công ty trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc. DeepSeek đã làm cho "bình dân hóa trí tuệ nhân tạo", tức là các công ty nhỏ cũng làm được, các công ty vừa và nhỏ cũng đã áp dụng được.

Vì vậy, tôi đề nghị nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục - đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục. Để làm được điều này rất cần vai trò của Nhà nước, để Việt Nam sớm trở thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo…

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG:

Hỗ trợ tài chính cho các dự án trung hòa carbon

Tôi đề nghị có các chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án xây dựng và trung hòa carbon, bao gồm cả thuế và thủ tục hành chính. Có các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng sáng tạo để khuyến khích mạnh mẽ DN áp dụng công nghệ sạch và năng lượng tái tạo. Điều này góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà Thủ tướng đã cam kết với quốc tế, mục tiêu đến năm 2050 Việt Nam có thể hoàn thành Net Zero. Chúng tôi cũng đề xuất cần có các chương trình, sáng kiến cấp quốc gia về đổi với sáng tạo, phát triển bền vững để các DN có thể tham gia.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia:

Nâng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Cần tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, đầu tư - nhất là đầu tư tư nhân và đầu tư công, tiêu dùng. Khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; các ngành công nghiệp mới như chip bán dẫn, AI, chuỗi khối, vật liệu mới...

Cơ quan quản lý cần triển khai hiệu quả các chính sách về giãn, hoãn, giảm thuế, phí và các chính sách tín dụng - tiền tệ để hỗ trợ DN. Chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam như sớm ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết 10-NQ/TW/2017 về phát triển kinh tế tư nhân; sửa Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ năm 2017; cơ chế hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN…

Đặc biệt, chú trọng đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, nhất là cổ phần hóa và thoái vốn DN nhà nước.

M.Phong - T.Phương ghi

MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/doanh-nghiep-gop-suc-vi-dat-nuoc-196250210214855234.htm