Doanh nghiệp lo ngại về tương lai bất định từ Covid-19Doanh nghiệp lo ngại về tương lai bất định từ Covid-19
Giống như nhiều người Việt, ông Adam Sitkoff, theo dõi sát sao diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam. Dòng thông tin đúng có, sai có tràn ngập trên các trang mạng xã hội mà ông tham gia. 'Dòng tin tức tiêu cực về dịch bệnh, kinh doanh giảm sút và một tương lai bất định đang đè nặng tinh thần của doanh nghiệp', vị lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) nói.
Câu hỏi mà TBKTSG Online gửi tới lãnh đạo Amcham chủ yếu liên quan tới lĩnh vực kinh tế, những ảnh hưởng mà các thành viên Amcham đang phải gánh chịu từ dịch Covid-19, những hợp đồng dở dang, những vi phạm hợp đồng khi hàng hóa không thể vận chuyển trôi chảy. Song, câu trả lời của vị lãnh đạo Amcham chỉ gói gọn một số ý về tác động của dịch bệnh, còn lại là những cảm xúc, bế tắc của các doanh nghiệp mà ông là người đại diện.
Tại thời điểm này, doanh nghiệp trong hiệp hội vẫn chưa có giải pháp gì, mà theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Amcham nói: “Các doanh nghiệp nên thở thật sâu và bình tĩnh".
Thực tế, dịch Covid-19 đã gây tác động rất lớn tới kinh tế toàn cầu, hầu như mọi thành phần kinh tế đều phải chịu cú sốc rất lớn. Theo báo cáo mới đây của Liên hiệp quốc, nền kinh tế thế giới sẽ chịu tổn thất khoảng 2.000 tỉ đô la Mỹ vì dịch Covid 19. Nhu cầu tại các quốc gia là thị trường tiêu thụ lớn của thế giới như Mỹ, châu Âu lao dốc, kéo theo thương mại quốc tế giảm sút.
“Tác động của dịch Covid 19 tới các doanh nghiệp là rất nghiêm trọng và sẽ còn kéo dài. Dự kiến, các biện pháp hạn chế di chuyển sẽ ngày càng bị siết chặt, các văn phòng đóng cửa, hội nghị sự kiện bị hủy bỏ, tình trạng cách ly sẽ phổ biến...tất cả những biện pháp này đang gây đứt gãy quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong hiệp hội", ông Adam Sitkoff nói.
Hơn nữa, các biện pháp cách ly, giữ khoảng cách trong xã hội đang đẩy nền kinh tế lún sâu hơn vào chu kỳ suy thoái khi phải gồng mình chịu các chi phí về cách ly và phòng chống dịch.
“Hàng nghìn công việc đã biến mất, rất nhiều người bị cắt giảm lương, hoạt động của doanh nghiệp gần như chỉ cầm cự”, ông Adam Sitkoff nói.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của Amcham là hạn chế di chuyển, năng suất lao động giảm, chi phí tăng, giảm đáng kể về doanh thu và nhu cầu. “Còn quá sớm để đánh giá tác động của dịch bệnh, nhưng các doanh nghiệp trong hiệp hội đã cảm nhận được sức nặng khủng khiếp từ cơn lốc Covid-19 này", ông nói.
Ngoài vấn đề kinh tế, những hệ quả xã hội liên quan tới những biện pháp cách ly, giữ khoảng cách và tránh tụ tập cũng rất nặng nề. Ví dụ, trường học là một phần quan trọng trong cuộc sống và các hoạt động giao tiếp hàng ngày của trẻ nhỏ với giáo viên và bạn học. Thông qua đây, học sinh có thể phát triển kỹ năng giao tiếp, cảm xúc và trình độ nhận biết. Song, hơn 4 triệu học sinh tại Việt Nam đã ở nhà trong hơn 8 tuần qua. Các chuyên gia lo ngại việc đóng cửa trường học và cách ly trẻ nhỏ khỏi giáo viên và bạn bè có thể dẫn tới nguy cơ xuất hiện một số triệu chứng lo âu, trầm cảm ở trẻ, thậm chí còn nguy hại hơn dịch bệnh.
Chính phủ Việt Nam đã làm tốt hơn nhiều quốc gia khác trong việc phòng chống dịch bệnh bằng các biện pháp rất mạnh tay. Chúng tôi ủng hộ những biện pháp hiện nay của Chính phủ trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thậm chí việc này có thể gây phiền toái cho nhiều người. Khi mọi chuyện được kiểm soát, các tổ chức như Amcham và nhiều tổ chức khác sẽ hợp tác với Chính phủ để hỗ trợ và tìm giải pháp thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân đang phải chịu đựng sự lao dốc về nhu cầu và doanh thu.
Vũ Dung