Doanh nghiệp nhà nước do Bộ Tài chính đại diện chủ sở hữu nộp ngân sách hơn 100 nghìn tỷ
Nửa đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất của các doanh nghiệp nhà nước do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu đạt khoảng 1,07 triệu tỷ đồng, ước đạt 50,3% kế; lợi nhuận trước thuế đạt 82,1 nghìn tỷ đồng, ước đạt 60,9% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước đạt 102,7 nghìn tỷ đồng, ước đạt 54,6% kế hoạch.
Ngày 21/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của các doanh nghiệp nhà nước do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Trình bày Báo cáo sơ kết tại Hội nghị, ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, mặc dù bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp do Bộ Tài chính làm đại diện chủ sở hữu đã nỗ lực duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều chỉ tiêu sản lượng chủ yếu ước đạt khoảng 50 - 60% kế hoạch năm, trong đó một số lĩnh vực ghi nhận mức tăng trưởng từ 5 - 15% so với cùng kỳ, cho thấy sự phục hồi và thích ứng tích cực của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của các doanh nghiệp nhà nước do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Về năng lượng, đối với lĩnh vực điện: 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp và Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) có tổng sản lượng ước đạt khoảng 178 tỷ k Wh; trong đó: EVN chiếm khoảng 88% (tăng 2% so với cùng kỳ, đạt 45% kế hoạch năm 2025), PVN chiếm khoảng 9% tổng sản lượng (tăng 8% so với cùng kỳ, đạt 53% kế hoạch năm 2025) và TKV chiếm khoảng 3% tổng sản lượng (tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 54,2% kế hoạch năm 2025).
Trong lĩnh vực dầu khí, xăng dầu: Khai thác dầu thô, khí của PVN 6 tháng đầu năm có giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cơ bản đều bám sát được kế hoạch năm 2025; sản xuất xăng dầu của PVN 6 tháng đạt 3,87 triệu tấn (tăng 27% so với cùng kỳ, đạt 56% kế hoạch năm 2025). Bên cạnh đó, về tiêu thụ xăng dầu, 6 tháng đầu năm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) xuất bán toàn Tập đoàn ước đạt 8,7 triệu m3/ tấn (tăng 11,5% so với cùng kỳ, đạt 51,7% kế hoạch năm).
Đối với lĩnh vực than, khoáng sản: Sản xuất than sạch, alumin, đồng tấm... của TKV cơ bản đều tăng so với cùng kỳ và bám sát kế hoạch năm 2025.
Về vận tải đường hàng không, trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 12,6% triệu lượt khách (tăng 13% so với cùng kỳ và đạt 50% kế hoạch năm, chiếm thị phần khoảng 30,5%) và 165 nghìn tấn hàng hóa (tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 48% kế hoạch năm, chiếm thị phẩn khoảng 23%); các Cảng hàng không (CHK), sân bay đạt khoảng 60 triệu lượt khách, 817 nghìn tấn hàng hóa (tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 51,8% kế hoạch năm); Vận tải đường bộ, đạt khoảng 36,6 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ.
Vận tải biển và đường sắt bằng và tăng so với cùng kỳ, bám sát kế hoạch năm.
Về sản xuất công nghiệp, nông, lâm nghiệp sản lượng cũng cơ bản tăng trưởng so với cùng kỳ và bám sát kê hoạch năm 2025.
Về viễn thông, sản lượng DATA 6 tháng đạt 1,35 tỷ GB, tăng 8,4% so với cùng kỳ, đạt 50% kế hoạch năm.
Tổng doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2025 ước ước đạt khoảng 1,07 triệu tỷ đồng, ước đạt 50,3% kế hoạch và bằng 100,3% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế ước ước đạt 82,1 nghìn tỷ đồng, ước đạt 60,9% kế hoạch và bằng 93,1% so với cùng kỳ; Nộp ngân sách nhà nước ước ước đạt 102,7 nghìn tỷ đồng, ước đạt 54,6% kế hoạch và bằng 96,9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý: Tổng doanh thu tài chính Công ty mẹ ước ước đạt 662 nghìn tỷ đồng, ước đạt 48,7% kế hoạch và bằng 100,07% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế ước ước đạt 40,9 nghìn tỷ đồng, ước đạt 67% so với kế hoạch và bằng 231,9% so với cùng kỳ; Nộp ngân sách nhà nước ước ước đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, ước đạt 59,3% so với kế hoạch và bằng 80,9% so với cùng kỳ.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đề nghị các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, chủ động ứng phó với các rào cản thương mại, nghiên cứu sản xuất năng lượng mới, năng lượng sạch, chủ động ứng phó với tình hình thay đổi mới.
Doanh nghiệp cần làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao, bảo đảm mặt hàng thiết yếu, năng lượng, xăng dầu, vận tải, lương thực.
Thực hiện tốt Nghị quyết 57 liên quan đổ mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng KHCN chuyển đổi số, nghiêm túc đi đầu trong đột phá trong đổi mới sáng tạo
Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư đặc biệt dự án có tính chất lan tỏa, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư.
Triển khai kịp thời Luật 68 và các nghị định hướng dẫn, chủ động có những thay đổi về điều lệ, quy định liên quan đến doanh nghiệp mình. Đề nghị Cục quản lý phát triển doanh nghiệp nhà nước nghiên cứu để Nghị định sát với doanh nghiệp. Đồng thời, lưu ý việc tách bạch đánh giá người quản lý và hoạt động của doanh nghiệp để tránh ảnh hưởng đến người lao động.
Huyền Châu