Doanh nghiệp 'ngóng' vốn và khung pháp lý cho 'chuyển đổi xanh'
Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Ngân hàng Nhà nước cần sớm có khung pháp lý về tín dụng xanh bởi hiện còn thiếu các quy định, tiêu chí môi trường, nhất là danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia.
Lúng túng tiếp cận vốn, kiến nghị chính sách thuế, đất đai
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại khu vực Đồng bằng sông cửu Long đang tham gia thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp chia sẻ: Doanh nghiệp đang sử dụng vốn tự có để đầu tư nguyên liệu, không vay vốn tín dụng xanh vì bản thân thấy “khái niệm còn mơ hồ”.
Theo doanh nghiệp này, nông nghiệp luôn là lĩnh vực ưu tiên, lãi suất vay thấp hơn các ngành nghề khác nên an tâm vay. Nếu muốn tiếp cận vay vốn ưu đãi, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục hồ sơ phức tạp, mất nhiều thời gian nên doanh nghiệp chọn vay thương mại.
Chia sẻ tiến trình chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh tại Tọa đàm: “Doanh nghiệp tiên phong thực thi ESG và kinh tế tuần hoàn” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: Tập đoàn Lộc Trời đang có những giải pháp riêng biệt trong sản xuất. Đó là, đạt được quy trình canh tác rất khắt khe theo tiêu chuẩn SRP do Chương trình môi trường Liên hợp quốc và Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) tổ chức.
SRP là bộ tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững, gồm 41 tiêu chí và 12 chỉ số cực kỳ khắt khe, đánh giá hiệu quả về lợi nhuận, năng suất lao động, sử dụng phân bón và nước, đa dạng sinh học, khí phát thải nhà kính, an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe và lao động… “Chúng ta được đạt được 100 điểm tuyệt đối trong 4 năm, điều này rất khó nhưng Lộc Trời quyết tâm làm”, ông Huỳnh Văn Thòn cho biết.
Khi đạt được tiêu chí đó, Tập đoàn Lộc Trời áp dụng quy trình này vào sản xuất theo chương trình 1 triệu ha, song nảy sinh vấn đề: Làm cách nào để sản xuất bền vững liên tục trong 365 ngày trong khi hầu hết trên thế giới, ít có quốc gia nào có đủ điều kiện làm được.
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời nêu ý kiến: “Để trúng thầu xuất khẩu gạo giá thấp là do Lộc Trời có hệ sinh thái, chuỗi sản xuất lúa gạo nên doanh nghiệp có lợi thế về chi phí”.
“Dù doanh nghiệp nỗ lực để đạt được chứng chỉ xanh, song ngân hàng không có chính sách ưu đãi khi cho vay. Chúng tôi đang đi trước,‘cầm đèn chạy trước ô tô’, cái khó là chưa nhận được sự hỗ trợ vốn", ông Huỳnh Văn Thòn mong đợi.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) kiến nghị: Việt Nam cần thể chế hóa các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị doanh nghiệp), kinh tế tuần hoàn trong ngành Dệt may. Theo ông Lê Tiến Trường, Việt Nam chưa có chính sách, quy định cụ thể cho ngành dệt may về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hay ESG. Các quy định về kiểm kê khí nhà kính, thuế carbon... vẫn chậm hơn lộ trình áp dụng quốc tế.
“Dệt may luôn được cho là ngành có phát thải lớn, trung bình một năm có khoảng 100 triệu tấn rác thải rắn từ quần áo cũ bỏ ra. Mỗi sản phẩm dệt may quy chuẩn tính từ trồng bông tới khi ra một sản phẩm tiêu tốn khoảng 20 khối nước và 1 năm trên thế giới với 100 tỷ sản phẩm dệt may sẽ dùng hết 2.000 tỷ khối nước. Có lẽ, dệt may là ngành có nhiều quy định, tiêu chuẩn liên quan tới kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh nhất trên thế giới”, ông Lê Tiến Trường chia sẻ.
"Đầu tư cho ESG và kinh tế tuần hoàn là dài hạn, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn về tài chính. Hệ thống tài chính cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính ESG còn non trẻ khiến các dự án dệt may xanh, bền vững gặp nhiều khó khăn trong huy động tài chính” ông Lê Tiến Trường cho biết.
Ông Lê Tiến Trường kiến nghị: Cần có thêm chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thông qua các công cụ thuế, tín dụng, đất đai; đồng thời các doanh nghiệp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực R&D (nghiên cứu và phát triển) để làm chủ công nghệ, chuyển giao công nghệ tiên tiến từ đối tác; khuyến khích phát triển các công cụ tài chính xanh, các mô hình hợp tác liên doanh để tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô và đa dạng hóa rủi ro.
Không đơn giản cho vay rồi “gắn mác” tín dụng xanh
Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB nhìn nhận: Tín dụng xanh không đơn giản là cho vay rồi "gắn mác" vào; mà phải tuân thủ những quy định, tiêu chuẩn và khung tín dụng xanh. “Ngân hàng Nhà nước – NHNN chưa có khung tín dụng xanh cụ thể nên ACB phải nhờ tư vấn qua bên thứ 3 là Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tư vấn. Mong Chính phủ và NHNN sớm thúc đẩy hành lang pháp lý rõ ràng hơn trong lĩnh vực này, để các tổ chức tín dụng thuận lợi hơn trong việc cấp tín dụng xanh", ông Từ Tiến Phát cho biết.
Trước đó, Ngân hàng UOB Việt Nam đã ký kết thỏa thuận tiện ích tài trợ thương mại xanh với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) - nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam về các sản phẩm từ dừa. Để được cấp tín dụng xanh, Betrimex đã vượt qua quy trình xét duyệt tín dụng xanh nghiêm ngặt của UOB Việt Nam, tập trung vào việc đánh giá sự tuân thủ các nguyên tắc ESG của doanh nghiệp. Khoản tín dụng này sẽ giúp doanh nghiệp nhập khẩu hoặc mua nguyên vật liệu thô, hàng hóa trong nước để sản xuất các sản phẩm có chứng nhận Organic, bao gồm chứng chỉ Fairtrade (chứng nhận thương mại công bằng).
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA), các ngân hàng rất muốn cho vay tài trợ các dự án xanh. Thế nhưng, chủ dự án không đủ nguồn lực để tạo ra sản phẩm xanh và sạch.
“Phía ngân hàng cũng chưa biết làm thế nào để đánh giá mức độ rủi ro khi triển khai cho vay. Cần có chính sách hỗ trợ phù hợp dành cho các dự án phát triển sản phẩm sạch, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính, ngân hàng mới dám tài trợ vốn", ông Nguyễn Quốc Hùng đề xuất.
Nhiều chuyên gia cho rằng: Định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã và đang được thúc đẩy nhưng vẫn cần nhiều hơn sự hỗ trợ từ Chính phủ trong quá trình này.
TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, ngoài việc ban hành các thể chế, vai trò của Nhà nước còn nằm ở việc nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp và cả các nhà hoạch định chính sách. “Chúng ta cần dịch chuyển và nâng cao nhận thức về kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn thông qua các kênh truyền thông báo chí, cũng như các buổi tọa đàm giao lưu kết nối... Đây đều là những kênh rất quan trọng”, ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.
Chuyển đổi số không chỉ là một công cụ hiệu quả trong việc tăng cường năng suất và cạnh tranh cho doanh nghiệp, mà còn là một phương tiện không thể thiếu trong hành trình hướng tới một nền kinh tế bền vững và xanh. “Tích hợp các công nghệ số vào các lĩnh vực sản xuất, quản lý và tiếp thị không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường”, ông Nguyễn Đức Hiển cho bíet.
Ngoài ra, nếu các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chuyển sang kinh tế xanh nhưng Nhà nước không có cơ chế khuyến khích các định chế tài chính như các ngân hàng bố trí nguồn lực cho tài chính xanh, họ sẽ không mặn mà. “Nhà nước cần phải định hướng các gói chính sách ra sao, triển khai thế nào để đồng hành với các TCTD trong chuyển đổi xanh”, đại diện Ban Kinh tế Trung ương đề xuất.
Quy mô tín dụng xanh còn khiêm tốn
Theo NHNN, hiện có 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Dù tăng trưởng 2 con số trong vài năm nay nhưng quy mô tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ, rất khiêm tốn so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD/năm của nền kinh tế nhằm thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh cũng chưa hoàn thiện, thiếu các quy định, tiêu chí môi trường, nhất là danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia...