Doanh nghiệp Nhà nước về bộ, cần đổi mới cách 'quản' thế nào?
19 tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang 'rục rịch' quay về bộ chủ quản khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động. Làm thế nào để các DNNN này hoạt động hiệu quả khi quay về các bộ quản lý ngành?
Về vấn đề nàyVietTimes đã có cuộc trao đổi với luật sư (LS) Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Điều hành Cấp cao của Văn phòng luật sư NHQuang&Cộng sự, Chủ tịch Công ty TNHH VietPro Consultant và Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), chuyên gia hàng đầu về Luật Doanh nghiệp.
Đổi mới cách "quản" DNNN
-Thưa LS, trước đây các bộ quản lý các tập đoàn, DNNN, năm 2018 các doanh nghiệp này được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC). Nay các DNNN này lại quay về bộ, ngành chủ quản. Ý kiến của LS về vấn đề này như thế nào?
-Năm 2018, CMSC được thành lập, khi ấy nhiều người nói rằng chúng ta học theo mô hình Ủy ban Quản lý, giám sát tài sản nhà nước ở các doanh nghiệp (SASAC) của Trung Quốc, là cơ quan trực thuộc Quốc Vụ viện, tức Chính phủ. Về chức năng, nhiệm vụ, SASAC thực hiện “ba kết hợp”, đó là quản lý tài sản, quản lý con người và quản lý công việc.
Tuy nhiên, tình hình của Trung Quốc rất khác, trong khi quan điểm, chủ trương của Nhà nước ta khi cải cách DNNN chính là tách bạch nguyên lý “ba kết hợp” này, theo đó nhấn mạnh quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nay CMSC ngừng hoạt động, các DNNN trở lại các Bộ quản lý ngành hay Bộ chủ quản có thể là phương án trước mắt trong bối cảnh cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy. Bởi tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội mới cho ý kiến về Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, do đó chắc chắn cho mục tiêu dài hạn, cơ chế Bộ chủ quản của DNNN sẽ còn được xem xét, thảo luận và quyết định.
-Sau khi giải tán cơ chế chủ quản, đưa đại đa số các DNNN về một đầu mối quản lý tập trung là CMSC thì nhiều ý kiến nhận xét rằng Ủy ban này không giúp ích gì cho các doanh nghiệp bởi thiếu cả thẩm quyền lẫn chuyên môn quản lý, kỹ thuật theo ngành và lĩnh vực.
Thậm chí, đã có một sự vụ điển hình là khi khủng quảng thiếu điện năm 2023, ngoài trách nhiệm của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thì câu hỏi là lỗi của cơ quan quản lý cấp trên thế nào? Theo đó, đã có sự tranh cãi về cả vai trò và thẩm quyền giữa người sở hữu EVN là CMSC và vai trò quản lý ngành của Bộ Công Thương.
Vậy thì việc Bộ Công Thương tiếp nhận trở lại 6 doanh nghiệp lớn như đã nêu có phải là giải pháp căn cơ hay đi “lòng vòng” trở lại con đường cũ? Hay có thể đó là là trở lại con đường cũ nhưng với một tâm thế và nội dung, cách làm mới? Có lẽ chúng ta phải chờ thêm thời gian mới có câu trả lời.
Tôi nghĩ Chính phủ cần nghiên cứu và đưa ra cơ chế quản lý mới để các DNNN được quyền tự chủ, tự quyết cao hơn, đáp ứng yêu cầu của thị trường, để việc quản lý của bộ chủ quản không thành rào cản, ngáng chân doanh nghiệp.
-Từ khi có Luật Doanh nghiệp đến nay, mỗi khi bàn đến hoạt động của DNNN thì 2 vấn đề được mổ xẻ nhiều nhất vẫn là: “Chức năng quản lý Nhà nước” và “Chức năng chủ sở hữu vốn Nhà nước” đối với DNNN. Nên được hiểu và phân định hai chức năng này như thế nào để DNNN hoạt động hiệu quả, thưa LS?
-Vấn đề mấu chốt theo tôi là việc xác định mục tiêu của việc duy trì DNNN là gì? Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch tập trung, DNNN đóng vai trò chủ đạo với tư cách là các thực thể kinh tế, hay nói cách khác là Nhà nước trực tiếp làm kinh tế. Nguyên lý ấy đúng và là thực tế ở tất cả các nước XHCN.
Tuy nhiên, sau hơn 30 năm chuyển đổi sang kinh tế thị trường, với sự phát triển lớn mạnh của kinh tế tư nhân, sự tham gia với tỷ trọng lớn của kinh tế tư bản nước ngoài và cam kết hội nhập của quốc gia theo hướng thị trường thì rõ ràng về logic, các DNNN phải kết thúc các vai trò vốn có của nó.
Có nghĩa rằng DNNN không thể còn tiếp tục là công cụ của “quản lý Nhà nước”. Thay vào đó, nếu Nhà nước vẫn muốn duy trì các DNNN nhất định đang có các lợi thế thị trường cho mục đích kinh doanh hiệu quả và tạo nguồn thu cho ngân sách, thì sẽ chỉ nên đảm nhiệm vai trò là chủ sở hữu mà thôi.
Logic thông thường là như vậy. Tuy nhiên, giữa lý thuyết hay chủ trương và thực tế triển khai luôn luôn có khoảng cách, nhiều khi trái ngược. Và đó là một câu chuyện dài, mà tôi chỉ có thể nói rằng nó là một phần của cái hiện trạng tổng thể được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra và kêu gọi một cuộc cách mạng để thay đổi.
Chẳng hạn, tại sao Việt Nam là một nước nhỏ về quy mô kinh tế mà lại có một bộ máy quản lý Nhà nước lớn và cồng kềnh đến như vậy? Cái bộ máy ấy tồn tại dựa trên một tâm thế ôm đồm về trách nhiệm, coi tất cả thuộc về mình và mình cần phải quản lý. Và đương nhiên, đi kèm với nó là các lợi ích hấp dẫn, khó từ bỏ. Thực tế này có lẽ cũng đúng với quản trị DNNN.
Để giải bài toán này, nếu thực sự coi các DNNN đang tồn tại là công cụ kinh doanh để tìm kiếm nguồn thu cho ngân sách thì về logic, vai trò chủ sở hữu cần thuộc Bộ Tài chính hoặc một Cơ quan quản lý đầu tư thống nhất. Bởi ít nhất nó tránh được sự xung đột về lợi ích trực tiếp giữa quản lý Nhà nước và quản lý kinh doanh.
Theo đó, cơ quan Nhà nước sẽ không quản lý doanh nghiệp mà chỉ quản lý các danh mục đầu tư với mục tiêu an toàn vốn và lợi nhuận được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, để đạt tới trạng thái đó thì có lẽ chúng ta phải tiếp tục cải cách thể chế để có một nền kinh tế thị trường đầy đủ và chuyên nghiệp.
Cần giao quyền tự chủ cho DNNN
-Theo LS, DNNN nằm trong bộ chủ quản thì liệu có thể áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, ví dụ như: thành lập HĐQT tại DNNN với thành viên độc lập có chuyên môn cao không bị chi phối bởi bộ chủ quản; hay thiết lập hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả (KPI) cho doanh nghiệp và người lãnh đạo gắn với hiệu quả kinh doanh và tăng trưởng vốn Nhà nước, báo cáo tài chính định kỳ và chịu sự kiểm toán độc lập theo các chuẩn mực quốc tế…?
-Nếu đề cập vấn đề quản trị doanh nghiệp thì chúng ta sẽ luôn luôn có lời giải là các phương án khác nhau, và tôi tin tất cả đều có lý, bởi Việt Nam không phải là nước duy nhất có doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng. Tuy nhiên, một khi vẫn còn khái niệm hay thiết chế DNNN mà không phải là vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp thì tôi e rằng sẽ không có giải pháp nào tối ưu hay thậm chí khả thi.
Chẳng hạn, đã có một vụ án hình sự lớn liên quan đến một doanh nghiệp có đa số vốn thuộc Nhà nước, trong đó cả Ban lãnh đạo là HĐQT và Tổng giám đốc đều bị truy cứu trách nhiệm do có sai phạm trong thực hiện một dự án đầu tư trọng điểm. Đáng lưu ý là trong đó có một Thành viên HĐQT là người đại diện vốn góp của tư nhân đã từng tham gia họp để quyết định về dự án. Thành viên này cũng bị buộc tội vì đồng phạm trong tội danh “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước”.
Như vậy thì câu hỏi là để quản trị một DNNN thì ai và người có chuyên môn giỏi nào sẽ sẵn sàng tham gia làm Thành viên HĐQT độc lập đây?
-Một trong những vấn đề quan trọng đối với các DNNN thuộc bộ chủ quản là lựa chọn người đứng đầu. Nên có cơ chế minh bạch, cạnh tranh công khai để lựa chọn người đứng đầu, thậm chí là thuê tổng giám đốc, giám đốc; thực hiện hợp đồng trách nhiệm với lãnh đạo doanh nghiệp, thay vì bộ chủ quản bổ nhiệm như đang làm. Ý kiến của LS về vấn đề này như thế nào?
-Tôi cho rằng vấn đề không ở cơ chế lựa chọn, bởi về nguyên tắc trong thị trường lao động, nếu trả lương cao thì sẽ tuyển được người giỏi. Vấn đề là sau khi đảm nhiệm chức vụ thì người đứng đầu hay tổng giám đốc đó có quyền gì và chịu trách nhiệm ra sao? Liệu có thể có một cơ chế theo luật định hay thỏa thuận hợp đồng một cách minh bạch, sòng phẳng và công bằng giữa người chủ sở hữu DNNN với những người đứng đầu doanh nghiệp được không?
Vấn đề khó khăn và nhạy cảm nhất là trong kinh doanh và cạnh tranh trên thương trường luôn luôn có các rủi ro không lường trước. Vậy, tương tự ví dụ tình huống mà tôi đã nêu, nếu người đứng đầu dẫn một doanh nghiệp đến thua lỗ hay phá sản trong khi không có bằng chứng về vi phạm trách nhiệm thì ngoài chế tài phạt, bồi thường hay chấm dứt hợp đồng, anh ta có thể bị hình sự hóa hay không?
Nếu câu trả lời là không, tương tự như đối với các huấn luyện viên của các đội tuyển bóng đá quốc gia khi thi đấu thất bại, thì tôi tin rằng các DNNN sẽ có cơ hội chọn được những người giỏi và có bản lĩnh thật sự để đứng đầu.
-Theo LS thì quản lý DNNN ở Việt Nam hiện nay có thể nghiên cứu và học hỏi mô hình quản lý ở những nước và khu vực nào thì hợp lý?
-Cho tới nay tôi thấy dường như chúng ta có xu hướng học kinh nghiệm phần lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng vị thế và điều kiện của Trung Quốc rất khác, không chỉ xét về quy mô nền kinh tế hay doanh nghiệp mà ở chỗ Trung Quốc có các mục tiêu toàn cầu của một siêu cường và các DNNN ở đó đã và đang được giao các sứ mệnh tương ứng.
Cho nên nếu có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế thì tôi cho rằng các mô hình quản trị DNNN của Singapore hay các quốc gia dầu mỏ Trung Đông là phù hợp. Tuy nhiên, họ coi kinh tế Nhà nước bình đẳng như kinh tế tư nhân và cùng chịu sự cạnh tranh tự do trên thị trường.
Họ cũng xác định một mục tiêu nhất quán, đó là Nhà nước khi đã đầu tư vốn vào kinh doanh thì phải bảo đảm an toàn và sinh lời. Do đó, họ thiết lập cơ chế quản lý tập trung và lựa chọn những nhà quản trị giỏi nhất mà không phân biệt quốc tịch nhằm hướng đến xác lập và quản lý một danh mục đầu tư toàn cầu.
Do đó, để nghiên cứu và học hỏi thành công từ quốc tế thì chúng ta cần phải có một cuộc cách mạng về tư duy để thay đổi cách tiếp cận vấn đề.
-Xin cám ơn LS!
Tình hình 19 tập đoàn, tổng công ty trước khi bàn giao về bộ chủ quản
Trong báo cáo mới nhất của CMSC, tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty năm 2024 ước đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch năm và 10% so với cùng kỳ.
Còn lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 111.692 tỷ đồng, bằng 158% kế hoạch năm và bằng 156% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý năm nay PVN tiếp tục thiết lập kỷ lục mới khi hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm về tổng doanh thu hợp nhất khi ước đạt hơn 966.000 tỷ đồng, vượt 32% kế hoạch năm, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của PVN ước đạt 48.900 tỷ đồng, vượt 2,2 lần kế hoạch năm.
Báo cáo cũng cho biết doanh thu EVN ước đạt 575.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm trước. Còn lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MobiFone ước đạt 2.048 tỷ đồng, vượt 20,6% kế hoạch năm.
Ngoài ra, Vinacafe tiếp tục duy trì được kết quả sản xuất, kinh doanh có lãi của năm 2023 sau nhiều năm liên tiếp ở trong tình trạng thua lỗ, doanh thu hợp nhất ước đạt 2.252 tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch năm và bằng 103% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong danh mục 19 tập đoàn, tổng công ty mà CMSC quản lý, có nhiều doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán như: Petrolimex (mã PLX), Vietnam Airlines (HVN), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (VIF), Tổng công ty Lương thực miền Nam (VSF), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (MVN).
CMSC cũng liên quan gián tiếp nhiều cổ phiếu thông qua Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - đơn vị nắm vốn của Vinamilk, FPT…