Doanh nghiệp 'loay hoay' giải toán chuyển đổi xanh
Chuyển đổi xanh tại Việt Nam đang diễn ra tương đối chậm khi nhiều doanh nghiệp đang loay hoay với rào cản về nguồn vốn, công nghệ, nhân lực…
Hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết, chuyển đổi xanh là sự yêu cầu tất yếu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chuyển đổi xanh tại Việt Nam đang diễn ra tương đối chậm khi nhiều doanh nghiệp đang loay hoay với rào cản về nguồn vốn, công nghệ, nhân lực…

Các công nghệ hiện đại, giảm thải, góp phần quan trọng trong định hướng sản xuất xanh, hướng tới Net Zero 2050 của Vinamilk.
Theo khảo sát với các doanh nghiệp Việt Nam, quá trình chuyển đổi xanh diễn ra tích cực chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm doanh nghiệp chiếm gần 98% trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, lại đang loay hoay, "mơ hồ" về chuyển đổi xanh, mặc dù đây là một điều kiện bắt buộc để tồn tại trên thị trường.
Cụ thể, báo cáo về mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) ghi nhận, đến 64% doanh nghiệp thừa nhận chưa có sự chuẩn bị cho quá trình này. Các doanh nghiệp chỉ hoạt động trong nước có mức độ sẵn sàng chuyển đổi không cao như các doanh nghiệp hướng đến hoạt động xuất khẩu.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Trường Đại học Kinh Tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), về cơ bản, các doanh nghiệp đã bước đầu tham gia vào quá trình này. Nhưng từ nhận thức đến hành động và tạo ra chuyển biến thật sự là cả một quá trình. Năng lực chuyển đổi về tư duy, mô hình kinh doanh, nhân lực quản lý của từng doanh nghiệp là khác nhau. Điều này dẫn đến việc chuyển đổi xanh ở các doanh nghiệp chưa có sự đồng bộ.
Đối với vấn đề công nghệ, việc chuyển giao công nghệ không dễ dàng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt hiện nay. Hơn nữa, văn hóa kết nối giữa nhà trường, các viện nghiên cứu với doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi, chuyển giao hay học hỏi, cải biến công nghệ từ các nước lớn vào Việt Nam còn hạn chế. "Điểm mấu chốt hiện nay là thể chế chính sách chưa thực sự theo kịp được khả năng, nhu cầu chuyển đổi của cả nền kinh tế và của các doanh nghiệp", TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết, các đối tác quốc tế quan tâm tới chuyển đổi xanh có những cơ chế để kiểm soát chặt chẽ vấn đề này từ nguồn gốc nguyên liệu, quá trình sản xuất đến sản phẩm hoàn thiện cuối cùng, đặc biệt tại các thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á…
"Trước đây khi xuất khẩu gỗ, chúng tôi chỉ cần chứng minh là gỗ hợp pháp, Nhà nước Việt Nam cho phép khai thác. Nhưng hiện nay phải khai báo cụ thể khai thác từ cánh rừng nào, tọa độ bao nhiêu và phải cung cấp tọa độ đa điểm để kiểm soát", Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết.

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cần quan tâm tới các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN
Năm 2026, cơ chế kiểm soát sẽ nghiêm ngặt hơn khi Liên minh châu Âu (EU) áp dụng Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) cho các mặt hàng như sắt thép, nhôm, xi măng và điện. Để có thể xuất khẩu ra thị trường lớn như EU, các sản phẩm trên phải khai báo lượng khí thải phát sinh.
Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đẩy mạnh chuyển đổi xanh, đưa ra các yêu cầu ngày càng cao về quản lý và giám sát, các doanh nghiệp Việt Nam còn bị động và sản xuất chủ yếu để đáp ứng ngắn hạn yêu cầu của khách hàng.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết thêm: "Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp chỉ đang "rửa xanh" cho các hoạt động của mình, nghĩa là cố gắng làm cho mình "xanh" nhưng có phải là "xanh" tận gốc hay không thì cũng phải xem xét lại".
Hiện một vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp gặp phải là hạn chế về nguồn vốn vì rất ít doanh nghiệp có nguồn tích lũy đủ mạnh để đầu tư cho chuyển đổi. Cũng theo báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, trong số 2.734 doanh nghiệp tham gia khảo sát hơn 90% doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, trong số đó khoảng 50% doanh nghiệp đang phải loay hoay với bài toán huy động vốn để chuyển đổi xanh.
Bên cạnh đó, khó khăn của doanh nghiệp còn nằm ở việc thiếu nhân sự có chuyên môn, giải pháp cải tiến kỹ thuật và sự chủ động thích ứng với thay đổi từ thị trường, chính sách. Nếu không thể đáp ứng yêu cầu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ phải rút lui khỏi thị trường.
"Để vượt qua được những khó khăn trong chuyển đổi xanh, quy mô của thị trường với một sản phẩm mới phải đủ lớn, có thể kết nối giữa sản xuất xanh, kinh doanh xanh với tiêu dùng xanh", đại diện Trường Đại học Kinh Tế (UEB) cho biết.
Để tháo gỡ được những "nút thắt" trong tiến trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, trước mắt cần hoàn thiện các quy định, thể chế và các chính sách đồng bộ để tạo lập thông tin và sự tin cậy trong sự trao đổi giữa hai bên cung - cầu.
TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và Môi trường cho biết, các doanh nghiệp cần nhận thức được chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc và phải tuân thủ các tiêu chuẩn đó khi muốn xuất khẩu đến các thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp phải chủ động và chuẩn bị trước những sự thay đổi về chính sách, nếu không, khi có những thay đổi đột ngột hoặc chính sách mới được đề ra, doanh nghiệp sẽ bị rơi vào thế bị động và không kịp thích. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi tốt và đưa ra lộ trình phát triển, khuyến khích dành cho các doanh nghiệp thực hiện chưa tốt.
Ngoài ra, TS. Trần Công Thắng cũng nhấn mạnh trách nhiệm xã hội cần được quan tâm khi chuyển đổi xanh. "Nếu vẫn lạm dụng hóa chất và hoang phí tài nguyên thiên nhiên, doanh nghiệp sẽ "tự hủy hoại" chính mình", Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và Môi trường chia sẻ.
Để hiện thực hóa cam kết Net Zero, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 với nhiều nhiệm vụ, như: giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-loay-hoay-giai-toan-chuyen-doi-xanh/370790.html