Doanh nghiệp Malaysia khó có thể ngừng dùng đồng USD trong giao thương

Trang Straits Times dẫn lời một số nhà phân tích nhận định một đề xuất mà Thủ tướng Anwar Ibrahim nhắc lại gần đây nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD.

Thủ tướng Ibrahim tuần trước nhắc lại đề xuất thiết lập Quỹ Tiền tệ châu Á (AMF). Ông cho biết, nhân cuộc gặp cuối tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngỏ ý sẵn sàng thảo luận về vấn đề này.

Nhà lãnh đạo Malaysia từng đưa ra đề xuất trên lúc giữ chức Bộ trưởng Tài chính vào những năm 1990. Thời điểm đó đồng USD còn rất mạnh nên ông đành gác lại.

Khoảng 80% giao thương hàng năm của Malaysia - năm 2022 đạt tổng kim ngạch 630 tỉ USD - được thực hiện bằng USD. Nhưng Mỹ chỉ là đối tác thương mại lớn thứ ba, giao thương giữa hai nước chỉ mới đạt 60 tỉ USD – chiếm 9,4% tổng thương mại.

Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia vào năm 2022, chiếm 17,1% tổng kim ngạch thương mại của quốc gia này. Singapore đứng thứ hai, với kim ngạch thương mại lên tới 368,2 tỉ RM vào năm 2022, theo dữ liệu từ Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia.

Ấn Độ - nhà nhập khẩu dầu cọ lớn của Malaysia đã có giao thương trị giá 19,4 tỉ USD (25,9 tỉ đô la Singapore) với Malaysia vào năm 2022.

Kể từ tháng 4, Malaysia giao thương với Ấn Độ bằng đồng rupee. Ngân hàng trung ương Malaysia (Bank Negara) cũng đề xuất giao thương với Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ.

Trưởng bộ phận ngoại hối ngân hàng Maybank Saktiandi Supaat cho biết nếu doanh nghiệp sẵn sàng chuyển sang giao thương bằng Nhân dân tệ hoặc rupee, tỷ lệ thanh toán bằng đồng USD của Malaysia có thể giảm tới 1.5.

Nhưng doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chính như dầu cọ, xăng dầu, điện - điện tử (E&E) lại do dự trong nỗ lực phi USD hóa.

Đơn vị trồng cọ lớn nhất Malaysia Sime Darby Plantation cho biết, các khách hàng của họ vẫn thích mua sản phẩm dầu cọ bằng USD hơn, vì hàng hóa chủ yếu vẫn được giao dịch bằng đồng bạc xanh.

“Công ty không có bất cứ thỏa thuận song phương nào với quốc gia khác để thực hiện giao dịch dầu cọ bằng các loại tiền tệ khác nhau”, Sime Darby Plantation tuyên bố.

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Malaysia Wong Siew Hai cũng khẳng định USD sẽ tiếp tục thống trị ngành E&E.

“Câu nói “khi Mỹ hắt hơi thì toàn thế giới cảm lạnh” vẫn đúng. Cần có thời gian để các hệ thống tài chính không sử dụng USD bắt kịp và được sử dụng rộng rãi như USD”, theo ông Wong.

Nhà đầu tư ngành dầu khí Tahir Bukhary nhận định doanh nghiệp vẫn ưu tiên dùng đồng bạc xanh trong giao dịch dầu thô cho đến khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng đối tác (OPEC+) quyết định bán hàng bằng đồng tiền khác.

Một rào cản khác với nỗ lực phi USD hóa là tính thanh khoản và ổn định. Dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy trong năm 2022 các ngân hàng trung ương nắm giữ hơn 58% dự trữ ngoại hối của họ bằng USD, chưa tới 3% bằng Nhân dân tệ – loạt tiền tệ dự trữ chính không đem lại phương án thay thế đáng tin cậy nào.

Theo nhà phân tích Ivy Ng (nền tảng cung cấp thông tin thị trường CGS-CIMB Research), doanh nghiệp dầu cọ Malaysia phải đối mặt với tỷ giá hối đoái ringgit - rupee biến động hơn ringgit - USD, dẫn đến tổn thất ngoại hối ảnh hưởng doanh thu.

“Đồng bạc xanh được đánh giá ổn định hơn. Khó có khả năng doanh nghiệp Malaysia dùng đồng tiền khác trừ phi chính phủ khuyến khích”, nhà phân tích Ng nhận định. Tuy nhiên bà nói thêm rằng, về trung và dài hạn, rổ tiền tệ đa dạng hơn giúp giảm ảnh hưởng từ biến động của đồng USD.

Giáo sư Michael Plummer (Đại học Johns Hopkins) cho rằng, nỗ lực phi USD hóa rất khó được giới đầu tư trong lẫn ngoài Malaysia đón nhận. Nỗ lực này có thể gây nên tình trạng tháo vốn, tạo nên bất ổn.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/doanh-nghiep-malaysia-kho-co-the-ngung-dung-dong-usd-trong-giao-thuong-197373.html