Doanh nghiệp ngành lúa gạo muốn vay không có tài sản bảo đảm

Doanh nghiệp ngành lúa gạo mong muốn Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường các chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm.

Sáng nay (4/4/2025), Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và trang Việt Nam Đầu tư phối hợp tổ chức Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”.

Thăng trầm ngành lúa gạo

Tại hội thảo, ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, Việt Nam không chỉ là vựa gạo của Đông Nam Á mà còn là vựa lúa của thế giới. Gạo Việt Nam đã khẳng định được vị thế, thương hiệu là gạo chất lượng cao trên thế giới.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, năm 2024, ngành gạo Việt Nam tạo dấu ấn đặc biệt với sản lượng xuất khẩu vượt 8 triệu tấn, doanh thu trên 4,5 tỷ USD, giữ vững vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Theo ông Nam, đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng, đồng thời mở ra kỳ vọng cho một năm mới tiếp tục gặt hái thành công. Điều đó khẳng định vị thế của lúa gạo không chỉ là trụ cột của nền kinh tế nông nghiệp mà còn là niềm tự hào của xuất khẩu Việt Nam.

Dù có vai trò rất to lớn nhưng ngành lúa gạo đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho biết ngành hàng lúa gạo Việt Nam có vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo có những bước thăng trầm, đời sống của người nông dân trồng lúa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người trồng lúa còn thấp hơn so với một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác. Bên cạnh đó, sản xuất lúa cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, vấn đề môi trường, vấn đề chất lượng yêu cầu ngày càng cao, vấn đề thương hiệu…

 Dù có vai trò rất to lớn nhưng ngành lúa gạo đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ảnh: Hoàng Quyên

Dù có vai trò rất to lớn nhưng ngành lúa gạo đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ảnh: Hoàng Quyên

Ngoài ra, ngành lúa gạo cũng gặp khó trong việc tiếp cận vốn. Ông Trần Quốc Hà, quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 14 cho biết, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước luôn ưu tiên, xác định nông nghiệp là lĩnh vực tập trung vốn đầu tư. Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất và đã có nhiều văn bản chỉ đạo tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng, đầu tư tín dụng cho ngành hàng lúa gạo trên địa bàn còn nhiều khó khăn, thách thức như rủi ro do biến đổi khí hậu; 95% doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thông tin tài chính thiếu minh bạch, ảnh hưởng tới việc cho vay. Bên cạnh đó, chương trình cho vay liên kết sản phẩm lúa gạo chất lượng cao phát thải thấp chưa hình thành kết quả cho vay (đòi hỏi ngành nông nghiệp và môi trường có định mức, UBND cấp tỉnh có quyết định phê duyệt công nhận vùng trồng mới vay được)…

Cần sự phối hợp của các bộ, ngành

Muốn ngành lúa gạo phát triển, điều đầu tiên là phải nâng cao chất lượng gạo. TS. Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL đánh giá bên cạnh đa dạng về chủng loại giống lúa, điều cần thiết cũng nên xây dựng vùng lúa nguyên liệu ổn định về sản lượng và phẩm chất gạo và phù hợp cho từng loại giống lúa. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực và sự tham gia hợp tác từ nhiều bên, nhằm đảm bảo sự bền vững và phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà.

Trong khi đó, VFA đã đưa ra kiến nghị đối với các bộ, ngành liên quan.

Thứ nhất, theo kiến nghị của VFA, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, nghiên cứu phát triển giống lúa chất lượng cao và tăng cường xúc tiến thương mại.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường các chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm cho các doanh nghiệp kinh doanh gạo.

Thứ ba, Bộ Tài chính đưa ra hướng dẫn cụ thể về xử lý hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) để hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp.

Thứ tư, Bộ Công Thương tăng cường thông tin về xuất khẩu, điều chỉnh quản lý xuất nhập khẩu, nghiên cứu thị trường và đàm phán mở cửa thị trường.

Thứ năm, Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cảng Cái Cui và nâng cấp kênh Quan Chánh Bố ở ĐBSCL để tạo thuận lợi cho xuất khẩu.

Cuối cùng, UBND các tỉnh, thành: Tiếp tục quy hoạch, xây dựng vùng chuyên canh nguyên liệu, đánh giá thổ nhưỡng và thu hút đầu tư vào chế biến lúa gạo.

Muốn ngành lúa gạo phát triển, điều đầu tiên là phải nâng cao chất lượng gạo. Ảnh: Hoàng Quyên

Muốn ngành lúa gạo phát triển, điều đầu tiên là phải nâng cao chất lượng gạo. Ảnh: Hoàng Quyên

Ngành lương thực Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành và toàn thể cộng đồng, ông Nam tin tưởng rằng, ngành lương thực sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Ông Trần Quốc Hà cũng đưa ra tín hiệu khả quan khi khẳng định: “Ngành ngân hàng sẽ tích cực triển khai các chương trình tín dụng, chỉ đạo sát sao việc triển khai công tác tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng mà hội thảo hôm nay là một trong những giải pháp đó, không để khách hàng nào đủ điều kiện tiếp cận vay vốn mà không được vay vốn. Chúng tôi hy vọng kết quả mang lại là hạt gạo Việt Nam khẳng định được thương hiệu, phát triển đúng vị thế của mình”.

Với chủ đề “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, hội thảo sẽ tập trung vào việc tìm ra các giải pháp đột phá để phát triển ngành lúa gạo Việt Nam, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành lúa gạo. Các chuyên gia và nhà quản lý sẽ cùng nhau thảo luận về việc định vị lại giá trị của hạt gạo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế hội nhập quốc tế, từ đó thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao ra thế giới. Cùng với đó, mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng giá trị gạo Việt Nam sẽ là trọng tâm trong các cuộc trao đổi tại hội thảo.

Hoàng Quyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-nganh-lua-gao-muon-vay-khong-co-tai-san-bao-dam-381462.html