Doanh nghiệp góp sức 'xanh hóa' nền kinh tế - Kỳ 3: Lên lộ trình chuyển đổi xanh để dễ dàng tiếp cận nguồn vốn xanh
Trong xu thế hiện nay, chuyển đổi xanh (CĐX) là con đường mà mọi doanh nghiệp cần phải đi qua. Và để đi trên con đường xanh một cách chủ động và đơn giản nhất, nên bắt đầu từ phương thức dễ dàng nhất: lên lộ trình CĐX rõ ràng, để có thể tiếp cận các nguồn vốn.

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh tại Lễ công bố nhận tài trợ phát triển bền vững. (Ảnh: Q.C)
Bắt đầu từ công bố lộ trình chuyển đổi xanh
Ông Nguyễn Đức Minh - thành viên Hội đồng cấp cao Diễn đàn ESG Việt Nam cho rằng, về mặt lý thuyết thì các ngân hàng đã biết đến CĐX và bắt buộc doanh nghiệp (DN) phải có các chỉ tiêu về CĐX mới được tiếp cận vốn. Tuy nhiên, ông Minh lưu ý, ngân hàng không yêu cầu phải có kết quả luôn mà chỉ yêu cầu “có lộ trình CĐX và thực hiện bằng các chỉ tiêu, có thời hạn cụ thể, rõ ràng”. Và việc DN tiếp cận được vốn hay không phụ thuộc vào tính cam kết thực hiện CĐX. “Là CĐX chứ không phải là xanh” - ông Minh nhấn mạnh.
Ví dụ, để có thể chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì khi bắt đầu đầu tư DN phải tìm hiểu thật kỹ có thể chuyển đổi ở những hạng mục, thiết bị, phương tiện nào, sau đó mới tính đến các phương án và tiếp cận nguồn vốn. “Vốn trong giai đoạn này đang rất có lợi cho các DN muốn đầu tư. Bởi vì đây là giai đoạn mà nguồn tiền của ngân hàng rất dồi dào, lãi suất cũng tốt nên các DN cần phải nghiên cứu sớm để có thể tìm các phương án chuyển đổi tối ưu nhất cho mình” - ông Minh nói.
Ông Vũ Chí Công - Giám đốc Quỹ đầu tư VinaCarbon (Tập đoàn Vina Capital) cho rằng, xu hướng xanh hóa là bắt buộc nên DN cần bắt tay vào thực hiện ngay. Hầu hết DN sẽ gặp khó khăn với chi phí ban đầu để đầu tư vào CĐX, do đó, trước mắt, DN có thể bắt đầu từ việc công bố lộ trình CĐX của mình. Việc này có thể sẽ giúp cho DN dễ tiếp cận vốn ngân hàng hơn vì hầu hết các ngân hàng sẽ lọc để cho vay những DN có ý thức CĐX trước.
Đáng chú ý, ông Vũ Chí Công nhận định, có thể nhiều DN Việt ngại công bố thông tin vì DN Việt chưa thể làm tốt như DN thuộc các nước phát triển nhưng nếu có lộ trình CĐX được công bố thì tình hình tiếp cận các nguồn vốn xanh cũng như các quỹ đầu tư quốc tế hướng đến phát triển bền vững sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh chia sẻ: “Là người trực tiếp tham gia vào quá trình CĐX tại Phúc Sinh, cũng đã nhận được đầu tư từ nhiều quỹ quốc tế, tôi thấy rằng DN nào cũng muốn làm xanh, nhưng nhiều khi còn lo ngại về chi phí, quy trình phức tạp hoặc chưa biết bắt đầu từ đâu”. Do đó, ông Thông cho rằng, các DN có thể dần dần CĐX, bắt đầu từ bước xác định điểm xuất phát. Ở bước này, DN phải đánh giá tác động môi trường, từ nguyên liệu, sản xuất đến vận hành. Và có thể chuyển đổi từ những thay đổi nhỏ, ví dụ, thay thế bao bì nhựa bằng vật liệu sinh học, thay thế các loại bóng đèn tiết kiệm năng lượng…
Cần quỹ tài chính dễ tiếp cận cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, DN nhỏ và vừa sẽ gặp nhiều khó khăn trong CĐX, nguyên nhân có thể là do nhận thức chưa đúng mức. Nhưng “tôi nghĩ đây không phải là vấn đề khó. Câu chuyện là các chủ DN ý thức và nhận thức được tầm quan trọng của CĐX thì tôi nghĩ là 90% họ đáp ứng được” - ông Minh khẳng định và phân tích thêm: “Cả thế giới phải CĐX, đó là yêu cầu và xu hướng bắt buộc nhưng không có nghĩa là họ yêu cầu ngày mai phải làm luôn, do đó, chỉ cần có ý thức và quyết tâm, DN sẽ đạt được”.

Chỉ cần có lộ trình chuyển đổi xanh, doanh nghiệp đã có cơ hội tiếp cận nguồn vốn xanh. (Ảnh minh họa)
Ông Minh nêu ví dụ về vấn đề ý thức của DN. Theo đó, nếu DN dùng lò than để sản xuất ý thức được rằng sản xuất bằng than sẽ sản sinh ra carbon, khói bụi, ô nhiễm môi trường và muốn chuyển đổi sang nhiên liệu khác, như dùng lò điện chẳng hạn nhưng không thể thực hiện ngay. Do đó, DN sẽ có một lộ trình thích nghi dần, bắt đầu từ tìm cách cắt giảm lượng than sử dụng hoặc cắt giảm lượng phát thải khói bụi ra môi trường thông qua một bước “sục than qua nước” để đỡ phát tán bụi ra không khí.
“Đấy đã gọi là lộ trình và những đơn vị cung ứng vốn sẽ đánh giá DN đã có lộ trình thực hiện CĐX và như vậy DN có thể đã có khởi đầu để tiếp cận được vốn. Còn thời gian chuyển đổi là 3 năm, 5 năm hay nhiều hơn nữa thì còn phụ thuộc vào nhu cầu và yêu cầu chuyển đổi. Nhưng những kế hoạch chuyển đổi phải được thống nhất giữa các bên như cơ quan chức năng hoặc ngân hàng, đơn vị bảo lãnh vốn để đưa ra lộ trình khả thi nhất” - ông Minh nói.
Ông Phan Minh Thông cũng đưa ra một số ý kiến để DN có thể dễ dàng thực hiện CĐX như tìm hiểu và tận dụng các chính sách ưu đãi, quỹ hỗ trợ của Chính phủ và tổ chức quốc tế về phát triển bền vững. Truyền thông về cam kết xanh bằng cách xây dựng hình ảnh thương hiệu bền vững, thu hút khách hàng và nhà đầu tư quan tâm đến ESG. Song song đó, ứng dụng công nghệ xanh thông qua sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, tự động hóa sản xuất để giảm phát thải.
Ngoài ra, ông Thông cho rằng, Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ tài chính rõ ràng, dễ tiếp cận bởi CĐX cần vốn đầu tư, đặc biệt là trong công nghệ và quy trình sản xuất. Nhà nước có thể tạo điều kiện bằng cách cấp các gói vay ưu đãi hoặc miễn thuế cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng, tái chế nguyên liệu, phát triển nông nghiệp bền vững; Xây dựng quỹ hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ để họ có thể tiếp cận công nghệ xanh mà không bị áp lực tài chính quá lớn.
“CĐX không phải là gánh nặng, mà là cơ hội. Nếu có quyết tâm và chính sách hỗ trợ đúng đắn, DN Việt hoàn toàn có thể vừa phát triển bền vững, vừa nâng cao giá trị thương hiệu và xuất khẩu mạnh mẽ hơn” - ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh.