Doanh nghiệp muốn tự chủ chống dịch, sẵn sàng chi tiền cho cơ sở y tế tư nhân tiêm chủng

Ngoài các cơ sở được phép tiêm chủng hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả phí cho các cơ sở y tế tư nhân. Như thế giảm bớt áp lực cho lực lượng y tế nhà nước và cũng giảm bớt áp lực tài chính cho nhà nước.

Những câu chuyện dở khóc, dở cười khi có lệnh giới nghiêm

Nhằm thực hiện Chỉ thị 16, UBND TP.HCM đã ban hành nhiều quyết định liên quan tới các đối tượng được phép ra ngoài sau 18 giờ chiều tới 6 giờ sáng hôm sau. Theo lý thuyết, các quyết định này có hiệu quả tốt trong công tác chống dịch, thế nhưng, do cách triển khai máy móc, thiếu sự thống nhất, nên đã xuất hiện rất nhiều trường hợp “dở khóc, dở cười”.

Các lệnh giới nghiêm, hạn chế đi lại, phân luồng xanh chưa đồng đã làm độn thêm chi phí phát sinh.

Bà Lý Thị Kim, Chủ tịch Hội lương thực, thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết: Theo quy định của UBND TP.HCM, sau 18 giờ chiều tới 6 giờ sáng hôm sau có một số nhóm đối tượng được ra đường. Thế nhưng, trong các nhóm này không có lãnh đạo, quản đốc doanh nghiệp thực phẩm.

Theo bà Kim, một doanh nghiệp không có quản đốc, không có lãnh đạo thì việc vận hành sẽ vô cùng khó khăn, do đó nhiều người phải đi chui. Ví dụ, có trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp thực phẩm đàm phán vay vốn với các ngân hàng thông qua online không được, nên phải năn nỉ các chốt kiểm dịch để được đi qua.

Cũng vì quyết định này, thương lái phải nghỉ hết, vì lệnh giới nghiêm. Từ đó nguyên liệu phục vụ cho ngành lương thực, thực phẩm bị đứt gãy.

“Đối với ngành tươi sống, lái xe từ 3 giờ sáng phải đi chở hàng, tranh thủ lệnh giới nghiêm. Nhưng khi giao hàng xong thì đến sát giờ giới nghiêm, phải ngủ ngoài đường”, bà Kim nói.

Theo Chủ tịch FFA: Các lệnh giới nghiêm, hạn chế đi lại, phân luồng xanh chưa đồng đã làm độn thêm chi phí phát sinh, khiến nhiều doanh nghiệp khổ vô cùng. Có trường hợp vì chi phí độn thêm, khi bán thành phẩm bị lỗ, nhưng vẫn phải kinh doanh lỗ.

Cũng vì việc hạn chế đi lại, lái xe, thương lái nghỉ hết, nên hàn tiêu tỏi ớt không về được các nhà máy, trong đó ngành sản xuất mỳ gói không thể vận hành được.

“Trong các gói mỳ luôn có hành, nhưng nguyên liệu không về được, chúng tôi không thể sản xuất. Liệu không đủ nguyên liệu, chúng tôi có được bán ra thị trường hay không, hoặc ban ngành nào cho phép chúng tôi sản xuất khi không đủ thành phẩm trên bao bì”, bà Kim chia sẻ.

Nhận định về trường hợp này, TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế cho rằng: Nhiều địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 một các máy móc, cứng nhắc, kém hiệu quả, thiếu sự sáng tạo.

Theo ông Cung, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, là do các địa phương đặt chống dịch lên tuyệt đối, đảm bảo cách thực thi pháp luật không được sai sót, từ đó tạo ra nhiều tình huống dở khóc dở cười.

“Lẽ ra, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, bộ máy lãnh đạo cần phải linh hoạt, sáng tạo. Trong khi nhiều quốc gia nới lỏng các quyết định, thì Việt Nam lại thắt chặt và đặt ra chính sách không thể sai sót. Trong bối cảnh bình thường, chính sách không sai sót còn rất khó, huống chi trong giai đoạn dịch bệnh”, ông Nguyễn Đình Cung nói.

Doanh nghiệp muốn tự chủ nhiều hơn

Một trong những chính sách, theo ông Cung là rất khó hiểu, là việc Chủ tịch UBND phường, xã được phép quyết định đóng cửa chợ, và can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp.

“Can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp phải là ban chỉ đạo, chứ không phải là ông Chủ tịch phường, xã”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả phí cho các cơ sở y tế tư nhân tiêm chủng.

Trước những bất cập nêu trên, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: “Trong giai đoạn này, các cấp, ban, ngành phải năng động, sáng tạo và có tính thống nhất, chứ không phải sáng tạo là mỗi nơi một kiểu. Bên cạnh đó, Chính phủ nên cho phép doanh nghiệp tự chủ nhiều hơn”.

Đồng tình với nhận định của TS Nguyễn Đình Cung, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) kêu gọi Chính phủ cho phép các doanh nghiệp tự chủ trong việc phòng chống dịch Covid-19.

Theo ông Minh, hiện nay, ngành vận tải muốn hoạt động, thì lái xe phải có xét nghiệm âm tính của Bộ Y tế. Thế nhưng, trên thực tế, các địa điểm xét nghiệm hiện nay đang quá tải, không đảm bảo giãn các, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Như vậy, quy định này chỉ khiến dịch bệnh càng thêm phức tạp, thay vì chống dịch.

Do đó, ông Minh kiến nghị Bộ Y tế bán các test xét nghiệm cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp tự chủ xét nghiệm cho người lao động.

“Bản thân các doanh nghiệp rất lo cho người lao động, nên Chính phủ, Bộ Y tế bán cho doanh nghiệp các bộ xét nghiệm để họ tự kiểm tra sức khỏe của người lao động, nếu làm sai, các doanh nghiệp sẵn sàng chịu trách nhiệm và bị truy tố, ông Minh nói.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Điện tử Việt Nam cho rằng, không ai hiểu doanh nghiệp bằng chính doanh nghiệp đó. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, hơn ai hết, chính bản thân doanh nghiệp sẽ phải biết cách tạo ra vùng an toàn, để hoạt động.

“Ngoài các cơ sở được phép tiêm chủng hiện nay, hãy để phòng khám tư nhân tham gia tiêm chủng, các doanh nghiệp sẵn sàng trả phí. Như thế giảm bớt áp lực cho lực lượng y tế nhà nước và cũng giảm bớt áp lực tài chính cho nhà nước”, bà Hương nói.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doanh-nghiep-muon-tu-chu-chong-dich-san-sang-chi-tien-cho-co-so-y-te-tu-nhan-tiem-chung-post148577.html