Doanh nghiệp 'khát' lao động có tay nghề

Trong khi nhiều lao động (LĐ) phổ thông thất nghiệp hoặc bị cắt giảm giờ làm thì LĐ có tay nghề được các doanh nghiệp (DN) 'trải thảm đỏ' đón về. Tuy nhiên, nguồn LĐ chất lượng cao của tỉnh Long An vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của các DN.

Doanh nghiệp trực tiếp đến Trường Cao đẳng Long An tuyển dụng lao động có tay nghề

Doanh nghiệp trực tiếp đến Trường Cao đẳng Long An tuyển dụng lao động có tay nghề

“Trải thảm đỏ” đón lao động có tay nghề

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh có trên 41.000 LĐ bị giảm giờ làm, trên 18.300 LĐ bị ngừng việc tạm thời. Nguyên nhân do tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số DN. LĐ bị cắt giảm giờ làm hoặc ngừng việc tạm thời chủ yếu là LĐ phổ thông, trong đó tập trung chủ yếu vào ngành may mặc, giày da.

Bên cạnh những DN thực hiện phương án cắt giảm giờ làm hoặc cho người LĐ ngừng việc tạm thời thì nhiều DN vẫn có nhu cầu tuyển dụng LĐ, trong đó, tập trung tuyển dụng LĐ có tay nghề.

Bà Nguyễn Quang Đông Nghi (Đại diện Công ty (Cty) TNHH Cơ điện lạnh, Kỹ thuật Bình Minh) chia sẻ: “Cty Bình Minh chuyên thi công lắp đặt hệ thống điều hòa không khí ở các nhà máy, nhà xưởng, nhà cao tầng. Hiện Cty có nhu cầu tuyển dụng 30 người LĐ tốt nghiệp các nghề như điện lạnh, điện công nghiệp, cơ khí,…

Đối với người LĐ qua đào tạo đã nắm được các lý thuyết, thực hành thì Cty không mất nhiều thời gian để đào tạo lại mà có thể bắt tay ngay vào công việc, nhất là có cơ hội thăng tiến trong công việc rất cao. Riêng Cty cũng có chế độ ưu đãi đối với người LĐ có tay nghề như thời gian thử việc và thời gian xét tăng lương ngắn, trung bình 2 - 3 tháng, còn LĐ phổ thông phải mất từ 3 - 6 tháng”.

Tương tự Cty TNHH Cơ điện lạnh, Kỹ thuật Bình Minh, Nhà máy sản xuất bao AD’ STAR Tú Phương (Cụm Công nghiệp Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) cũng có nhu cầu tuyển dụng LĐ có tay nghề. Theo đó, nhà máy phối hợp tốt Trường Cao đẳng Long An tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên của trường đi thực tập.

Khi thực tập, nhà máy sẽ hỗ trợ chi phí nhà trọ, đi lại cho học sinh, sinh viên, nhất là sẵn sàng tuyển dụng những học sinh, sinh viên làm việc tốt, có nhu cầu gắn bó lâu dài với DN. Đặc biệt, những học sinh, sinh viên này không cần phải qua thời gian thử việc mà được ký hợp đồng LĐ ngay sau khi tốt nghiệp.

Học nghề không lo thất nghiệp

Gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên anh Lê Thanh Ngọ (sinh viên Trường Cao đẳng Long An) quyết định học cao đẳng nghề Điện công nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp THPT. Chương trình học sát thực tế cùng với sự cần cù, siêng năng nên khi học hết năm nhất, anh Ngọ tìm được việc làm thêm phù hợp với chuyên ngành đào đạo, thu nhập trên 200.000 đồng/ngày.

Anh Ngọ bộc bạch: “Tôi vừa làm lễ tốt nghiệp. Thật vinh dự khi tôi tốt nghiệp loại giỏi và được rất nhiều DN mời về làm việc với nhiều chế độ, ưu đãi hấp dẫn. Tuy nhiên, tôi quyết định không làm việc trong nước mà chọn học tiếng Nhật để tham gia đi làm việc ở nước ngoài. Mục đích của tôi là tích lũy kinh nghiệm và tài chính để quay về phát triển sự nghiệp của bản thân ngay trên quê hương”.

Nhận thấy 2 người anh tốt nghiệp đại học mà không tìm được việc làm phải quay về gia đình làm nông, thế nên, anh Trương Tuấn Tài (xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) đăng ký học nghề Điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Long An.

Anh Tài chia sẻ: “Tôi chọn học nghề vì gần nhà, chi phí thấp, chương trình học sát với thực tiễn, được thực hành nhiều hơn lý thuyết,… Còn trong quá trình đi thực tập, tôi học được tác phong công nghiệp, tiếp cận các trang thiết bị, máy móc hiện đại, nhất là còn được hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền xăng trong suốt quá trình thực tập. Với những kinh nghiệm, kiến thức đã học, tôi tự tin sẽ tìm được công việc ổn định ngay sau khi tốt nghiệp”.

Những nguyên nhân gây ra sự “khát” LĐ có tay nghề ở tỉnh là một số phụ huynh, học sinh còn nặng quan điểm “trọng thầy hơn thợ” hay chưa hiểu được nhu cầu tuyển dụng của thị trường LĐ và ý nghĩa của việc học nghề. Mặt khác, các DN trong tỉnh còn đối mặt với sự cạnh tranh từ các khu vực lân cận như Tiền Giang, TP.HCM,…

Nhằm giải quyết vấn đề này, tỉnh cũng đưa ra nhiều giải pháp, trong đó chủ yếu tập trung vào việc phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT sang học nghề. Tuy nhiên để giải quyết dứt điểm “bài toán” thiếu LĐ có tay nghề cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, nhất là nhận thức của các bậc phụ huynh và học sinh./.

Lê Ngọc - Lê Ngân

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/doanh-nghiep-khat-lao-dong-co-tay-nghe-a159865.html