Đổi mới chương trình giáo dục nghề nghiệp sát với thực tiễn
Đổi mới chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) sẽ tạo đột phá về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong tình hình mới.
Đến ngày 30/5/2024, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 27 cơ sở GDNN, trong đó có 19 cơ sở công lập và 8 cơ sở tư thục. Với hệ thống cơ sở GDNN khá phong phú, tỉnh Ninh Bình là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, thu hút lượng lớn giáo viên, sinh viên, học sinh, người lao động từ ngoại tỉnh đến làm việc, nghiên cứu, học tập.
Anh Nguyễn Hữu Đường (tỉnh Thanh Hóa) là quân nhân xuất ngũ từ đầu năm 2024. Sau một thời gian đi làm để có thu nhập ngay, anh Đường quyết định đi học nghề tại Khoa Công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình.
Anh Đường cho biết: Qua tham gia các buổi tư vấn, hướng nghiệp, tôi được biết, công nghệ ô tô là nghề đang được các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn. Tôi chọn Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình để theo học bởi đây là địa chỉ đào tạo có uy tín đối với ngành học này.
Ông Trần Công Quyền, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, trong những năm qua, nhà trường đã tích cực đổi mới, sáng tạo trong thiết kế chương trình đào tạo; tạo ngành học mới. Các ngành nghề mới và nội dung đào tạo bám sát nhu cầu phát triển của thị trường lao động trong từng giai đoạn.
Nhà trường cũng chủ động xây dựng, phát triển chương trình đào tạo theo các trình độ; đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất đạo đức, tác phong làm việc chuyên nghiệp và năng lực của người học; tích hợp kiến thức, kỹ năng, nhất là kỹ năng thực hành và làm việc theo nhóm. Đồng thời, phát huy tính tích cực, chủ động, khả năng sáng tạo của người học vào thực hành nghề nghiệp tại nhà trường và các doanh nghiệp.
Việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo được các cơ sở GDNN thực hiện thường xuyên gắn với nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực của thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu của xã hội và sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay.
Các cơ sở GDNN đã tích cực vận dụng, sáng tạo, đa dạng phương pháp đào tạo như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, tăng cường đầu tư thiết kế, xây dựng và sản xuất thiết bị đào tạo tự làm để phục vụ công tác giảng dạy.
Đặc biệt, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tích cực liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đón học sinh, sinh viên đến trải nghiệm và thực tập tốt nghiệp. Học sinh, sinh viên được tiếp xúc và làm việc trong môi trường thực tế tại các doanh nghiệp, qua đó hoàn thiện kỹ năng nghề, ý thức, tác phong làm việc công nghiệp.
Ngoài các chương trình đào tạo được xây dựng theo quy định, các nhà trường đã chủ động tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó xây dựng các mô đun nâng cao để đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng nghề lại cho người lao động của các doanh nghiệp, như các nghề: Cắt gọt kim loại, Điện công nghiệp, Hàn, Công nghệ ô tô, Kỹ thuật chế biến món ăn, Dược, Điều dưỡng, Công nghệ kỹ thuật cơ khí…
Bên cạnh đó, các trường đã phối hợp với đội ngũ cán bộ, chuyên gia của doanh nghiệp tham gia vào các quá trình xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá, công nhận kỹ năng cho người lao động. Đồng thời, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp về đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất sản phẩm và khai thác đội ngũ chuyên gia, cơ sở vật chất thiết bị, công nghệ mới trong doanh nghiệp.
Một số cơ sở GDNN đã chủ động lựa chọn, áp dụng chương trình, tiêu chuẩn và công nghệ đào tạo tiên tiến, chất lượng cao của khu vực và quốc tế vào hoạt động giảng dạy nhằm đào tạo nhân lực có tay nghề cao phù hợp với điều kiện của đơn vị.
Nhiều loại chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo quốc tế được các cơ sở GDNN chuyển thể song ngữ Anh - Việt để tham khảo, có trường đã thực hiện hiệu quả giáo trình đào tạo trong khuôn khổ Dự án hợp tác về đào tạo nghề của Cộng hòa Liên bang Đức áp dụng phù hợp vào Việt Nam.
Trong giai đoạn 2014-2023, toàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo mới các trình độ GDNN cho 172.823 người, trong đó: Cao đẳng, trung cấp là 47.688 người; đào tạo sơ cấp và thường xuyên là 125.135 người. Dự kiến hết năm 2024, đào tạo nghề cho 17.500 người, trong đó: Cao đẳng, trung cấp 5.500 người, sơ cấp và thường xuyên là 12.000 người.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo hằng năm đều tăng, cụ thể: Năm 2015 đạt 54%, năm 2020 là 65%, năm 2022 đạt 68%, năm 2023 đạt 69,5%, dự kiến năm 2024 đạt 71%; trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ: Năm 2015 đạt 24,3%, năm 2020 đạt 30,2%, năm 2022 đạt 31,8%, năm 2023 đạt 33,6%, dự kiến năm 2024 đạt 35,3%.
Dự kiến đến hết năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 36%, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Việc đổi mới phương thức đánh giá, xây dựng và ban hành các tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực có tay nghề cao được các cơ sở GDNN thực hiện theo quy định. Để việc xác định chất lượng đào tạo của cơ sở GDNN khách quan hơn, các cơ sở GDNN đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động ở trong và ngoài tỉnh tham gia đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường.
Công tác đánh giá từ kiểm tra lý thuyết sang kiểm tra kỹ năng nghề nghiệp của người học dựa trên các tiêu chí đánh giá đã được các nhà trường xây dựng và ban hành nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra của các ngành, nghề đào tạo… Qua đó, đã đánh giá chính xác và toàn diện hơn về chất lượng đào tạo cũng như tay nghề của người học.
Từ đó, giúp người học thể hiện năng lực ngành, nghề và hệ thống hóa tổng thể kiến thức của người học trong suốt quá trình đào tạo. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm (tại doanh nghiệp) sau tốt nghiệp của các cơ sở GDNN hằng năm đều đạt trên 80%.