Doanh nghiệp, hộ kinh doanh thích ứng nhanh với các nền tảng bán hàng số

Không dừng lại ở một buổi bán hàng livestream (phát trực tiếp) giới thiệu các sản phẩm, nhiều doanh nghiệp, thương hiệu còn kết hợp với những người có ảnh hưởng (KOLs) để đạt được hiệu quả kinh doanh qua các nền tảng số như Facebook, YouTube, TikTok, hoặc trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo... Với phương thức này, nhiều doanh nghiệp Thủ đô nhanh chóng tiếp cận và mở rộng thị trường, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Làn gió mới cho doanh nghiệp Việt

Bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến hiện đang là một trong những xu hướng tất yếu và trở thành một phương tiện quan trọng trong chiến lược tiếp thị và bán hàng của doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các tiểu thương, doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường. Nắm bắt phương thức kinh doanh mới này, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng số và đầu tư rất bài bản, xem đây là kênh phân phối hàng hóa rất tiềm năng.

Thông tin được đưa ra tại chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Bán hàng trực tuyến (livestream) qua sàn thương mại điện tử - Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt vượt khó”, tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết, thương mại điện tử nói chung và hình thức kinh doanh bán hàng livestream đã phát triển mạnh trong thời gian qua. Bình quân mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng livestream. Các mặt hàng bán qua hình thức này rất đa dạng như thời trang, làm đẹp, văn phòng phẩm…

Người tiêu dùng hiện rất chuộng mua hàng online trên các nền tảng số nhờ sự tiện ích của công nghệ và các phương thức thanh toán, vận chuyển...

Người tiêu dùng hiện rất chuộng mua hàng online trên các nền tảng số nhờ sự tiện ích của công nghệ và các phương thức thanh toán, vận chuyển...

Việc bán hàng livestream có nhiều lợi ích như khai thác sức mạnh mạng xã hội, tăng tương tác trực tiếp với khách hàng, rút ngắn hành trình mua hàng, quảng bá sản phẩm... Với phương thức bán hàng thương mại điện tử nói chung và livestream nói riêng, các doanh nghiệp phát triển các loại hình phân phối hiện đại, mở rộng đối tượng khách hàng.

Khẳng định “sức nóng” của ngành công nghiệp livestream bán hàng tại Việt Nam đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử, theo ông Nguyễn Thế Hiệp, ngoài livestream bán hàng thuần túy, hiện đã xuất hiện cả những cuộc livestream bán hàng kéo dài 2 - 3 tiếng với các hoạt động âm nhạc, game và các chương trình khuyến mãi độc quyền.

Không dừng lại ở một buổi phát trực tiếp đơn thuần, các thương hiệu còn đang kết hợp với những người có ảnh hưởng (KOLs) để đạt được hiệu quả kinh doanh. Ngoài các kênh mạng xã hội phổ biến (như Facebook, YouTube, TikTok …), hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử (như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…) cũng được nhiều thương hiệu áp dụng.

Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm giá rẻ và độc lạ hơn để thử nghiệm. Điều này mở ra cơ hội cho doanh nghiệp thích ứng và đổi mới, đồng thời thách thức họ phải tạo ra những chiến lược tiếp thị sáng tạo để thu hút sự chú ý của khách hàng.

Thương mại điện tử cùng với livestream bán hàng được dự báo sẽ là những giải pháp quan trọng cho tăng trưởng doanh thu, tạo ra môi trường mua sắm thuận tiện và gần gũi hơn với khách hàng.

Về phía Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HANOISME), ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HANOISME, cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua sụt giảm mạnh, việc bán hàng qua livestream đã thổi làn gió mới, giúp doanh nghiệp trụ vững qua khó khăn và trở thành xu hướng tất yếu.

Doanh nghiệp Thủ đô thích ứng với phương thức bán hàng livestream

Không thể phủ nhận những lợi ích mang lại từ phương thức bán hàng livestream qua các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số; tuy nhiên, để khai thác triệt để và thành công qua phương thức bán hàng này cũng là bài toán không dễ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt khi tâm lý “sính ngoại” vẫn còn tồn trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng, hay đối với các mặt hàng đặc trưng.

Doanh nghiệp Thủ đô thích ứng nhanh với các nền tảng bán hàng số, đặc biệt qua hình thức bán hàng livetream.

Doanh nghiệp Thủ đô thích ứng nhanh với các nền tảng bán hàng số, đặc biệt qua hình thức bán hàng livetream.

Đề cập nội dung này, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Khóa Việt Tiệp, cho biết, về bán hàng online, từ những năm 2020, Công ty đã đầu tư bán hàng trên nền tảng Shopee và Lazada. Tuy nhiên, mặt hàng kim khí có đặc thù riêng, sau khâu bán hàng còn lắp đặt, bảo hành, bảo trì nên hiệu quả chưa đạt cao.

Hiện nay, doanh nghiệp vẫn thuần túy sử dụng kênh bán hàng truyền thống. Trước xu thế livestream mạnh mẽ như hiện nay, Công ty kiến nghị các sở, ban, ngành, cơ quan thành phố, các cơ quan truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đơn vị bán hàng livestream chuyên nghiệp kết hợp với dịch vụ vận tải logistics nhằm đạt hiệu quả cao.

Không “gặp khó” khi áp dụng phương thức bán hàng livestream và online như với Công ty CP Khóa Việt Tiệp, với cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo truyền thống Phương Soát (Hàng ngang, Hoàn Kiếm) lại áp dụng rất tốt hình phức bán hàng mới này. Là cơ sở sản xuất bánh mứt, kẹo truyền thống, Phương Soát vốn chỉ quen với bán hàng tại chỗ, nhưng khi thời công nghệ 4.0 xuất hiện, bán hàng tại chỗ doanh thu giảm cơ sở này đã bố trí thêm nhân lực để bán hàng trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Bà Đinh Tú Anh - Chủ cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo truyền thống Phương Soát, cho biết, phải nói rằng đây là thời điểm này rất là thích hợp để chuyển đổi phương thức bán hàng từ truyền thống sang bán online để phục vụ tới người tiêu dùng tốt hơn. Và phương thức này cũng tạo điều kiện cho tất cả các cái doanh nghiệp, cũng như nhà sản xuất được thuận lợi hơn và tiếp cận được nhiều thị trường mới hơn, nhờ đó doanh số bán hàng tăng lên và sản phẩm đã được nhiều khách hàng biết đến.

Theo thông tin tại chương trình “Bán hàng trực tuyến (livestream) qua sàn thương mại điện tử - Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt vượt khó” cho thấy, năm 2023, tại Việt Nam có 2,2 tỷ sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu cả nước, gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop, tăng 52,3% so với 2022. Dự kiến trong năm 2024, doanh thu và sản lượng bán ra ở các nền tảng trực tuyến có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm ngoái.

Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 thị trường bán hàng trên nền tảng số lớn nhất khi chiếm trên 70% toàn thị trường cả nước. Trong đó, doanh thu thương mại điện tử của Hà Nội tại 5 sàn kể trên đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 77% so với cùng kỳ năm trước; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn Hà Nội đã có những bước tiến mạnh mẽ trong chuyển đổi từ phương thức bán hàng trực tiếp sang kết hợp với trực tuyến nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/doanh-nghiep-ho-kinh-doanh-thich-ung-nhanh-voi-cac-nen-tang-ban-hang-so-173442.html