Thị trường nội địa thành 'phao cứu sinh' cho doanh nghiệp
Đó là khẳng định của lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước tại hội nghị về các giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng ngày 22/4.

Thị trường bán lẻ Việt Nam có quy mô khoảng 190 tỷ USD năm 2024, với 8.274 chợ, 1.293 siêu thị, 276 trung tâm thương mại và gần 7.000 cửa hàng tiện lợi. Ảnh: Quỳnh Danh.
"Tổng Bí thư Tô Lâm đã định hướng phát triển thị trường nội địa, làm sao cho nội lực doanh nghiệp bền vững thì mới có thể tạo ra giá trị. Hiện nay, kinh tế nước ta có độ mở rất cao, chỉ cần biến cố hay tác động từ toàn cầu sẽ làm ảnh hưởng đến nội lực của đất nước. Vì thế, về mặt chiến lược dài hạn, việc phát triển thị trường nội địa sẽ mang ý nghĩa sống còn, rất quan trọng", ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.
Quay về nội địa không có nghĩa là bán hàng không xuất khẩu được
Theo ông, tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động, khó dự báo đang tác động đến chuỗi cung ứng cũng như giá cả hàng hóa, từ đó ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc Mỹ nhiều khả năng áp thuế hàng Việt Nam cũng sẽ tác động đến thị trường nội địa. Bởi khi doanh nghiệp gặp khó, thu nhập của người lao động sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo suy giảm sức mua của người tiêu dùng nói chung.
Trong khi đó, Chính phủ vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay, trên cơ sở đó giao tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 12%.
Cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định thị trường nội địa hiện là một "trụ cột" giúp ổn định tăng trưởng kinh tế và là "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp, đặc biệt khi xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức.
Hiện, Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương đang soạn thảo và lấy ý kiến các đơn vị, dự kiến trước khi nghỉ lễ 30/4 sẽ trình Thủ tướng đề án phát triển thị trường trong nước. Ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh ngoài vấn đề cơ chế chính sách, bối cảnh hiện nay đòi hỏi cần có các hoạt động cụ thể, đột phá hơn.

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước chủ trì hội nghị. Ảnh: Lan Anh.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Phan Văn Chinh, Phó cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước cho biết nhiều người nghĩ rằng khi hàng xuất khẩu của Việt Nam bị áp thuế, doanh nghiệp buộc phải quay về thị trường nội địa, nghĩa là bán những mặt hàng không xuất khẩu được cho người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, ông lưu ý đó không phải cách làm hiệu quả.
"Phải có sản phẩm mới phù hợp với thị trường trong nước, làm sao tận dụng dây chuyền sản xuất, kiến thức, chuyên môn, nhân lực đã có sẵn để chuyển đổi sản xuất", Phó cục trưởng Phan Văn Chinh nói.
Mặt khác, ông đề cập đến việc hàng hóa các nước khác cũng đang tìm cách đa dạng hóa thị trường, trong đó Việt Nam với dân số 100 triệu người là một "miếng bánh béo bở". Vì vậy, chính các doanh nghiệp Việt Nam phải gia tăng khả năng cạnh tranh, giữ vững lợi thế trên "sân nhà".
Cần các giải pháp quyết liệt hơn nữa
Thời gian qua, các chương trình hỗ trợ như giảm thuế VAT, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công giúp tăng thu nhập cho người lao động trong các ngành xây dựng, hạ tầng có thể thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, Cục trưởng Trần Hữu Linh kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp, ngành, doanh nghiệp và toàn xã hội để phát huy chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tài chính tín dụng - quản lý Nhà nước, từ đó xây dựng thị trường nội địa năng động, hiện đại và bền vững.
Riêng với Sở Công Thương các tỉnh thành, ông đề nghị có những giải pháp, chương trình quyết liệt hơn nữa.
Mặt khác, các lãnh đạo Cục và đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành đều nhận thấy thời gian qua, hoạt động xúc tiến xuất khẩu được đầu tư mạnh mẽ, tuy nhiên xúc tiến tiêu dùng nội địa chưa được chú trọng.
Do đó, các cơ quan đề xuất Bộ Tài chính quan tâm, cân nhắc và ưu tiên ngân sách để hỗ trợ người tiêu dùng, kích cầu mua sắm, cũng như hỗ trợ các chương trình xúc tiến cụ thể của Bộ Công Thương và Sở Công Thương các địa phương.
Từ phía doanh nghiệp bán lẻ, bà Đoàn Thị Hương Thanh, Giám đốc Pháp chế WinCommerce đề xuất xây dựng và liên kết hệ thống hạ tầng bán lẻ hiện đại, song song với phát triển hệ thống logistics nội địa.
Trong đó, bà đề nghị UBND các tỉnh, TP hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ tiếp cận các quy hoạch thương mại, đồng thời có chính sách thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ, phát triển logistics tại vùng, địa phương.
Đồng thời, để phát triển thị trường trong nước đồng bộ, bán lẻ hiện đại từ đô thị đến nông thôn, bà Hương Thanh kỳ vọng có các điều kiện ưu đãi đặc biệt về thuế và vốn vay, miễn giảm phí, ưu tiên các doanh nghiệp trong nước phát triển mô hình bán lẻ hiện đại ở các khu vực khó khăn ven đô thị, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Đại diện hệ thống bán lẻ này khẳng định sẵn sàng nghiên cứu và trình đề án cụ thể về phát triển bán lẻ hiện đại ở các vùng nông thôn. Hiện, doanh nghiệp đặt mục tiêu có 8.000 điểm bán vào năm 2029, trong đó duy trì tăng trưởng tại các khu vực nông thôn, vùng ven tỉnh thành. Tuy nhiên, bà Hương Thanh khẳng định nếu được hỗ trợ, WinCommerce có thể mở rộng độ phủ nhiều hơn và nhanh hơn nữa.
Kết luận hội nghị, ông Trần Hữu Linh cho biết sẽ tiếp thu và tổng hợp các ý kiến đóng góp để đưa vào Đề án báo cáo trình Thủ tướng.
Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2024 đạt hơn 4,9 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 190 tỷ USD.
Ngày 4/4, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 08 về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025, trong đó đã giao các nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng; đồng thời giao nhiệm vụ và chỉ tiêu tăng trưởng thị trường bán lẻ cụ thể cho từng địa phương.