Doanh nghiệp hỗ trợ lo gánh nặng chi phí tăng lương tối thiểu vùng
Đây là thông tin được đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) và nhiều doanh nghiệp đưa ra tại Hội nghị đánh giá tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 27/6.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cùng với những tác động của dịch COVID-19, các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề trên cả nước đang đối mặt với không ít khó khăn, ảnh hưởng đến phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo bà Hương, bên cạnh những khó khăn liên quan đến chi phí logistic liên tục gia tăng từ năm 2021 đến nay cũng như giá cả nguyên vật liệu, hàng tồn kho tăng và những khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng gây ra, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đang đối mặt với áp lực mới đến từ việc tăng lương tối thiểu vùng, áp dụng từ ngày 1/7/2022 tới.
Việc tăng lương tối thiểu vùng có lợi cho người lao động nên cũng vì vậy người lao động tại nhiều doanh nghiệp cũng gây sức ép đòi tăng lương, tạo thêm gánh nặng chi phí đóng các khoản bảo hiểm người lao động cho doanh nghiệp trong bối cảnh các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ dành cho doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 cho đến nay chưa có doanh nghiệp điện tử nào được hưởng.
“Các cơ quan chức năng cần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ do không ít doanh nghiệp đang không thể vay ngân hàng trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn”, bà Hương cho hay.
Theo đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, hiện phần lớn các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất điện tử đang trả lương dựa trên năng suất lao động của công nhân và có tới 99% doanh nghiệp trả cao hơn mức lương tối thiểu được quy định.