'Doanh nghiệp lớn không có tiền, doanh nghiệp nhỏ không có việc'

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tình hình doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, đóng cửa, giải thể vẫn lớn.

 Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: BTC.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: BTC.

Chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá cao kết quả ngành tài chính đã đạt được trong nửa đầu năm nay.

Trong đó, Bộ trưởng cho biết tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm đã đạt trên 1,038 triệu tỷ đồng, bằng 61% dự toán và tăng gần 18% so cùng kỳ năm 2023.

Kết quả này có được là nhờ chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã đi vào cuộc sống. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm đã đạt kết quả khả quan với GDP tăng 6,42%, lạm phát duy trì ở mức 4,08%.

Tính bình quân 6 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản chỉ tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023.

“Trong điều kiện kinh tế và tài chính công còn khó khăn, các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất từ đầu năm đến nay đã lên đến 184.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phớc, việc duy trì chính sách tài khóa mở rộng, giãn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp nên thực hiện trong năm nay để kết thúc một chu kỳ hơn 4 năm qua thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp. Mỗi năm đã giãn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên tới gần 200.000 tỷ đồng/năm.

Để đảm bảo an toàn tài chính công, theo Bộ trưởng, thời gian tới nên bước vào chu kỳ chính sách tài khóa thắt chặt. Trong đó, cần tăng cường năng lực cho tài chính công, tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, các dự án lớn, có tác dụng lan tỏa, như đầu tư các bến cảng, sân bay.

Đánh giá về hoạt động doanh nghiệp hiện nay, Bộ trưởng Tài chính cho rằng tình hình chung các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. “Doanh nghiệp lớn không có tiền, doanh nghiệp nhỏ thì không có việc. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, đóng cửa, giải thể vẫn lớn”, ông Phớc nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân của thực tế này là do khó khăn, ách tắc chính sách.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng mới đạt gần 29%, thấp hơn cùng kỳ. Theo Bộ trưởng, cứ 1 đồng giải ngân vốn đầu tư công sẽ kéo theo được 2 đồng vốn đầu tư xã hội. Do đó, nếu vốn đầu tư công ách tắc sẽ tác động đến vốn đầu tư xã hội.

Cũng do chậm giải ngân, hiện có khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công vẫn nằm trong kho bạc, trong khi doanh nghiệp phải đi vay lãi suất cao.

“Thậm chí, nhiều địa phương không muốn thực hiện dự án vay vốn ODA do gặp nhiều vướng mắc. Vì vậy, tôi đề nghị các đơn vị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Khi gặp khó khăn, các đơn vị trình, báo cáo lãnh đạo Bộ, tôi sẽ ký và chịu trách nhiệm”, ông Phớc nhấn mạnh.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, gắn với việc quản lý nghĩa vụ thuế. Ước tính, số tiền sử dụng đất liên quan tới đất đai còn nợ hiện vào khoảng 89.000 tỷ đồng.

Về lâu dài, Bộ trưởng Phớc cho rằng cần các giải pháp căn cơ hơn hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, doanh nghiệp phát triển, từ đó có nguồn thu cho ngân sách.

Để đạt và vượt dự toán kết quả thu ngân sách năm nay, Bộ trưởng đề nghị toàn ngành quyết liệt thực hiện công tác thu, tăng cường quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế. Đồng thời, tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại, bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính được yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công (nhất là về đất đai, giải phóng mặt bằng, quy trình thủ tục các dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài...).

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://znews.vn/doanh-nghiep-lon-khong-co-tien-doanh-nghiep-nho-khong-co-viec-post1486475.html