Doanh nghiệp nhà nước tiên phong, góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số

Ngày 15/4, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND triển khai Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 21/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp của doanh nghiệp nhà nước góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Hà Nội bàn nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hà Nội bàn nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kế hoạch yêu cầu các ban, sở, ngành, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chú trọng thiết kế, xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách để góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế khác; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Trong đó, thiết kế, sử dụng các công cụ chính sách để huy động tối đa các nguồn lực xã hội, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP); Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách mang tính “đòn bẩy, điểm tựa” để phát huy tối đa nguồn lực của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp với tinh thần “5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”.

Các đơn vị cũng tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, góp phần kiến tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước.

Các doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục củng cố, phát huy vai trò chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của kinh tế Thủ đô, thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội...

Các đơn vị cũng tiếp tục sáng tạo, đổi mới tư duy, cách làm, theo phương châm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp; cách tiếp cận, giải quyết vấn đề phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, nâng cao hiệu suất, hiệu quả...

Các đơn vị kiến nghị giải pháp, đề xuất cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế thông thoáng phù hợp với quy luật của thị trường. Tích cực, chủ động nghiên cứu chuyển giao các công nghệ mới để tăng năng suất lao động, giảm thâm hụt tài nguyên, tăng hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; đồng thời, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, quản trị thông minh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi mặt hoạt động.

Ngoài ra, tập trung phát triển các công trình dự án kết cấu hạ tầng nhất là các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, bảo đảm tiến độ giải ngân vốn, phấn đấu vượt kế hoạch được giao, làm tiền đề để dẫn dắt, huy động nguồn vốn đầu tư xã hội.

Các đơn vị chủ động xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển doanh nghiệp, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển Thủ đô. Trong đó, tập trung tiên phong trong 6 lĩnh vực: Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; tiên phong trong đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược, nhất là xây dựng thể chế; tiên phong trong tăng tốc, bứt phá tăng trưởng, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho tăng trưởng, phát triển đất nước, Thủ đô nhanh, bao trùm, bền vững.

Tiên phong trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, trong đầu tư nghiên cứu và phát triển; tiên phong tích cực tham gia thực hiện chính sách xã hội và an sinh xã hội, bảo đảm công bằng, tiến bộ, nhất là trong chương trình nhà ở xã hội và xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước; tiên phong tạo hàng hóa, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia...

BÌNH NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-tien-phong-gop-phan-tang-truong-kinh-te-hai-con-so-post872728.html