Doanh nghiệp kỳ vọng xu hướng kinh doanh tốt lên
Trả lời báo chí ngày 29/9, bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê - TCTK) cho biết: Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2023 cho thấy, có 30,1% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2023; 37,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 32,4% số doanh nghiệp nhìn nhận còn khó khăn.
Dự kiến quý IV/2023, có 39,1% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2023; 37,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 23,7% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Qua khảo sát của TCTK, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 77,3% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm tốt hơn và giữ ổn định so với hiện nay. Dự báo quý IV/2023, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng khối lượng sản xuất tăng và ổn định, chỉ có 22,9% số doanh nghiệp dự báo giảm.
Về đơn đặt hàng, có 27,6% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý III/2023 cao hơn quý II/2023; 39% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 33,4% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm. Xu hướng quý IV/2023 so với quý III/2023, có 37,3% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 39,4% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 23,3% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.
Số liệu mới nhất của TCTK cho hay: Trong tháng 9/2023, Việt Nam có gần 12,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 117,2 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 80 nghìn lao động, tương ứng giảm 9,7% về số doanh nghiệp, giảm 13,4% về vốn đăng ký và tăng 0,1% về số lao động so với tháng 8.
Tính chung 9 tháng năm nay, Việt Nam có 116,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1,09 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 748,9 nghìn lao động, tương ứng tăng 3,1%, giảm 14,6% và giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân một tháng có 18,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong 9 tháng qua, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 75,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, 46 nghìn doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9% và 13,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3%. Theo đó, bình quân một tháng có 15 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo bà Phí Thị Hương Nga, từ tháng 5/2023 đến nay, sản xuất công nghiệp hàng tháng liên tục tăng so với cùng kỳ với mức tăng tháng sau tăng cao hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo có sự cải thiện rõ rệt với mức tăng khá so với cùng kỳ.
"Hoạt động sản xuất công nghiệp các tháng còn lại của năm 2023 chưa thể trở lại đà tăng trưởng cao nhưng vẫn tiếp tục khởi sắc hơn so với 9 tháng đầu năm", bà Phí Thị Hương Nga dự báo.
Mặc dù kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2023 sẽ hơn quý III/2023 hoặc ổn định nhưng theo bà Phí Thị Hương Nga, để gỡ khó khăn, các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều kiến nghị liên quan đến bình ổn giá điện, nước, nhiên liệu để hạn chế gia tăng chi phí sản xuất sản phẩm; có nhiều chương trình kích cầu thị trường trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Những doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đều mong muốn được giảm lãi suất vay vốn; được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh để có nguồn vốn sản xuất kinh doanh kịp thời.