Doanh nghiệp kiến nghị về điều chỉnh căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được cơ quan soạn thảo lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Khách hàng giao dịch tại phòng Một cửa BHXH huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Khách hàng giao dịch tại phòng Một cửa BHXH huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đánh giá cao ý nghĩa, tính ưu việt và nhân văn trong nhiều quy định cụ thể của dự thảo luật, cho rằng, những thay đổi về mở rộng đối tượng tham gia, bổ sung chế độ thai sản vào bảo hiểm xã hội tự nguyện, giảm điều kiện số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm… là phù hợp với chủ trương chung về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội gắn với Nghị quyết số 28-NQ/TW, tạo động lực cho doanh nghiệp và người lao động, từ đó góp phần nâng cao độ bao phủ của bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, toàn diện.

Tuy nhiên, liên quan tới căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (được quy định tại khoản 1 Điều 37 dự thảo luật), theo các doanh nghiệp, hiệp hội, đây là nội dung có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở bài toán an sinh cho xã hội, người lao động, mà còn là bài toán năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước).

Do đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá điều kiện thực tiễn, có cân nhắc kinh nghiệm quốc tế, khu vực một cách toàn diện, đặc biệt trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay, để lựa chọn phương án khả thi, hợp lý.

Dự thảo luật đang đưa ra hai phương án quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

Phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Phương án 2, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

So với phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tại phương án 2 sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Delta, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội cho hay, tỷ lệ nộp bảo hiểm hiện đang ở mức cao. Nếu giữ nguyên tỷ lệ đó (32%) rồi nhân với tổng mức thu nhập sẽ tạo ra một gánh nặng mà cả người dân và doanh nghiệp không chịu nổi.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam - JCCI, nếu phương án 2 được thông qua, các khoản phụ cấp như “phụ cấp làm ngoài giờ” hoặc “phụ cấp chuyên cần” vốn không được làm căn cứ tính bảo hiểm sẽ có khả năng trở thành đối tượng tính đóng bảo hiểm.

“Điều này sẽ làm giảm thu nhập thực nhận của người lao động. Nguy cơ xảy ra các vấn đề lao động như ngừng việc tập thể. Về phía doanh nghiệp, gánh nặng đóng bảo hiểm xã hội sẽ gia tăng, đây sẽ là yếu tố chính làm tăng chi phí quản lý doanh nghiệp”, Hiệp hội này nêu quan điểm.

Phân tích của các doanh nghiệp, hiệp hội cho thấy, trong trường hợp dự luật giữ nguyên quy định theo phương án 1, doanh nghiệp và người lao động sẽ không phải chịu áp lực về chi phí “gia tăng đột biến”. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước phải tìm được phương án, giải pháp nhằm giải quyết bài toán “chậm đóng, trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội...” của một số nhóm doanh nghiệp như thời gian qua.

Chuyên gia quốc tế về lao động cho rằng, trường hợp này, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc để đề xuất gia tăng các hình thức thanh, kiểm tra, quản trị dựa trên dữ liệu, liên kết dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu thuế, bảo hiểm xã hội; kết hợp chế tài nghiêm minh... Như vậy, hạn chế nêu trên sẽ dần được khắc phục mà vẫn tạo được thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động.

Nếu dự luật áp dụng theo phương án 2, căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội sẽ tăng lên, có hai vấn đề có thể xảy ra trong thực tế: Tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội trở nên trầm trọng hơn và gia tăng chi phí lao động của doanh nghiệp.

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 1 đến 3 tháng, 440.800 người bị nợ đóng từ 3 tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động. Số lao động đang bị nợ bảo hiểm xã hội chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do công tác thanh, kiểm tra bảo hiểm xã hội chưa được thường xuyên, các chế tài xử lý chưa nghiêm, việc thu bảo hiểm chưa kịp thời, hiệu quả, ý thức chấp hành của một số người sử dụng lao động còn hạn chế... Thêm vào đó là những khó khăn về dòng tiền cũng như việc thu hẹp sản xuất của nhiều doanh nghiệp do ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19 và những tác động khó lường của bối cảnh kinh tế thế giới gây ra.

Việc điều chỉnh căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội như phương án 2 sẽ làm gia tăng chi phí của cả người sử dụng lao động và người lao động mà chưa thực sự giải quyết triệt để các nguyên nhân trực diện của tình trạng “chậm đóng, trốn đóng...”.

Trong bối cảnh doanh nghiệp và người lao động đều đang hết sức khó khăn, quy định này có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp và người lao động càng tìm cách trốn đóng bảo hiểm xã hội, khiến chính sách khó đạt được mục tiêu kỳ vọng và ảnh hưởng tiêu cực đến độ bao phủ của bảo hiểm xã hội nói riêng, chính sách bảo hiểm xã hội nói chung.

Trong khi đó, chi phí lao động của doanh nghiệp ở Việt Nam đã được cho là “cao nhất khối ASEAN”, việc điều chỉnh tăng căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục làm tăng chi phí này, ảnh hưởng trực tiếp năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia, có thể gây “hiệu quả ngược” đối với các mục tiêu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư tư nhân đang được đẩy mạnh hiện nay.

Chuyên gia quốc tế và trong nước cho rằng, lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam đã giảm dần, thậm chí ở nhiều ngành không còn hiện hữu so với nhiều quốc gia trong khu vực, do tốc độ tăng chi phí lao động nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động.

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng năng suất lao động trung bình hàng năm chỉ đạt 5,29%, trong khi tốc độ tăng lương phân theo các khu vực hay ngành trong giai đoạn 2011 - 2020 đều trên 7%.

Giai đoạn 2011 - 2020, mức lương cơ sở tăng gấp 3 lần; mức lương tối thiểu theo vùng tăng từ 3,27 (vùng I, II, III) lần đến 3,7 lần (vùng IV), trong khi năng suất lao động chỉ tăng hơn 2 lần.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chịu chi phí đào tạo do trình độ lao động còn nhiều hạn chế. Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, đến hết quý II/2021, lực lượng lao động của Việt Nam là khoảng 51,1 triệu người, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 26,1%.

Việc tăng căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội do đó sẽ tiếp tục làm tăng chi phí lao động, dẫn đến khoảng cách giữa tốc độ tăng chi phí lao động và năng suất lao động ngày càng bất hợp lý, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thu hút đầu tư và năng lực cạnh tranh của quốc gia cũng như của doanh nghiệp.

Những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, điện tử… sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia...

Bên cạnh bài toán có tính chiến lược nêu trên, việc tăng căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội được thực hiện trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp bởi hầu hết doanh nghiệp đều đang rất chật vật để phục hồi hậu COVID-19 và đang phải đối mặt với những khó khăn quá lớn do suy thoái kinh tế cùng những biến động thị trường khác…

Các doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất cơ quan soạn thảo làm việc kỹ với các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia để đánh giá tính hợp lý, khả thi của các phương án đưa ra và tập trung nhiều vào phân tích phương án đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành về căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội (phương án 1 của dự thảo luật), kết hợp với xác lập các biện pháp quản lý hiệu quả khác nhằm đảm bảo các mục tiêu toàn diện của chính sách bảo hiểm xã hội, cũng như chính sách phát triển kinh tế và doanh nghiệp.

Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thể hiện rõ ràng (một cách tối đa) các quy định liên quan tới các khoản phụ cấp, khoản bổ sung phải tính đóng bảo hiểm xã hội để tránh tình trạng sau này dự luật đi vào đời sống, cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động có những cách hiểu khác nhau, khiến việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội bị ảnh hưởng tiêu cực./.

Chu Thanh Vân/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-kien-nghi-ve-dieu-chinh-can-cu-tinh-dong-bao-hiem-xa-hoi/290659.html