Doanh nghiệp kêu tiêu chuẩn hàng hóa khó hơn Mỹ

Sau hai làn sóng cải cách vào các năm 2016 và 2018, doanh nghiệp tiếp tục chờ đợi làn sóng cải cách thứ ba khi thực tế vẫn còn rất nhiều điều kiện kinh doanh gây khó cho doanh nghiệp.

Sáng 24-6, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm “Điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp (DN)”. Tọa đàm có sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành và cơ quan quản lý nhà nước, giới luật gia, các hiệp hội ngành nghề cùng cộng đồng DN.

Kỳ vọng làn sóng cải cách thứ ba

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, việc cải cách, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ DN gia nhập thị trường là yêu cầu quan trọng, xuyên suốt. Đây cũng là áp lực của cơ quan quản lý, nhất là vấn đề liên quan tới quy hoạch đất đai, xây dựng, môi trường...

Lãnh đạo VCCI dẫn báo cáo các bộ, ngành gửi Chính phủ khẳng định có bộ, ngành đã cắt giảm được tới 60% điều kiện kinh doanh nhưng đó là trên giấy tờ, còn thực tế chỉ cắt giảm được khoảng 30%-40% điều kiện kinh doanh. “Vì vậy, DN đang kỳ vọng vào làn sóng cải cách thứ ba của Chính phủ ngay trong nhiệm kỳ này với nhiệm vụ loại các quy định pháp luật chồng chéo, sau khi đã thực hiện làn sóng cải cách không đẻ thêm điều kiện kinh doanh và cắt giảm điều kiện kinh doanh vào các năm 2016 và 2018” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Nhìn thẳng vào những quy định pháp luật liên quan tới điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức và quản lý hoạt động doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng nhiều nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện đang chịu sự can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của DN từ khu vực Nhà nước. Điển hình như yêu cầu phải thiết lập hệ thống phân phối với mặt hàng rượu, xăng dầu; yêu cầu về phương án kinh doanh, xếp hạng tín nhiệm với ngành bưu chính, sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, thông tin tín dụng...

“Đặc biệt, nhiều thủ tục gia nhập thị trường với DN còn rắc rối, chồng chéo, trói chân DN” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, thành viên Ban Pháp chế (VCCI), qua rà soát cho thấy vẫn còn 243 ngành nghề trong danh mục kinh doanh có điều kiện, trong đó nhiều ý kiến cho rằng có thể bỏ thêm khoảng 20 ngành nghề nữa. “Căn cứ để bãi bỏ là nếu điều kiện kinh doanh đã ban hành không có tác động đáng kể nào tới lợi ích công cộng; là những ngành nghề có thể quản lý bằng hình thức khác thay vì điều kiện kinh doanh” - bà Hồng cho biết.

Ông Vũ Tiến Lộc (bên phải): “Nhiều điều kiện kinh doanh chỉ được cắt giảm trên giấy tờ”. Ông Nguyễn Hoài Nam: “Loại bỏ điều kiện kinh doanh cần cụ thể và có tính đột phá hơn thay vì dàn hàng ngang”. Ảnh: A.A

Ông Vũ Tiến Lộc (bên phải): “Nhiều điều kiện kinh doanh chỉ được cắt giảm trên giấy tờ”. Ông Nguyễn Hoài Nam: “Loại bỏ điều kiện kinh doanh cần cụ thể và có tính đột phá hơn thay vì dàn hàng ngang”. Ảnh: A.A

“Tôi thấy nhức đầu lắm

Từ góc độ DN, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhấn mạnh cộng đồng DN mong muốn việc rà soát, loại bỏ điều kiện kinh doanh được cải thiện theo hướng kịp thời, cụ thể và có tính đột phá hơn thay vì dàn hàng ngang như trước đây.

“Đọc báo cáo của VCCI về điều kiện kinh doanh và hoạt động của DN tôi thấy nhức đầu lắm. Tại sao chúng ta liên tiếp có Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh trong 4-5 năm nay mà tình hình vẫn nổi cộm vậy? Mục tiêu đặt ra rất bóng bẩy nhưng thực hiện lại không hiệu quả” - ông Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi.

Một cách thẳng thắn, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng việc không tập trung vào xử lý, giải quyết những điểm yếu kém, vướng mắc là nguyên nhân hàng đầu khiến làn sóng cải cách không được hiệu quả như mong muốn. Trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy hải sản có những quy chuẩn, tiêu chuẩn của nước ta còn khó hơn cả quy chuẩn Mỹ mà nguyên nhân là vì chúng ta đang làm khó chính DN của mình.

Đại diện VASEP dẫn chứng, cách đây khoảng ba tuần, VASEP đã có buổi làm việc với Bộ KH&CN về việc sửa các quy định liên quan tới cấp mã vạch cho các sản phẩm thủy, hải sản xuất khẩu. “Tuy nhiên, họ bảo chúng tôi chỉ là một trong hàng trăm hiệp hội đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hơn nữa, sửa nghị định khó khăn lắm, mất nhiều thời gian lắm. Trong khi nghị định chừng nào còn chưa sửa, hàng hóa chừng đó vẫn còn phải nằm chờ tại cảng vì hải quan vẫn phải làm theo nhiệm vụ. DN chịu chi phí rất lớn. Thực tế tôi thấy chỉ cần một vài tháng là có thể sửa xong nghị định rồi” - ông Nam nhấn mạnh.

Với cương vị là người quản lý Công ty Luật Bizlink nhưng luật sư Nguyễn Đức Mạnh nhiều lần phải xuất trận để làm việc với các cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy tiến trình xử lý, giải quyết vướng mắc liên quan tới điều kiện kinh doanh. Ông kể công ty từng cảnh báo cơ quan quản lý về việc sẽ phát đơn khiếu nại khi không xử lý hồ sơ của DN trong hơn một năm trời. Cảnh báo rồi nhưng tình hình vẫn dậm chân tại chỗ nên công ty buộc phải gửi văn bản khiếu nại lên cấp cao hơn.

“Sau khi phát văn bản khiếu nại, họ lại xin xỏ chúng tôi rút đơn với lý do sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều cán bộ và hứa sẽ xem xét sớm cho chúng tôi. Vậy nhưng khi chúng tôi rút, tình hình vẫn vậy. Bệnh thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm hay chỉ làm khi có lợi ích của cán bộ vẫn không thể giải quyết” - ông Mạnh nói thẳng.

Với những khó khăn và vướng mắc DN đang vướng phải gần đây, vị đại diện đến từ Bizlink nhận định không khí cải cách thời gian gần đây đang có dấu hiệu chùng xuống. Do vậy rất cần những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa, kiên quyết hơn nữa, triệt để hơn nữa để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang bị bủa vây bởi hàng loạt thách thức từ bên trong cũng như từ bên ngoài.

Đề nghị sửa 32 luật, 51 nghị định…

VCCI cho hay đã kiến nghị 25 điểm chồng chéo, bất cập trong các quy định hiện hành đến các cấp, ngành. Nhiều bộ, ngành đã vào cuộc, cùng tham gia rà soát. Quốc hội và Chính phủ cũng rất quan tâm và đã xây dựng tổ công tác chuyên biệt để xử lý vấn đề này.

Cụ thể, qua việc rà soát 411 văn bản quy phạm pháp luật về các điều kiện kinh doanh, VCCI đã đưa ra 106 kiến nghị. Trong đó, đề nghị sửa đổi 93 văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sửa 32 luật, 51 nghị định và 10 thông tư... Nội dung chính của hoạt động rà soát tập trung vào hai nhóm việc gồm quy định về gia nhập thị trường và tổ chức quản lý, hoạt động DN.

AN AN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/quan-ly/doanh-nghiep-keu-tieu-chuan-hang-hoa-kho-hon-my-920433.html