Doanh nghiệp lơ mơ về các cam kết của Hiệp định CPTPP
69% DN nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định CPTPP, 25% DN có hiểu biết nhất định, tỷ lệ các DN biết rõ về các cam kết CPTPP còn rất ít.
Tại Hội thảo “Hai năm thực thi Hiệp định CPTPP tại Việt Nam - đánh giá góc nhìn từ doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 7/4 tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chỉ rõ: Thông qua khảo sát, 51% DN đánh giá, sự thua kém về năng lực cạnh tranh của chính DN so với các đối thủ sẽ cản trở việc hiện thực hóa các cơ hội kỳ vọng từ CPTPP và các FTA trong tương lai, cùng với đó là các biến động và bất định của thị trường.
“Các yếu tố đến từ phía các cơ quan nhà nước như thiếu thông tin về các cam kết, chậm chạp, vướng mắc và thiếu linh hoạt và hạn chế trong tổ chức thực thi CPTPP và các FTA. Một số nguyên nhân kỹ thuật như quy tắc xuất xứ, cam kết FTA bất lợi cho DN... cũng là nhóm các lực cản khiến cho DN khó hoặc chậm tiếp cận với các lợi thế từ Hiệp định CPTPP”, ông Lộc phân tích.
Theo kết quả khảo sát của VCCI, nếu như 5 năm trước, bất cập trong thực thi của cơ quan nhà nước là những lý do chủ yếu cản trở DN (81-84%) thì nay, đây chỉ là vấn đề với chưa đến 1/2 DN, đứng sau nguyên nhân chủ quan từ năng lực cạnh tranh của bản thân DN. So với trước đây, DN đã bớt lo lắng hơn về thể chế.
Khảo sát cho thấy, để chuẩn bị cho tương lai xa mà ở đó CPTPP và các FTA có thể là một trợ lực hiệu quả, có tới 3/4 DN cho biết họ đã/đang có kế hoạch điều chỉnh kinh doanh để tận dụng các hiệp định này. Đầu tiên là điều chỉnh để củng cố bản thân – cải thiện năng lực cạnh tranh nền tảng của DN, sau đó mới tới các tính toán để tận dụng các cơ hội thị trường trực diện từ CPTPP và các FTA, và cuối cùng là các kế hoạch để sẵn sàng cho những cơ hội tầm xa.
Về mức độ hiểu biết của DN về CPTPP, khảo sát chỉ ra có 69% DN nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định này, cao hơn tất cả các FTA khác, 25% DN có hiểu biết nhất định. Tuy nhiên, cứ 20 DN mới chỉ có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.
“Kết quả này cho thấy, với một FTA khó và phức tạp như CPTPP thì cần thiết phải có những biện pháp thông tin chuyên sâu, chi tiết và hữu ích hơn cho DN trong thời gian tới”, khảo sát chỉ rõ.
Ông Phan Hữu Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết, 2 năm thực thi Hiệp định CPTPP trong bối cảnh Việt Nam và thế giới gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19. Trong khi đó, Hiệp định CPTPP mang tính chất hội nhập nên đã chịu ảnh hưởng cũng như nhiều tác động khác nhau.
“Với các DN có nền móng vững chắc như Samsung Thái Nguyên, sắt thép, xi măng có khâu tổ chức tốt trong khuôn viên riêng biệt nên hoạt động sản xuất kinh doanh không chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, các DN khi tham gia CPTPP cần hết sức tuân thủ theo các quy định chung như quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, từ đó có sự chuẩn bị về tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực để không bị sụt giảm về sản lượng và chất lượng”, ông Minh lưu ý.
Kết quả thực thi thấp hơn nhiều so với kỳ vọng
Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ 14/1/2019, tới nay đã hơn 2 năm. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác CPTPP năm 2019 đạt tăng trưởng trung bình 7,2% so với năm 2018, trong khi nhập khẩu chỉ tăng nhẹ ở mức 0,7%. Xuất khẩu sang các thị trường mới trong CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ 26-36%.
Trong bối cảnh hầu như tất cả các đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu năm 2019 thì việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng này cho thấy CPTPP đang ít nhiều tạo ra những tác động tích cực.
Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, các kết quả đạt được còn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Do vậy, các chương trình, hoạt động hỗ trợ DN cần tập trung vào các hoạt động thực chất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia một cách hệ thống đặc biệt là ở các thị trường mới, cập nhật thông tin thị trường và kết nối cung cầu. “Các hoạt động hỗ trợ DN này cũng cần được thiết kế theo nhóm đối tượng riêng, với ưu tiên đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ”, ông Lộc nói.
Ngoài ra khi tham gia CPTPP, các DN cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu cơ hội, cam kết CPTPP và hành động hiện thực hóa lợi ích từ Hiệp định là đòi hỏi quan trọng nhất. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN bắt đầu từ nâng cao chất lượng của sản phẩm không chỉ là công việc thường xuyên, mà còn là chìa khóa để DN chớp được các cơ hội từ quá trình hội nhập.
Trên thực tế, những điểm cần khắc phục để tận dụng CPTPP đã được nêu ra từ trước khi Hiệp định có hiệu lực, như sự chủ động và tăng sức cạnh tranh của DN. Vấn đề này các Bộ, ngành đã phổ biến nhiều nhưng rõ ràng, mức độ chủ động của DN đến nay vẫn còn chưa cao./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-lo-mo-ve-cac-cam-ket-cua-hiep-dinh-cptpp-848751.vov