Doanh nghiệp 'hiến kế' phát triển du lịch xanh

Các doanh nghiệp nhấn mạnh yêu cầu xây dựng điểm đến xanh để thu hút khách cao cấp và tăng trưởng bền vững, trong khi nhiều mô hình giảm phát thải, bảo vệ môi trường đang được triển khai hiệu quả tại các điểm đến du lịch Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) Vũ Thế Bình. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) Vũ Thế Bình. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Phát triển du lịch xanh là xu thế tất yếu

Phát biểu tại diễn đàn "Phát triển điểm đến xanh - Nâng tầm du lịch Việt Nam" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) tổ chức ngày 11/4, Chủ tịch VITA Vũ Thế Bình nhấn mạnh vai trò thiết yếu của du lịch trong tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và phát triển bền vững. Tuy nhiên, trước những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, ông cho rằng ngành du lịch buộc phải chuyển đổi xanh để tồn tại và phát triển có trách nhiệm.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra 5 yếu tố để khởi động các hoạt động chuyển đổi xanh gồm: Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách về chuyển đổi xanh trong du lịch; phát triển các điểm đến xanh trên cơ sở Bộ tiêu chí du lịch xanh của Hiệp hội; xúc tiến, quảng bá xanh; đào tạo xanh và ứng dụng công nghệ xanh, chuyển đổi số.

Đồng quan điểm, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khẳng định, phát triển điểm đến xanh là xu thế bắt buộc để nâng tầm du lịch Việt Nam. UNDP đã hợp tác với Hiệp hội Du lịch và nhiều doanh nghiệp triển khai các dự án giảm rác thải nhựa, mang lại kết quả tích cực tại Quảng Bình, Quảng Nam với mức giảm 40–55% nhựa dùng một lần.

UNDP cam kết tiếp tục đồng hành với du lịch Việt Nam thông qua phát triển giao thông xanh và nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng tới xây dựng hệ sinh thái du lịch bền vững.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Chung tay cùng ngành du lịch chuyển đổi xanh, GS. TS Nguyễn Văn Đính, Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch, Hiệp hội du lịch Việt Nam đã đề xuất loạt giải pháp nhằm giảm phát thải carbon trong ngành như: Sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; phát triển du lịch gần gũi thiên nhiên, giảm du lịch hàng không dài ngày; hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần trong khách sạn, nhà hàng; tiết kiệm nước, điện và sử dụng năng lượng tái tạo trong cơ sở lưu trú; bảo vệ hệ sinh thái, không khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.

Cùng "hiến kế" phát triển du lịch bền vững từ thực tiễn, tại phiên tọa đàm về thực hành phát triển "Điểm đến xanh tại Việt Nam", các doanh nghiệp được VITA công nhận đạt tiêu chí xanh (VITA Green) đã chia sẻ những câu chuyện làm du lịch xanh của riêng mình và gợi ý cách làm cho các doanh nghiệp khác trong ngành.

Tọa đàm về thực hành phát triển Điểm đến xanh tại Việt Nam. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Tọa đàm về thực hành phát triển Điểm đến xanh tại Việt Nam. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN.

Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group khẳng định, phát triển điểm đến xanh là yêu cầu tất yếu của ngành du lịch, 4 điểm mạnh nhất của du lịch Việt Nam là văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực và con người đều liên quan mật thiết đến phát triển bền vững và thu hút khách cao cấp từ châu Âu.

Ông Hà cho biết, năm 2024 đánh dấu bước chuyển mình của Lux Group trong hành trình phát triển du lịch xanh. Doanh nghiệp chú trọng phát triển bền vững ngay trong văn hóa của mình, xây dựng một môi trường làm việc bền vững, nhân viên có trách nghiệm, văn phòng xanh, chuyển đổi số giảm hơn 90% in ấn, không sử dụng nhựa dùng một lần, sản phẩm du lịch hài hòa giữa bảo tồn và lợi nhuận, chuỗi cung ứng được kiểm soát chặt chẽ, ưu tiên hợp tác với đối tác bền vững.

Tuy nhiên, ông cũng nêu những thách thức trong chuyển đổi xanh ngành du lịch như chi phí cao, thời gian hoàn vốn dài, khó thuyết phục đối tác cam kết tiêu chuẩn xanh, trong khi một số điểm đến chưa được bảo tồn đúng mức, rác thải vẫn tồn tại, đặc biệt tại Vịnh Hạ Long.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, bà Hoàng Thị Thu Hường, Giám đốc phát triển thị trường Ban quản lý khu du lịch sinh thái Tràng An cho biết, Ninh Bình cũng là điểm đến phục vụ một lượng lớn du khách, khoảng hơn một triệu khách/năm nhưng không gian ở đây vẫn rất sạch do Tràng An có một đội ngũ vớt rác bất kể sáng, trưa, chiều tối cùng sự giúp đỡ từ 2.000 lái đò liên tục vớt rác trong hành trình di chuyển.

"Dù đã tuyên truyền rất nhiều nhưng lượng rác chúng tôi thu được vẫn rất lớn, với vai trò là đơn vị làm du lịch, tôi cho rằng phát triển điểm đến xanh không phải chỉ là trách nghiệm của đơn vị quản lý điểm đến hay du khách mà còn là sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp làm du lịch kể cả lữ hành, du thuyền hay lưu trú, các doanh nghiệp có thể bỏ công sức, vật chất để cùng với cộng đồng bảo vệ điểm đến thay vì chỉ khai thác điểm đến," bà Hường nói.

Thông tin thêm với Mekong ASEAN về cách làm cụ thể trong quá trình chuyển đổi du lịch của doanh nghiệp, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho biết, công ty tập trung vào phân khúc khách cao cấp từ châu Âu, Italy, Tây Ban Nha,...Tệp khách này có chi tiêu cao và ưa thích các điểm đến xanh, các hoạt động như đi du thuyền, chơi golf, khám phá nông nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu này, doanh nghiệp xây dựng tour du lịch không phát thải và được khách đón nhận tích cực.

Hiện Lux Group thu 1,5 USD/khách làm phí bảo vệ môi trường, dùng cho các hoạt động trồng rừng, làm sạch nơi du khách đi qua. Tại Hà Giang, khoản này được đầu tư vào đèn năng lượng mặt trời, bình nước công cộng..., du khách quay lại Hà Giang sẽ được sử dụng lại chính những đóng góp của mình nên rất hưởng ứng hoạt động này. TS. Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group

Theo ông Hà, với những tour du lịch xanh cùng chứng nhận Travelife Certified 2025 (chứng nhận quốc tế về phát triển bền vững dành riêng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và lữ hành)... khách du lịch quay trở lại với Lux Group nhiều lần, có khách đã quay lại 5-7 lần tạo ra nguồn thu bền vững cho doanh nghiệp. Qua đó việc chuyển đổi xanh không chỉ bảo vệ cảnh quan thiên nhiên mà còn trực tiếp đem lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp làm du lịch bền vững.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/doanh-nghiep-hien-ke-phat-trie-n-du-lich-xanh-40315.html