'Doanh nghiệp không còn đơn độc trong hành trình chuyển đổi xanh'
Từng loay hoay giữa những áp lực chi phí, thiếu hiểu biết và sự đơn độc trong quá trình 'làm xanh' hoạt động sản xuất – kinh doanh, nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tìm thấy điểm tựa từ chính sách, thị trường và sự đồng hành của các tổ chức hỗ trợ.
“Còn có khoảng cách giữa nhận thức và hành động”
Chia sẻ tại Diễn đàn “Khơi thông nguồn lực cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh” tổ chức sáng 22/4, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược cho biết, giai đoạn gần đây đánh dấu sự chuyển biến trong nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của chuyển đổi xanh.
Xu hướng chuyển đổi xanh kết hợp với tiến bộ trong công nghệ số tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi kép, đặc biệt tại các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc hoạt động trong các lĩnh vực chịu áp lực môi trường lớn như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm.
Một số kết quả tích cực trong chuyển đổi xanh tại doanh nghiệp Việt Nam đã được ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực thực hiện chuyển đổi xanh, trách nhiệm đối với môi trường, xã hội và quản trị (ESG) dần được quan tâm hơn. Một số tập đoàn lớn đã tiên phong trong chuyển đổi xanh như Vingroup trong phát triển hệ sinh thái xe điện, Vinamilk, TH True Milk, Masan trong công bố lộ trình giảm phát thải, đầu tư vào năng lượng tái tạo,...
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) cũng đã và đang triển khai thành công các sáng kiến chuyển đổi xanh. Đến năm 2022, 80% doanh nghiệp trong nước đã hoặc đang có kế hoạch thực hiện ESG.
Ngành dệt may dưới áp lực từ khách hàng quốc tế, vấn đề chuyển dịch xanh ngày càng được quan tâm hơn. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ xử lý nước thải tuần hoàn, sử dụng sợi tái chế, năng lượng mặt trời và blockchain để truy xuất nguồn gốc xanh.
Cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích thúc đẩy chuyển đổi xanh đã phổ biến hơn. Các dự án năng lượng tái tạo, giao thông xanh, kinh tế tuần hoàn tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... đã thu hút sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân và khối khởi nghiệp sáng tạo.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức độ triển khai chuyển đổi xanh tại doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, còn khoảng cách đáng kể giữa nhận thức và hành động, mức độ sẵn sàng tham gia còn thấp chưa thể hiện rõ xu hướng tái cấu trúc mô hình kinh doanh theo hướng bền vững. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNVVN, chưa chủ động xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn phục vụ cho các mục tiêu phát triển xanh.
Đặc biệt, đầu tư vào hạ tầng, công nghệ hoặc quy trình thân thiện môi trường thường đòi hỏi chi phí cao, thời gian thu hồi vốn dài và hiệu quả chưa thể hiện rõ trong ngắn hạn. Theo đó, phí đầu tư ban đầu cho các công nghệ sạch, hệ thống năng lượng tái tạo hay quy trình sản xuất thân thiện với môi trường là rất lớn, trong khi hơn 90% doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn đã hạn chế về năng lực tài chính. Thêm vào đó, các gói hỗ trợ tài chính xanh hiện có vẫn rất khó tiếp cận, khiến doanh nghiệp càng thêm dè dặt.
Việc tham gia của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vào quá trình chuyển đổi xanh còn hạn chế ở trạng thái tuân thủ pháp luật môi trường hơn là chủ động xây dựng chiến lược tái cấu trúc quy trình hoặc áp mô hình kinh 3 doanh theo hướng bền vững hơn. Những hạn chế nêu trên bắt nguồn từ nhiều nút thắt của chuyển đổi xanh tại doanh nghiệp.
“Chuyển đổi xanh không thể là cuộc chơi đơn độc của doanh nghiệp. Nó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, khối tư nhân, tổ chức tài chính, viện nghiên cứu và cộng đồng xã hội”, TS Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính. Họ khó để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tính minh bạc và báo cáo tài chính khi xin vốn đầu tư. Các quy định và chính sách hỗ trợ lại chưa được đồng bộ hoặc thiếu sự linh hoạt trong việc áp dụng cho từng lĩnh vực, doanh nghiệp cụ thể.
Theo đó, phí đầu tư ban đầu cho các công nghệ sạch, hệ thống năng lượng tái tạo hay quy trình sản xuất thân thiện với môi trường là rất lớn, trong khi hơn 90% doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn đã hạn chế về năng lực tài chính. Thêm vào đó, các gói hỗ trợ tài chính xanh hiện có vẫn rất khó tiếp cận, khiến doanh nghiệp càng thêm dè dặt.
Ngaòi ra, khảo sát cho thấy, gần 47% doanh nghiệp thiếu nhân sự chuyên môn phục vụ chuyển đổi xanh. Nhiều đơn vị không biết bắt đầu từ đâu, thiếu thông tin về tiêu chuẩn quốc tế, không có đội ngũ tư vấn hoặc chỉ thực hiện “xanh hóa” khi bị yêu cầu từ đối tác.
Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là “bộ đôi song hành”
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Chương trình Viện Tony Blair vì sự Thay đổi Toàn cầu, cho biết: “Chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp. Các thị trường hiện nay đặt ra những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về sản phẩm xanh và bền vững, buộc doanh nghiệp phải thích ứng nếu muốn tồn tại.

Ông Nguyễn Minh Khôi - Giám đốc Chương trình của Viện Tony Blair. Ảnh: Người Đưa tin.
Có 2 thông điệp chính tôi muốn truyền tải. Thứ nhất, chuyển đổi xanh không phải là điều xa vời mà là điều kiện tất yếu để doanh nghiệp phát triển bền vững. Thứ hai, các doanh nghiệp không đơn độc. Họ đang nhận được sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, các chính sách thể chế, cũng như từ cộng đồng tiêu dùng, những người không chỉ là khách hàng mà còn là lực lượng đồng hành thúc đẩy chuyển động xã hội”.
Theo ông Khôi, khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, một phần lớn các hoạt động này vẫn chưa được thống kê chính thức, nằm ngoài khu vực kinh tế chính thức.
“Điều này không chỉ khiến nền kinh tế không thể phản ánh đúng thực lực, mà còn khiến bản thân các doanh nghiệp tư nhân thiệt thòi khi không tiếp cận được hỗ trợ chính sách.
Do đó, tôi khuyến nghị các doanh nghiệp tư nhân cần chính thức hóa hoạt động kinh doanh để nhận được các hỗ trợ ngày càng rõ ràng, minh bạch và phù hợp từ phía Nhà nước”, ông Khôi nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm thực tiến và quốc tế, ông Khôi kiến nghị:
“Thứ nhất, hệ thống tiêu chuẩn xanh cần rõ ràng và minh bạch. Doanh nghiệp cần biết họ đã 'xanh' đến đâu, cần làm gì để đạt chuẩn. Tiêu chuẩn này không chỉ giúp doanh nghiệp mà còn giúp ngân hàng, nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ và người tiêu dùng đánh giá và đồng hành đúng hướng.
Thứ hai, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Doanh nghiệp lớn có nguồn lực và công nghệ, nhưng SMEs (chiếm phần lớn trong nền kinh tế) thì không. Họ rất cần các cơ chế tài chính phù hợp để chủ động chuyển đổi.
Thứ ba, nâng cao nhận thức người tiêu dùng. Người tiêu dùng là động lực lẫn sức ép đối với doanh nghiệp. Khi họ quan tâm hơn đến sản phẩm xanh, thị trường nội địa cũng sẽ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ hơn”.
Trong một góc nhìn khác, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số cũng nhấn mạnh chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là “bộ đôi song hành” tạo động lực kép cho phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Theo ông Giang, chuyển đổi xanh chính là giai đoạn phát triển tiếp theo của tiến trình chuyển đổi số. Sự kết nối giữa dữ liệu và chuyển đổi xanh được minh chứng bằng các mô hình kinh doanh mới: các hệ thống quản lý năng lượng số (EMS), truy xuất chuỗi cung ứng bằng blockchain, đo lường phát thải carbon theo thời gian thực… không thể tồn tại nếu không có nền tảng số hóa. “Không có dữ liệu thì không có kiểm soát. Không có kiểm soát thì không thể "xanh hóa" được bất kỳ quá trình nào”, ông Giang nói.
Ông Giang nhấn mạnh, để chuyển đổi xanh hiệu quả, doanh nghiệp không thể thiếu nền tảng dữ liệu. Dữ liệu phải trở thành “đầu vào” và là “năng lượng” mới cho toàn bộ tiến trình tạo ra giá trị.
Đây cũng là cơ sở để hình thành “cỗ máy vốn hóa dữ liệu” giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả vận hành, tối ưu sử dụng tài nguyên và giảm phát thải một cách chủ động. Từ góc nhìn thực tiễn, các doanh nghiệp cần đi theo một lộ trình rõ ràng trong chuyển đổi số để đạt mục tiêu xanh hóa.