Doanh nghiệp Hà Tĩnh vượt thách thức, tăng tốc về đích
Chủ động, linh hoạt khắc phục khó khăn về thị trường, chi phí sản xuất, tỷ giá USD gia tăng…, cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh đang nỗ lực để sớm hoàn thành mục tiêu trong quý II/2025.
Quý II là giai đoạn quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo đà về đích kế hoạch năm 2025. Tuy vậy, hiện nay, các doanh nghiệp phải đối mặt nhiều thách thức, tác động đến chuỗi hoạt động như: chi phí sản xuất tăng, đơn hàng giảm, tỷ giá USD liên tục tăng cao. Đặc biệt, ngày 10/5 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam công bố tăng giá điện 4,8% đã tạo thêm sức ép cho các doanh nghiệp.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP Dược Hà Tĩnh.
4 tháng đầu năm, Công ty CP Dược Hà Tĩnh đạt doanh thu gần 170 tỷ đồng và đang nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành mục tiêu khoảng 130 tỷ đồng trong quý II/2025.
Ông Lê Quốc Khánh – Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hà Tĩnh cho biết: “Tháng 10/2024, EVN tăng giá điện 4,8% và mới đây tiếp tục tăng 4,8%, gây thêm sức ép cho doanh nghiệp. Với mức tăng này, bình quân mỗi tháng, đơn vị tiêu thụ hơn 500 triệu đồng tiền điện, đồng nghĩa phát sinh thêm gần 300 triệu đồng/năm. Để ứng phó, chúng tôi tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện; chủ động sắp xếp kế hoạch sản xuất hợp lý; chú trọng bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, thay thế các máy móc tiêu hao nhiều năng lượng”.
Được biết, các công ty dược đang chịu cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Để gia tăng thị phần tiêu thụ, Công ty CP Dược Hà Tĩnh tiếp tục ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đầu tư nghiên cứu các sản phẩm mới. Doanh nghiệp cũng đã chi hơn 20 tỷ đồng đầu tư trang thiết bị sản xuất theo hướng tự động hóa. Đối với thị trường tiêu thụ, ngoài thị trường nội địa, đơn vị đẩy mạnh xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Myanmar…
Là một trong những doanh nghiệp xuất nhập khẩu có tiếng trên địa bàn, Công ty CP Sao Mai (CCN Bắc Cẩm Xuyên) đang đối mặt khó khăn như: cạnh tranh thị trường xuất khẩu, tỷ giá USD tăng cao, đơn hàng cầm chừng...

Tỷ giá USD tăng cao, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Hà Tĩnh bị ảnh hưởng.
Bà Trần Thị Khuyên – cán bộ phụ trách xuất nhập khẩu, Công ty CP Sao Mai chia sẻ: “Hiện tỷ giá USD đang “neo” ở mức cao (ngày 13/5/2025 là 26.140 đồng/USD ở chiều bán ra). Tỷ giá USD càng cao thì giá nhập khẩu nguyên liệu càng cao, ảnh hưởng đến chi phí nguyên liệu đầu vào của nhà máy. Cùng đó, các khách hàng duy trì mức đặt hàng thấp để thăm dò thị trường, không tăng đơn hàng tại thời điểm này”.
Để ứng phó với tác động tỷ giá tăng, Công ty CP Sao Mai hạn chế nhập khẩu nguồn nguyên liệu, thay vào đó tìm kiếm các nguồn nguyên liệu trong nước để tiết giảm giá thành. Đồng thời, đầu tư thêm các dây chuyền, máy móc sản xuất công nghệ cao nhằm gia tăng chất lượng sản phẩm và năng suất lao động. Doanh nghiệp cũng liên tục theo dõi, bám sát tình hình biến động của thị trường để kịp thời đưa ra phản ứng phù hợp, tiến tới mục tiêu sản xuất hơn 20 triệu vỏ bao trong quý II/2025.
Những tháng đầu năm 2025, tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh (thuộc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) “dễ thở” hơn khi giá lợn "neo" ở mức cao. Tuy vậy, đơn vị lại bị "đe dọa" khi dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp. Để đảm bảo an toàn chuỗi liên kết chăn nuôi, doanh nghiệp phải gia tăng 30% chi phí phòng dịch, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh đối mặt khó khăn khi dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp. Ảnh tư liệu.
Trong bối cảnh khó khăn, chính quyền địa phương, các ngành liên quan đã có biện pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh. Theo đó, ngành thuế triển khai các chương trình giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp như: gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2025 theo Nghị định 82/2025/NĐ-CP; giảm 2% thuế GTGT theo Nghị định số 72/2024/NĐ-CP của Chính phủ…
Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh bằng việc ban hành các gói tín dụng “giá rẻ”, tạo điều kiện nâng hạn mức cho vay đối với khách hàng đủ điều kiện; gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với doanh nghiệp khó khăn.
Được biết, tổng dư nợ doanh nghiệp Hà Tĩnh đạt hơn 30.000 tỷ đồng. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 8 tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay; tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, triển khai các gói tín dụng đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để kịp thời gỡ khó các vấn đề tín dụng…

Dư nợ doanh nghiệp của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh hiện đạt hơn 30.000 tỷ đồng.
Ông Lê Đức Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh cho hay: Cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt những thách thức từ suy thoái kinh tế toàn cầu, chiến tranh thương mại…; tác động lớn đến chuỗi sản xuất, kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận.
Tuy vậy, điều phấn khởi là nhiều doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đã chủ động nhận diện khó khăn, nhanh chóng thích ứng linh hoạt với các giải pháp sát với thực tiễn, tìm kiếm thị trường, đối tác mới để duy trì chuỗi hoạt động trong bối cảnh biến động thị trường. Ngoài ra, có những doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi mô hình hoạt động, đầu tư các lĩnh vực mang tính bền vững.
Thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh đã chú trọng làm tốt chức năng, nhiệm vụ, trở thành cầu nối giữa chính quyền, các sở, ngành với doanh nghiệp; lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp để chuyển tải tới các cơ quan chức năng, góp phần giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp. Với mục tiêu tăng trưởng tích cực, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị chính quyền địa phương các cấp, các sở, ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện, đồng hành tháo gỡ khó khăn, nhất là về cơ chế, chính sách, tín dụng…