Doanh nghiệp Nhà nước nộp ngân sách gần 400 nghìn tỷ đồng

Sáng 15/4, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với một số Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đóng góp gần 400.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước năm 2024.

Doanh nghiệp nhà nước nộp ngân sách gần 400.000 tỷ đồng

Doanh nghiệp nhà nước nộp ngân sách gần 400.000 tỷ đồng

Theo báo cáo, năm 2024, cả nước có 671 doanh nghiệp nhà nước, gồm 473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước. Tổng tài sản của khối này đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2023; vốn chủ sở hữu gần 3 triệu tỷ đồng, tăng 61%; tổng doanh thu gần 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 24%; lợi nhuận trước thuế khoảng 227.500 tỷ đồng, tăng 8%. Đặc biệt, số tiền nộp ngân sách đạt gần 400.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước.

Một số doanh nghiệp nhà nước đã thể hiện vai trò tiên phong trong lĩnh vực công nghệ số. VNPT và MobiFone là những đơn vị nổi bật trong việc xây dựng hạ tầng số cho Chính phủ, các địa phương và tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời phát triển nhiều sản phẩm chuyển đổi số phục vụ khách hàng. Viettel đang thực hiện chiến lược trở thành Tập đoàn Công nghệ toàn cầu, đóng vai trò nòng cốt trong kiến tạo xã hội số và xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Bên cạnh đó, các ngân hàng trong nhóm “Big 4” như Vietcombank, Agribank cũng đã chuyển đổi số mạnh mẽ, triển khai các dịch vụ ngân hàng số hiện đại, tiện ích và bảo mật.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cũng chỉ ra rằng, hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Năng lực cạnh tranh, trình độ công nghệ còn thấp, công cụ quản trị chưa được đổi mới đồng bộ và việc làm chủ công nghệ lõi còn hạn chế. Những tồn tại này đang cản trở quá trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong khối DNNN.

Để khắc phục những hạn chế này và phát huy vai trò dẫn dắt của DNNN, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh cần thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, tạo đột phá trong đầu tư và ứng dụng công nghệ. Các doanh nghiệp cần chủ động triển khai các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, hoàn thiện hệ thống pháp luật hỗ trợ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, logistics và hạ tầng thông minh.

Cùng với đó, cần cơ cấu lại ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh. Trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển từ sản xuất thuần túy sang mô hình kinh tế nông nghiệp, phát triển các mô hình trồng trọt tuần hoàn, phát thải thấp. Trong lĩnh vực dịch vụ, cần phát triển sản phẩm có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, xây dựng các trung tâm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu.

Chính phủ cũng đề xuất giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp công nghệ nội địa trong việc phát triển và nội địa hóa các công nghệ nền tảng như Cloud, AI, Big Data… Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, và cơ chế linh hoạt về tiền lương, thưởng để thu hút nhân tài.

Về chính sách đầu tư, cần tạo điều kiện để DNNN tiếp cận các Quỹ đầu tư công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhà nước nhằm triển khai thử nghiệm các mô hình kinh doanh và công nghệ mới, đặc biệt là các dự án có rủi ro cao. Đồng thời, cần xây dựng một chương trình khung thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp công nghệ và DNNN, đảm bảo hiệu quả, an toàn dữ liệu và năng lực phòng chống tấn công mạng.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm đề nghị các doanh nghiệp nhà nước ưu tiên nguồn lực để triển khai chuyển đổi số, tăng cường hợp tác với các công ty công nghệ trong nước, phát triển các dịch vụ mới như 5G, củng cố hạ tầng bền vững và nâng cao năng lực sản xuất. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2045, Việt Nam có ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đạt tầm quốc tế, sánh ngang với các nước phát triển.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ sớm xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cam kết bố trí ít nhất 15% ngân sách chi cho khoa học nhằm phục vụ nghiên cứu các công nghệ chiến lược, hỗ trợ cho sự phát triển dài hạn và bền vững của DNNN trong kỷ nguyên số.

Hà Long

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-nop-ngan-sach-gan-400-nghin-ty-dong-475372.html