Doanh nghiệp khó tìm nhân sự khi đầu tư công nghệ mới
Khi đầu tư dây chuyền công nghệ mới, Nhà máy TOMECO An Khang không thể tìm được lao động đứng máy nên phải tuyển các kỹ sư dù không có chuyên môn sâu.
Ông Lê Quý Thành, Giám đốc Nhà máy TOMECO An Khang đã chia sẻ câu chuyện của doanh nghiệp mình tại tọa đàm có chủ đề “Nâng cao chất lượng nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ”, do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 12-10.
Theo ông Thành, khi đầu tư dây chuyền sản xuất mới, gồm các máy miết tạo hình kim loại tấm sử dụng công nghệ CNC, cùng một số máy gia công chính xác CNC và công nghệ hàn robot…, TOMECO An Khang không tìm đâu ra lao động đứng máy, nên phải tuyển các kỹ sư có chuyên môn phù hợp, dù việc đào tạo kỹ sư không nhằm trực tiếp vận hành những máy móc như vậy.
Cũng theo ông Lê Quý Thành, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có tính chuỗi, tính hệ thống và chuyên nghiệp cao, do đó, nhân lực của ngành phải có nhiều kiến thức, am hiểu để đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu của chuỗi. Ngoài ra, nhân sự phải bảo đảm đủ năng lực vận hành hệ thống số để đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp.
Theo Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Cao Văn Bình, số lượng lao động có tay nghề cao trong các ngành công nghiệp, CNHT hiện nay rất hạn chế so với nhu cầu.
Nguyên nhân là bởi sự gia tăng từ nhu cầu trong ngành, đồng thời, do sự phát triển ngày càng cao về khoa học, công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và tự động hóa.
Mặt khác, việc đào tạo kỹ sư chế tạo ở các trường đại học thường ít hơn các ngành khác; nhiều doanh nghiệp trong nước chưa gắn kế hoạch phát triển nguồn nhân lực với các trường đại học, cao đẳng...
“Việc thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và tay nghề cao khiến nhiều doanh nghiệp tốn không ít nguồn lực, chi phí đào tạo lại sau khi tuyển dụng nhằm phù hợp với mục tiêu sản xuất, kinh doanh của mình”, ông Cao Văn Bình nhấn mạnh.
Nguồn nhân lực còn thiếu, chất lượng chưa đồng đều đang là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp ngành CNHT.
Các diễn giả tham gia tọa đàm có chung nhận định, để giải quyết bài toán chất lượng nhân lực cần kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và xã hội, đồng thời, quy hoạch lại về tổng thể để phân bố và xác định quy mô không gian phát triển công nghiệp theo địa phương, vùng miền, qua đó tái cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Mặt khác, cần có thêm các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng. Từ đó, lực lượng lao động cũng được đào tạo chuyên sâu và có kỹ năng tốt hơn.
Theo ông Cao Văn Bình, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ sở giáo dục, tập đoàn đa quốc gia, tổ chức quốc tế triển khai các chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu cho các ngành công nghệ lõi, trong đó có ngành CNHT.