Doanh nghiệp không chịu nhả 'đất vàng', nhìn từ trường hợp của Xây lắp III Petrolimex (PEN)
Hết hạn hợp đồng thuê đất từ nhiều năm trước, nhưng khi UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi thì Công ty cổ phần Xây lắp III Petrolimex (PEN) vẫn lấy nhiều lý do để trì hoãn bàn giao.
Bám trụ “đất vàng”
Năm 2015, Ủy ban Nhân dân TP.HCM có quyết định thu hồi nhà đất tại số 232 đường Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4 để xây dựng Trường THCS Nguyễn Tất Thành.
Ðây là dự án công cộng, đòi hỏi cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh tại quận 4. Tuy nhiên, khi giải phóng mặt bằng thì gặp trở ngại từ doanh nghiệp đang thuê đất.
Khi đó, hiện trạng nhà đất trên có 3 doanh nghiệp đang sử dụng làm văn phòng và kinh doanh, trong đó có PEN. Công ty này đã sử dụng một phần diện tích trên từ năm 1986 làm trụ sở văn phòng.
Năm 1994, PEN ký hợp đồng thuê nhà với Công ty Quản lý kinh doanh nhà Thành phố. Năm 2003, Công ty chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp cổ phần.
Từ năm 2016 - 2019, UBND quận 4 nhiều lần có văn bản yêu cầu các công ty di dời. Hai doanh nghiệp khác đã đồng thuận phương án hỗ trợ và bàn giao mặt bằng, riêng PEN thì vẫn bám trụ lại.
Ngày 26/2/2017, PEN có công văn đề nghị UBND quận 4 bố trí cho Công ty một địa điểm khác hoặc có chính sách bồi thường hỗ trợ. PEN cho rằng đây là trụ sở chính và là tài sản Bộ Công thương quản lý nên phải chờ ý kiến của bộ này.
Ngày 24/5/2018, Bộ Công thương phản hồi cho biết, PEN là công ty liên kết chỉ có 30% vốn góp của Tổng công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex (mã PEQ).
PEQ là công ty liên kết của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Do đó, PEN không thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ Công thương.
Cơ quan nhà nước tiếp tục yêu cầu và ngày 19/3/2019, UBND quận 4 ban hành quyết định số 521 về việc cưỡng chế di dời toàn bộ trang thiết bị, phương tiện làm việc của Công ty để tháo dỡ công trình trên.
Sau nhiều công văn nhắc nhở thì đến ngày 27/5/2019, PEN mới hoàn tất việc bàn giao mặt bằng để UBND quận 4 thực hiện tháo dỡ.
Tưởng rằng đã hoàn tất các thủ tục thì PEN khởi kiện ra tòa án yêu cầu hủy quyết định số 521. PEN cho rằng, nếu thu hồi thì theo điểm c, khoản 1, Ðiều 76 Luật Ðất đai năm 2013, Công ty thuộc diện được tính toán chi phí đầu tư vào đất.
Quyết định số 521 không đề cập đến khoản bồi thường này. PEN đã đầu tư vào mặt bằng nhà đất trên số tiền lớn nên nếu thu hồi sẽ gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp.
Yêu cầu của PEN không được tòa sơ thẩm và mới đây (tháng 5/2020) là tòa phúc thẩm chấp nhận. Tòa án xác định nhà đất trên là dự án thuộc công trình công cộng nên thuộc trường hợp buộc phải thanh lý hợp đồng. Ðây là quyết định cưỡng chế buộc di dời, không phải là quyết định bồi thường, hỗ trợ.
Ðược biết, PEN có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, hiện Công ty đặt trụ sở tại số 2286 Huỳnh Tấn Phát, ấp 3, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Lợi thế lớn từ quyền được thuê
Trong quá trình hình thành và phát triển, nhiều doanh nghiệp được giao đất, hoặc cho thuê đất công để làm nhà xưởng, trụ sở, văn phòng. Khi cổ phần hóa, có doanh nghiệp vẫn được tiếp tục giao đất, cho thuê đất hoặc ưu tiên mua lại.
Mặc dù khi xác định giá trị doanh nghiệp, đất cho thuê không được tính giá trị quyền sử dụng đất, nhưng lợi thế của quyền được thuê, mua là rất lớn, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng được thuê đất của Nhà nước.
Ðây cũng là giá trị nhà đầu tư quan tâm khi tham gia vào các đợt đấu giá lần đầu khi doanh nghiệp IPO.
Thực tiễn cho thấy, rất nhiều khu đất vốn là trụ sở, văn phòng, xí nghiệp của các doanh nghiệp nhà nước, sau cổ phần hóa đã được đầu tư, liên doanh, hợp tác, chuyển đổi mục đích sử dụng để tạo nên các bất động sản có giá trị gấp nhiều lần ban đầu.
Trái lại, cũng có thực trạng là có doanh nghiệp chấp nhận từ bỏ quyền được mua “đất vàng” như một số trường hợp trong vụ án liên quan đến sai phạm của Phan Văn Anh Vũ và các cựu lãnh đạo Ðà Nẵng.
Một số doanh nghiệp như CTCP Xuất nhập khẩu Ðà Nẵng, CTCP Du lịch Ðà Nẵng, CTCP Cung ứng tàu biển Ðà Nẵng… viện lý do khó khăn tài chính để chấp nhận chuyển tên người nhận quyền sử dụng sang cá nhân Phan Văn Anh Vũ hoặc các công ty của Vũ. Ðây lại là lỗ hổng lớn khi lãnh đạo “nhắm mắt bắt tay” với doanh nghiệp làm trái quy định.