Doanh nghiệp năng lượng trên lộ trình giảm phát thải khí nhà kính

Đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm phát thải và kiểm kê khí nhà kính là công việc mà các doanh nghiệp thuộc 6 ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực năng lượng; cũng như các Sở Công Thương tại địa phương phải thực hiện nhằm tiến tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Ngành năng lượng chiếm tỷ trọng lượng phát thải khí nhà kính cao nhất tại Việt Nam nhưng có tiềm năng giảm phát thải lớn nhất. Ảnh minh họa

Ngành năng lượng chiếm tỷ trọng lượng phát thải khí nhà kính cao nhất tại Việt Nam nhưng có tiềm năng giảm phát thải lớn nhất. Ảnh minh họa

Từng bước kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính

Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), để thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 và cập nhật Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022.

Trong đó, nguồn lực trong nước sẽ giúp Việt Nam nỗ lực giảm 15,8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) vào năm 2030 và nâng lên 43,5% khi có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế một cách thực chất, hiệu quả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó lĩnh vực năng lượng giảm 32,6% lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương, đến năm 2050 lĩnh vực năng lượng giảm 91,6% lượng phát thải không vượt quá 101 triệu tấn CO2 tương đương.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2024 với 6 lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính gồm:

- Năng lượng: Công nghiệp sản xuất năng lượng, tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng, khai thác than, khai thác dầu và khí tự nhiên

- Giao thông vận tải: Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải

- Xây dựng: Tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng, các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng

- Các quá trình công nghiệp: Sản xuất hóa chất, luyện kim, công nghiệp điện tử, sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozon, sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác

- Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất: Chăn nuôi, lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất, trồng trọt, tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, các nguồn phát thải khác trong công nghiệp

Chất thải: Bãi chôn lấp chất thải rắn, xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học, thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải, xử lý và xả thải nước thải.

Ông Đặng Hải Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã ban hành các cơ chế, chính sách không chỉ tác động phát thải carbon trong nước mà còn điều chỉnh đến các hoạt động phát thải khí nhà kính ở ngoài biên giới, trên phạm vi toàn cầu.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022, trong đó nêu rõ 6 ngành phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, nhằm mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Để thực hiện yêu cầu này, các cơ quan quản lý của Trung ương và Sở Công Thương các địa phương, các doanh nghiệp cần thiết lập hệ thống tuân thủ quy định về kiểm kê, đo đạc, báo cáo và thẩm định giảm phát thải khí nhà kính nhằm từng bước kiểm soát và thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo quy định, đáp ứng các yêu cầu về giảm phát thải carbon khi lưu thông hàng hóa tại các thị trường lớn trên thế giới - ông Đặng Hải Dũng nhấn mạnh.

Đơn cử như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu đã và đang tác động đến các ngành ngành của Việt Nam như phân bón, sắt thép, xi măng, nhôm. Nhiều cơ chế tương tự như CBAM đã và đang được các quốc gia khác như Mỹ, Anh, Australia... bắt đầu xây dựng và dự báo sẽ sớm ban hành.

Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency: IEA), ngành năng lượng đóng góp tới 40% vào lượng phát thải carbon toàn cầu. Trong đó, 75% lượng khí thải đó đều đến từ 6 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Thống kế năm 2010 cho thấy, các nhà máy đốt than chỉ chiếm 40% sản lượng năng lượng thế giới nhưng lại là nguyên nhân gây ra hơn 70% lượng phát thải khí nhà kính của ngành năng lượng. Hiện nay, nhiều quốc gia đã có những cải thiện để giảm thiểu nhưng hệ số phát thải carbon toàn cầu để sản xuất năng lượng hầu như không thay đổi trong suốt 20 năm qua.

Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg nêu cụ thể danh mục 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024; trong đó có 1.805 cơ sở thuộc ngành Công Thương; 75 cơ sở thuộc ngành Giao thông Vận tải; 229 cơ sở thuộc ngành Xây dựng và 57 cơ sở thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường.

Tại Việt Nam, tổng lượng phát thải khí nhà kính năm 2013 của ngành năng lượng chiếm tới 51,6%, tương đương 151,4 triệu tấn. Đây là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất về lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên góc nhìn tích cực, ngành năng lượng cũng có tiềm năng giảm phát thải lớn nhất đến năm 2030, với tỷ lệ giảm hơn 8%.

Doanh nghiệp năng lượng cần tích cực hành động giảm phát thải. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp năng lượng cần tích cực hành động giảm phát thải. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp năng lượng cần tích cực hành động giảm phát thải

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang cho biết, nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đã cam kết tại Hội nghị COP26, trách nhiệm ngành Công Thương phải tổ chức, triển khai một cách có hệ thống, đồng bộ các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính bao gồm phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đồng thời sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội, thực hiện các giải pháp về tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn.

Trên lộ trình thực hiện, các doanh nghiệp phải được hướng dẫn cụ thể về phương pháp, quy trình, cách thức tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động đo đạc, kiểm kê, giám sát phát thải khí nhà kính tại doanh nghiệp. Còn các cơ quan quản lý ở địa phương được trang bị các kiến thức làm cơ sở cho các hoạt động quản lý nhà nước tại địa phương theo quy định của pháp luật. Việc nâng cao năng lực về kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm phát thải và kiểm kê phát thải khí nhà kính góp phần quan trọng phục vụ quá trình tham gia thị trường carbon tại Việt Nam trong tương lai - ông Hoàng Văn Tâm, chuyên viên Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững nhận định.

Do ngành năng lượng đóng góp phần lớn lượng khí nhà kính vào bầu khí quyển nên đây là một trong những ngành phải chịu trách nhiệm nhiều nhất về lượng phát thải của mình. Đây là lý do vì sao, Chính phủ cần quan tâm và theo dõi sát sao hơn hoạt động kiểm kê khí nhà kính của ngành năng lượng. Nhờ các số liệu thống kê và tính toán trong quy trình kiểm kê, doanh nghiệp sẽ đo lường được mức độ phát thải của mình qua mỗi năm, để từ đó tìm ra giải pháp tối ưu và hiệu quả hơn, nhằm làm giảm thiểu lượng khí nhà kính gây hại tới môi trường.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tập huấn phương pháp tính toán lượng phát thải khí nhà kính, cách thức thu thập số liệu hoạt động, kiểm kê và lập báo cáo kiểm kê lượng phát thải khí nhà kính, từ đó xây dựng kế hoạch giảm nhẹ và thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại các doanh nghiệp.

Là tập đoàn năng lượng lớn của đất nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã từng bước thực hiện tiến trình dài hạn đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam. Theo ông Lê Ngọc Sơn - Tổng Giám đốc Petrovietnam, việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trong sản xuất kinh doanh không chỉ là xu hướng mà sẽ sớm là yếu tố bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện.

Petrovietnam chủ động tổ chức khóa đào tạo cho các doanh nghiệp thành viên về thích ứng biến đổi khí hậu và kiểm kê khí nhà kính. Ảnh: PVN

Petrovietnam chủ động tổ chức khóa đào tạo cho các doanh nghiệp thành viên về thích ứng biến đổi khí hậu và kiểm kê khí nhà kính. Ảnh: PVN

Do đó, để nâng cao nhận thức, kỹ năng hướng tới giảm phát thải khí nhà kính, Petrovietnam cũng đã chủ động tổ chức khóa đào tạo để giới thiệu, tập huấn về trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp năng lượng liên quan đến thích ứng biến đổi khí hậu và kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Chính phủ. Qua đó, hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn; nhận dạng và thiết lập hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua chia sẻ kinh nghiệm, cùng thực hành phương pháp kiểm kê khí nhà kính và trao đổi các hoạt động nhằm giảm phát thải khí nhà kính tại các doanh nghiệp dầu khí…

Bà Lê Thị Lam Trà - Phó Trưởng Ban Quản trị Nguồn nhân lực của Petrovietnam chia sẻ: “Biến đổi khí hậu ngày càng nhanh, phức tạp, khó lường và có tác động mạnh hơn, gây ra những rủi ro, ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp năng lượng, dầu khí và nền kinh tế thế giới. Ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như yêu cầu bảo vệ môi trường kéo theo các tiêu chuẩn ngày càng nghiêm ngặt về phát thải, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và tiết kiệm năng lượng; đồng thời, mở ra các cơ hội để phát triển các nguồn năng lượng sạch thay thế năng lượng truyền thống. Vì vậy, hoạt động của ngành dầu khí cùng với quá trình chuyển dịch năng lượng đang diễn ra ngày càng nhanh và mạnh mẽ”./.

QUỲNH ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/doanh-nghiep-nang-luong-tren-lo-trinh-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-34239.html