Doanh nghiệp Nghệ An cần làm gì để tận dụng lợi thế EVFTA
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) không chỉ mang lại lợi ích cho các ông lớn mà còn là 'sân chơi' cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi và phát triển kinh doanh, đặc biệt trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, bên cạnh sự hỗ trợ của từ phía Chính phủ, nội tại doanh nghiệp cũng cần chủ động, thay đổi tư duy kinh doanh, vạch ra chiến lược cụ thể để đáp ứng cuộc chơi lớn này.
Doanh nghiệp nhỏ trước sân chơi lớn
Tỉnh Nghệ An đang có hơn 23.000 doanh nghiệp đăng ký lũy kế, trong đó có hơn 13.200 doanh nghiệp đang hoạt động, đứng thứ 10 trong cả nước. Trong đó có trên 40 doanh nghiệp (DN) hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường các nước EU và hơn 150 DN xuất khẩu khác sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Theo Sở Công Thương Nghệ An, trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giữa các DN vào thị trường châu Âu đều có sự tăng trưởng, trung bình đạt khoảng 50 - 60 triệu USD/năm, chiếm 6-7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội, là cú “hích” rất lớn cho xuất khẩu của Nghệ An, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Ông Hoàng Minh Tuấn – Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Nghệ An đánh giá: Sẽ là lợi thế cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nghệ An như dệt may, hoa quả chế biến, các một số mặt hàng khác...Ngoài ra, Hiệp định cũng mở ra cơ hội nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu sản xuất, hàng tiêu dùng với chi phí hợp lý.
Bên cạnh đó, nông nghiệp, công nghệ cao sẽ là những lĩnh vực tiềm năng của Nghệ An được nhiều DN châu Âu quan tâm. Ngoài việc tập trung nguồn vốn còn đẩy mạnh chuyển giao giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp, sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm.
Hay dệt may là một trong những thế mạnh của Nghệ An, nhưng trên thực tế, sản phẩm dệt may phần nhiều là hàng gia công xuất khẩu, giá trị gia tăng thấp, công nghiệp hỗ trợ cho ngành như sản xuất nguyên, phụ liệu, thiết bị, đào tạo nghề, thiết kế... phát triển chưa cao, nên xuất khẩu sang thị trường EU còn khiêm tốn.
Đại diện một số DN dệt may ở Nghệ An chia sẻ, một trong những thách thức hiện nay đối với nhiều DN dệt may khi xuất khẩu vào thị trường EU, đó là quy tắc xuất xứ trong EVFTA rất chặt chẽ. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu dệt may ở Nghệ An vẫn dựa vào nhập khẩu, chính vì thế muốn vào được thị trường khó tính như EU, buộc các DN cần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới trong sản xuất, kinh doanh.
Ông Thái Đại Phong – Giám đốc công ty TNHH Đức Phong cho hay, các doanh nghiệp muốn được hưởng ưu đãi thuế quan ngoài đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa, cần chú trọng đến các vấn đề về sở hữu trí tuệ, vệ sinh thực phẩm, trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, chỉ dẫn địa lý…
Là cơ hội nhưng cũng là thách thức
Theo Sở Công Thương Nghệ An có đến 98% các DN Nghệ An là DN nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ. Hầu hết các DN trải qua thời gian dài dịch bệnh khiến nguồn tài chính càng thêm hạn hẹp, công nghệ lạc hậu, khả năng tiếp cận, nắm bắt thông tin pháp luật, các nội dung cam kết trong các Hiệp định khá phức tạp đòi hỏi các ND phải có kiến thức nhất định, có cán bộ chuyên trách, khả năng thích ứng cao, nắm vững công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong DN.
Công tác xúc tiến thương mại vào thị trường EU mặc dù đã được UBND tỉnh quan tâm song đây là khu vực thị trường rộng lớn, các tiêu chuẩn đặc thù kỹ thuật về công nghiệp và nông nghiệp rất khắt khe khiến nhiều sản phẩm hiện không đáp ứng được hoặc nhà sản xuất bị gia tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh về giá cả và dịch vụ đi kèm, khi thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng về 0%.
Trong khi đó, để cạnh tranh vào được thị trường EU luôn là rào cản đối với các DN địa phương vì có nhiều quy định. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực thủy sản không được dùng hải sản từ đánh bắt bất hợp pháp, không được sử dụng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên xuất khẩu mà chưa được phép... Vì vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu quy định của EU về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, mức độ an toàn của sản phẩm, xuất xứ hàng hóa, những thỏa thuận về lao động, môi trường... để tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ Hiệp định. DN nhỏ và vừa khi tham gia cuộc chơi lớn sẽ đứng trước hàng loạt thách thức, trong đó, việc thực thi các cam kết trong hiệp định này về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật...
Đại diện VCCI ở Nghệ An chia sẻ: vai trò hỗ trợ từ phía chính quyền là rất lớn, trước tiên là truy xuất nguồn gốc bởi DN cần chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu mới có thể hội nhập hiệu quả. Bản thân các ngành nghề cũng phải lưu ý vấn đề này và phía chính quyền cũng cần hết sức hỗ trợ để sớm có văn bản hướng dẫn để DN triển khai. Để tận dụng hiệu quả EVFTA tỉnh Nghệ An cần đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính, đẩy nhanh việc tuyên truyền nội dung, tầm quan trọng của Hiệp định; phối hợp với các Hiệp hội DN liên tục mở các khóa đào tạo, tập huấn hướng dẫn triển khai, thực hiện các nội dung cam kết cũng như các quy định trong EVFTA cho cácDN, đặc biệt là các DN xuất nhập khẩu; giúp các DN vượt qua những rào cản, quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
Hoàng Trinh