Doanh nghiệp ngành phân bón phải 'gánh' tới 4.000 tỷ đồng/năm do không được tính VAT

Theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm, với số thuế VAT không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm.

Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định phân bón là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) với thuế suất 5%. Tuy nhiên, Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế lại quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế VAT kể từ ngày 1/1/2015.

Khi Luật Thuế 71 được thực thi đã vô tình đẩy các doanh nghiệp phân bón vào không ít khó khăn.

Hiện doanh nghiệp phân bón trong nước không được kê khai, khấu trừ các chi phí VAT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất (VAT đầu vào), gồm đầu tư, mua sắm tài sản cố định, do phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế này. Chi phí này sau đó tính vào giá thành sản xuất, khiến giá bán tăng và lợi nhuận giảm.

Tại tọa đàm “Ngành phân bón với các chính sách thuế”, ông Đỗ Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Nông sản Apromaco cho biết, trong 10 năm qua, doanh nghiệp đã tiến hành nhiều hoạt động đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất Supe Lân, lắp đặt thêm các dây chuyền sản xuất phân bón NPK … để nâng sản lượng, đặc biệt là chất lượng mặt hàng phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, do phân bón là mặt hàng không tính thuế nên không được khấu trừ các chi phí VAT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất. Thực tế này, buộc các doanh nghiệp phải cộng vào giá thành sản xuất nên giá bán bị vọt lên.

“Việc tăng giá bán lại phụ thuộc yếu tố cung cầu và thị trường nên doanh nghiệp không thể tăng giá quá cao để bù đắp các chi phí nên sẽ bị thiệt hại và hậu quả là sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, không còn nguồn vốn cho tái đầu tư, cho nghiên cứu phát triển. Trong giai đoạn 10 năm qua, số tiến thuế VAT không được khấu trừ khoảng 300 tỷ đồng”, ông Hùng quan ngại.

Trao đổi với người viết, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Luật Thuế 71 quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế khiến không chỉ doanh nghiệp phân bón chịu thiệt vì toàn bộ thuế VAT đầu vào không được khấu trừ hàng năm.

Trong khi đó, ngành nông nghiệp, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua phân bón với giá thành cao hơn 5 - 8% vì doanh nghiệp phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất.

Ước tính, với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm, với số thuế VAT không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm.

“Đây là con số rất lớn nếu xem xét đến lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong trung bình nhiều năm qua”, ông Hà đánh giá.

Xem xét áp thuế VAT 5% đối với phân bón

Nhìn nhận về vấn đề này, chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho biết, từ năm 2016, Hiệp Hội Phân Bón Việt Nam cùng Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều văn bản kiến nghị xem xét sửa đổi Luật Thuế 71 bằng việc từ không đánh thuế VAT với vật tư sản xuất nông nghiệp sang mức thuế bằng 0 hoặc một mức phù hợp.

“Nhiều hội thảo, diễn đàn đã được tổ chức nhằm tìm ra mức thuế suất hợp lý cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón nhằm tiết kiệm được chi phí sản xuất và từ đó đưa ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh, thậm chí rẻ hơn khi không đánh thuế”, ông Thịnh chia sẻ.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính. (Ảnh: Nguyễn Ngọc).

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính. (Ảnh: Nguyễn Ngọc).

Dù có nhiều mức thuế suất được đưa ra thảo luận, song theo ông Thịnh, với mức 5% là phù hợp nhất, bởi các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ có khoản chêch lệch giảm trừ ở VAT đầu vào ở mức 7 - 8%, chi phí sản xuất phân bón sẽ giảm từ 2 - 3%, từ đó có cơ sở giá bán thấp hơn.

Ngoài ra, các sản phẩm phân bón nhập khẩu cũng phải tính thuế VAT 5%, khiến giá bán cao lên, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi ngân sách nhà nước cũng có lợi nhờ thu được 5% của các sản phẩm nhập khẩu.

“Còn nếu áp dụng mức 0%, các sản phẩm phân bón nước ngoài lại không phải đóng thuế, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Trong khi ở mức từ 7 - 10 % thì sẽ không thể hiện được ưu đãi của nhà nước với ngành này”, ông Thịnh nêu rõ.

Tại dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp, phân bón dự kiến được chuyển từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 5%.

Đánh giá cao tác động của việc sửa đổi này đối với doanh nghiệp, ông Phùng Hà cho rằng, khi Luật thuế giá trị gia tăng được sửa thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường tốt hơn do chi phí giá thành phân bón trong nước giảm, tăng sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, vì khi đó, phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế.

Bên cạnh đó, đây cũng là động lực quan trọng để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dây chuyền sản xuất phân bón công nghệ cao, thế hệ mới có chất lượng tốt hơn, thân thiện môi trường hơn, góp phần giảm giá vật tư đầu vào.

Đối với người nông dân, giá thành phân bón sản xuất trong nước giảm do toàn bộ thuế VAT đầu vào được khấu trừ. Người nông dân sẽ được hưởng lợi lâu dài khi doanh nghiệp phân bón trong nước sản xuất ổn định, có hiệu quả, từ đó có điều kiện hạ giá thành, giảm giá bán tới tay bà con nông dân.

Đối với Nhà nước, nếu áp dụng thuế suất thuế VAT với phân bón thì phân bón nhập khẩu cũng phải chịu thuế và ngân sách nhà nước sẽ thu được toàn bộ khoản thu này.

"Khi áp dụng thuế VAT làm cho hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước được nâng cao và sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước từ khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp”, ông Phùng Hà Khẳng định.

Còn theo ông Đỗ Đức Hùng, hiện tại nhà nhập khẩu phân bón không có VAT đầu vào nên có lợi thế cạnh tranh hơn các nhà sản xuất phân bón trong nước. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì các nhà sản xuất phân bón trong nước sẽ lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp và thu hẹp sản xuất.

Vì vậy, mức thuế mới sẽ làm cho sự cạnh tranh bình đẳng hơn giữa phân bón nội và phân bón ngoại trên thị trường.

"Khi áp dụng thuế VAT sẽ góp phần cạnh tranh bình đẳng hơn với phân bón nhập khẩu, nhất là phân bón từ các nước có thuế nhập khẩu phân bón là 0% như Trung Quốc, Asean. Chúng tôi chấp nhận sự cạnh tranh nhưng cạnh tranh phải trên cơ sở bình đẳng", ông Hùng nêu rõ.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-nghiep-nganh-phan-bon-phai-ganh-toi-4000-ty-dongnam-do-khong-duoc-tinh-vat.html