Doanh nghiệp ngành thép có tiếp tục hồi phục?
Bức tranh kinh doanh quý 1/2024 chứng kiến sự hồi phục của ngành thép, nhưng không đồng đều mà có sự đối lập giữa các doanh nghiệp đầu ngành và các doanh nghiệp nhỏ.
Ở Top 3 đầu ngành, Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG), Hoa Sen Group (mã HSG) và Thép Nam Kim (mã NKG) đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về doanh thu và các chỉ số kinh doanh khác.
Cụ thể, quý I/2024, Hòa Phát đạt doanh thu thuần 30.852 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023 (YoY); lãi ròng 2.869 tỷ đồng, gấp 7,2 lần. Biên lợi nhuận gộp cũng gấp đôi cùng kỳ, tăng hơn 13% YoY.
Một tên tuổi đình đám khác trong ngành thép, Hoa Sen Group đạt gần 9.250 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng gần 320 tỷ đồng, tăng trưởng 32% và 27% so với cùng kỳ.
Tương tự, Thép Nam Kim đạt mức 5.291 tỷ doanh thu thuần, tăng 21% so với cùng kỳ và cao hơn so với mức tăng của giá vốn là 11% bởi đẩy mạnh các kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Biên lãi gộp đạt mức 10,7%, cải thiện nhiều so với mức 3,1% trong quý 1/2023. Sau khi trừ đi các chi phí, Nam Kim ghi nhận lãi ròng 150 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 49 tỷ đồng.
Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng hưởng niềm vui hồi phục của ngành. Trong quý 1/2024, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel, mã TVN) ghi nhận doanh thu thuần hơn 7.500 tỷ đồng và lãi ròng 36 tỷ đồng, giảm 10% và 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thép Pomina (mã POM) vẫn chìm trong u ám với con số lỗ ròng 225 tỷ đồng, đánh dấu 8 quý kinh doanh thua lỗ liên tiếp.
Thép Thủ Đức (mã TDS) và Thép Vicasa (mã VCA) ghi nhận lãi ròng giảm tương ứng 37% và 78%. Doanh nghiệp chuyên gia công và thương mại thép SMC cũng gặp nhiều khó khăn. Quý 1/2023, công ty lãi ròng hơn 180 tỷ đồng nhưng chủ yếu là từ khoản lãi bán cổ phiếu NKG.
Nhận định về năm 2024, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thép vẫn tỏ ra thận trọng. Theo chia sẻ của ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT HPG tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, thép là ngành ăn theo bất động sản, đầu tư công. Trong khi đầu tư công đang được đẩy mạnh thì ngành bất động sản vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn. Vì vậy, ông Long nhận định năm 2024 sẽ là năm tốt cho Hòa Phát nhưng chưa có những đột phá.
Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của NKG, Tổng Giám đốc Võ Hoàng Vũ cho biết, nhu cầu nội địa vẫn rất thấp, khi doanh nghiệp không mặn mà đầu tư xây dựng nhà xưởng; nhu cầu xây dựng, sửa sang nhà cửa của người dân cũng chưa trở lại; còn nhu cầu quốc tế bị ảnh hưởng bởi lạm phát và lãi suất cao.
Lãnh đạo NKG cho rằng phải đến năm 2025 thị trường thép mới thực sự phục hồi.
Ba động lực tăng trưởng của ngành thép
Trong báo cáo triển vọng ngành thép vừa cập nhật, Chứng khoán Agriseco (AGR) cho biết, các doanh nghiệp thép đầu ngành đều đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 tăng trưởng mạnh trên nền thấp 2023, tuy nhiên chưa thể bứt phá do thị trường bất động sản trong nước chưa phục hồi mạnh.
Theo AGR, có 3 động lực để ngành thép tiếp tục phục hồi trong thời gian tới. Một là nhu cầu nội địa tăng nhờ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng và xây dựng dân dụng ấm dần.
Hai là nhu cầu tăng từ kênh xuất khẩu. Theo Hiệp hội Thép thế giới, năm 2024, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến tăng 1,9%, đạt 1.849 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam như ASEAN, châu Âu, Mỹ dự kiến tăng lần lượt là 5,2%, 5,8% và 1,6% so với cùng kỳ, nhờ nhu cầu từ xây dựng hạ tầng.
Ba là giá nguyên vật liệu được dự báo giảm, trong giá thép được dự báo hồi phục giúp cải thiện biên lợi nhuận. Theo dự báo của World Bank, giá quặng sắt năm 2024 sẽ giảm xuống mức 108 USD/tấn, giảm 2,8% so với năm 2023; giá than cốc Úc kỳ vọng chỉ 190 USD/tấn, giảm 23%.
Bên cạnh các cơ hội tăng trưởng, AGR cho rằng, ngành vẫn đối mặt với rủi ro cạnh tranh từ thị trường thép Trung Quốc. Năm 2023, thép nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 5,6 tỷ USD, trong đó lượng nhập khẩu đạt gần 8,3 triệu tấn, tăng 63% so với cùng kỳ; giá nhập khẩu trung bình đạt gần 682 USD/tấn, giảm 30%.
Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm 2024, giá trị nhập khẩu sắt thép của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc là 2,9 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ. Trong đó lượng nhập khẩu đạt hơn 4 triệu tấn, tăng 49,4%; giá nhập khẩu trung bình đạt 716 USD/tấn, giảm 13,6%. Nhập khẩu sắt thép Trung Quốc tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng chậm và thị trường bất động sản vẫn ảm đạm khiến dư thừa nguồn cung sắt thép.