Sửa đổi Luật Thủ đô: Phát huy nguồn lực ao, hồ trong nuôi trồng thủy sản
Những năm qua, diện tích nuôi trồng thủy sản của thành phố Hà Nội ngày càng tăng, trở thành lĩnh vực chủ lực của ngành Nông nghiệp, đạt tổng diện tích mặt nước lên tới gần 31.000ha.
Với những điều, khoản mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét thông qua, Hà Nội kỳ vọng tạo sức bật từ nguồn lực sông, hồ trong phát triển thủy sản.
Lượng thủy sản tăng qua các năm
Ứng Hòa là huyện có diện tích ruộng trũng và mặt nước lớn, thuận lợi cho việc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế.
Ông Trần Văn Bá, ở xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) có hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản chia sẻ: “Tận dụng lợi thế từ vùng trũng và diện tích mặt ao, gia đình tôi đã xây dựng khu trang trại chăn nuôi thủy sản với diện tích gần 3ha, chủ yếu nuôi các loại cá trắm, chép, trôi, rô phi… Mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch được hai vụ cá vào giữa năm và cuối năm, giá trị đạt từ 300 đến 500 triệu đồng”.
Theo thống kê của huyện Ứng Hòa, hiện diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn là hơn 4.000ha, sản lượng đạt 37.260 tấn. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn. Đáng chú ý, huyện Ứng Hòa có 15 mô hình nuôi thủy sản “sông trong ao” tại xã Trầm Lộng và xã Liên Bạt cho giá trị kinh tế cao.
Tương tự, phát huy lợi thế từ diện tích vùng trũng, ao, hồ, huyện Ba Vì đã phát triển nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản chất lượng cao, trở thành điểm sáng của ngành Nông nghiệp Hà Nội. Toàn huyện Ba Vì hiện có 2.600ha diện tích mặt nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, tập trung tại các xã: Cổ Đô, Vạn Thắng, Phú Đông, Cẩm Lĩnh, Đồng Thái, Phú Châu…
Đặc biệt, nhiều hộ dân đã tận dụng mặt nước sông Hồng, sông Đà để nuôi cá lồng bè, cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Đỗ Văn Sim (ở xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì) cho hay, gia đình ông đã và đang xây dựng khu nuôi cá trắm, chép, trôi, lăng… rộng gần 30ha, hằng năm thu được hơn 6 tỷ đồng.
Đánh giá về nguồn lực trong nuôi trồng thủy sản của thành phố, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thành phố Hà Nội có gần 31.000ha mặt nước, trong đó có nhiều ao, hồ lớn. Thời gian qua, diện tích nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định, với khoảng 24.000ha, năng suất bình quân 5 tấn/ha và riêng vùng nuôi trồng tập trung đạt 10-12 tấn/ha. Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch tăng dần qua từng năm, với tỷ lệ từ 2,5-3,5%. “Có thể thấy, định hướng phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái đang mở ra tiềm lực cho ngành nuôi trồng thủy sản của Hà Nội”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.
Tập trung phát triển theo hướng bền vững
Chia sẻ về định hướng phát triển nông nghiệp của Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chỉ rõ, nông nghiệp Hà Nội phải là nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. Theo đó, Hà Nội phải tận dụng nguồn lực từ ao, hồ để phát triển nông nghiệp, trong đó có nuôi trồng thủy sản. Trong giai đoạn 2022-2025, thành phố đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, theo hướng hữu cơ; trước mắt tập trung phát triển tại 6 huyện: Mỹ Đức, Ba Vì, Quốc Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Phúc Thọ. Những định hướng này càng có cơ sở thực hiện nếu Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua.
Thực tế những năm qua, nhiều huyện đã xây dựng dự án phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Như huyện Ứng Hòa xây dựng đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả bền vững giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030”. Các huyện Phú Xuyên, Ba Vì quy hoạch nhiều vùng nuôi trồng thủy sản…
Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) Đặng Kim Sơn cho rằng, dư địa để phát triển nuôi trồng thủy sản của Hà Nội là rất lớn. Với Luật Thủ đô (sửa đổi), ngành Nông nghiệp được kỳ vọng sẽ có sự bứt phá nhanh. Cụ thể, Điều 33, Luật Thủ đô (sửa đổi) về phát triển nông nghiệp, nông thôn nêu rõ: Phát triển nông nghiệp sinh thái của Thủ đô theo mô hình nông nghiệp bền vững, chú trọng tương tác giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế, nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái...
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, Hà Nội sẽ có cơ sở pháp lý để đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản, tập trung phát triển theo hướng bền vững, có năng suất, chất lượng cao, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái; đồng thời, chủ động ứng phó với khí hậu, phòng, chống dịch bệnh, giám sát môi trường, giám sát an toàn thực phẩm ngay trong quá trình nuôi.
“Sở sẽ phối hợp với các địa phương cơ cấu lại lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, bảo đảm các điều kiện nuôi an toàn dịch bệnh, quy hoạch vùng gắn với nguồn ao, hồ, sông; chọn lọc địa điểm nuôi trồng từ các ao, hồ phù hợp, hình thành mô hình nuôi trồng lớn, năng suất cao và là điểm nhấn về điều hòa không khí, tạo vành đai xanh cho Hà Nội”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định.