Doanh nghiệp khó tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Ngày 12-3, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, những năm gần đây, nhất là khi đại dịch Covid-19 xảy ra và hậu đại dịch cùng những diễn biến trong, ngoài nước đều là những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các chương trình phát triển kinh tế của Quốc hội… luôn xác định và nhận thấy cần tiếp tục tháo gỡ những khó khăn thị trường bất động sản để thị trường bất động sản thoát khỏi những khó khăn, trầm lắng hiện nay.
Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội (NoXH) Phó Thống đốc cho biết, nguồn vốn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước (không phải vốn ngân sách nhà nước) cam kết giảm lãi suất 1,5-2% so với lãi suất trung, dài hạn bình quân của bốn ngân hàng thương mại. Trong đó, giảm 1,5% áp dụng cho những nhà đầu tư kinh doanh. Còn 2% áp dụng cho người mua nhà. Như vậy tính tổng thể là được giảm 3,5%.
“Một số tập đoàn lớn phản hồi không tiếp cận được gói 120.000 tỷ bởi lẽ họ không chọn đúng ngân hàng, gói tín dụng này là chỉ có ở 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Gần đây có thêm TienphongBank với gói 5.000 tỷ đồng”, Phó Thống đốc cho hay.
Thông tin thêm về kết quả triển khai gói 120.000 tỷ đồng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) Nguyễn Xuân Bắc cho biết, qua tổng hợp, đến nay mới có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia với 68 dự án. Trong đó, một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TPHCM (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án). Trong 68 dự án thuộc 28 tỉnh, thành phố thì có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.
Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó có 10 dự án đã có nhu cầu giải ngân bao gồm: 7 dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư, 2 dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và 1 dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Số tiền cam kết cấp tín dụng cho 8 dự án trên là 1.965 tỷ đồng, đã được giải ngân 640 tỷ đồng và cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại 3 dự án với số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng.
Cụ thể, BIDV đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương với số tiền là 95,7 tỷ đồng; Vietinbank đã giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang với số tiền là 128,6 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 1 dự án với số tiền là 0,4 tỷ đồng; Agribank đã giải ngân cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang với số tiền là 415,7 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 2 dự án với số tiền là 5,7 tỷ đồng.
Lưu Thủy