Doanh nghiệp mong mỏi sớm áp thuế tự vệ chính thức với đường mía nhập từ Thái Lan
Ngành mía đường trong nước đang mong mỏi cơ quan chức năng sớm áp dụng biện pháp tự vệ chính thức với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan.
Ngành mía đường trong nước đã bị tê liệt sau một thời gian dài cạnh tranh không lành mạnh với hàng nhập khẩu.
Tại Tọa đàm trực tuyến: "Cơ hội và thách thức cho ngành mía đường" do Báo Nhân dân tổ chức chiều 23/3/2021, đại diện Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) khẩng định, thị trường mía đường trong nước đã có những tín hiệu tích cực chỉ sau một thời gian ngắn áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan.
Ngay sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu mặt hàng đường vào Việt Nam giảm bình quân từ 85% xuống 5%. Trong một thời gian khá dài, ngành mía đường Việt Nam đã xảy ra nghịch lý: sản lượng đường trong nước dư thừa, nhưng lại nhập siêu lên đến 884.285 tấn đường vì không còn rào cản thuế.
Niên vụ 2019-2020, diện tích trồng mía tiếp tục bị giảm 15-20%. Dự báo, niên vụ 2020-2021, tiếp tục sẽ thiếu hụt nguồn cung mía nguyên liệu cho các nhà máy. Chỉ còn 29/40 nhà máy đường còn hoạt động, tổng lượng mía Việt Nam chỉ đạt 5.290.000 tấn mía, tương đương 530.000 tấn đường. Hơn nữa, giá đường nội địa Việt Nam vẫn thấp nhất trong khu vực.
Đứng trước những khó khăn lao đao của ngành mía đường, ngày 9-2-2021, Bộ Công thương đã ký ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan với mức và 33,88%.
Được điều tra từ tháng 9/2020, Bộ Công thương cho biết đã xem xét và đánh giá kỹ lưỡng thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá và mức độ được trợ cấp của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm đường mía của Thái Lan, cũng như tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng.
Kết quả điều tra cho thấy ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua. Một loạt các nhà máy đường phải đóng cửa, gây tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động.
Theo tính toán, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.
Thông tin tại Tọa đàm, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tác động của thực thi Hiệp định ATIGA đã nhìn thấy rõ ở lượng đường nhập khẩu đã tăng đột biến, trên 1,5 triệu tấn trong cả năm 2020, gấp đôi lượng đường sản xuất trong nước, phần lớn đường nhập có xuất xứ từ Thái Lan.
Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời với đường nhập khẩu là cần thiết để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước cạnh tranh không lành mạnh từ đường nhập khẩu. Nhờ đó, đã tạo hiệu ứng tốt cho các nhà máy sản xuất trong nước, tăng giá mua mía nguyên liệu cho nông dân từ 10-13% so với trước khi áp thuế tạm thời.
Ông Trung khẳng định, tới đây sẽ kiến nghị Bộ Công Thương ban hành quyết định áp thuế tự vệ chính thức với sản phẩm mía đường nhập từ Thái Lan.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) bày tỏ: Việc áp thuế tự vệ tạm thời với đường mía Thái Lan mang ý nghĩa lớn, xác định rõ đường Thái Lan bán phá giá tại thị trường Việt Nam lên tới 48,88%. Với mức bán phá giá này, dẫu ngành mía đường có cơ giới hóa, có phát triển cỡ nào cũng không thể chống đỡ nổi.
"Ngành đường Việt Nam đã thiệt hại nặng lắm rồi, nên quá trình phục hồi cần một thời gian dài. Cây mía cũng là loại cây đặc biệt, do người sản xuất đường là nông dân, chứ không phải doanh nghiệp. Nếu là quyết định áp thuế tạm thời thì người nông dân chưa yên tâm, cần sớm áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức để tâng được giá thu mua mía, người nông dân có thu nhập tốt để tiếp tục đầu tư phát triển cho cây mía", ông Lộc thông tin.
Thực tế, khó khăn của ngành mía đường chưa hết. Nhu cầu đường nguyên liệu tăng lên cũng dẫn đến hiện tượng tranh mua, tranh bán giữa các doanh nghiệp mía đường, giữa doanh nghiệp với thương lái. Phòng vệ thương mại do đó chỉ giải quyết được phần nào những khó khăn của ngành mía đường.
Các chuyên gia tại Tọa đàm cho rằng, để phát triển bền vững, vẫn cần xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân, xây dựng được vùng nguyên liệu mía chất lượng, bền vững; đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm.