Doanh nghiệp nỗ lực không cắt giảm lao động

Năm 2023 tiếp tục là năm khó khăn với nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh khi đơn hàng giảm mạnh và ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh. Dù vậy, các DN vẫn nỗ lực tìm đơn hàng mới để duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ).

Công nhân Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) phấn khởi làm việc khi doanh nghiệp có đơn hàng trở lại. Ảnh: L.MAI

Công nhân Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) phấn khởi làm việc khi doanh nghiệp có đơn hàng trở lại. Ảnh: L.MAI

Theo các DN, hiện các đơn hàng đã có trở lại, tuy nhỏ, thậm chí không thuộc lĩnh vực sản xuất chính nhưng đảm bảo công nhân có việc làm. Nhờ đó, NLĐ vẫn có thu nhập để trang trải cuộc sống xa quê.

Nỗ lực tìm kiếm đơn hàng

Cũng như nhiều DN sản xuất gỗ trên địa bàn tỉnh, tình hình đơn hàng giảm khá mạnh tại Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) buộc NLĐ phải giảm giờ làm và thu nhập. Song từ tháng 10-2023, DN đã ký kết được một số đơn hàng của đối tác mới và NLĐ đã có việc làm đều trở lại. Dù đơn hàng nhỏ song đây là tín hiệu đáng mừng đối với DN sau gần 1 năm đối diện với nhiều thử thách.

Chị Đào Thị Lan, công nhân công ty chia sẻ: “Tôi rất mừng vì gần Tết Nguyên đán, việc làm ổn định trở lại, không phải nghỉ luân phiên như trước và thu nhập sẽ ổn định hơn. Công nhân đa số rất phấn khởi và đi làm đầy đủ. Trước đó, DN hỗ trợ rất chu đáo và không giảm lao động, dù không có đơn hàng; nhất là lúc công nhân không có việc làm thì được DN hỗ trợ tiền, đảm bảo cuộc sống”.

Theo chị ĐỖ THỊ THÙY DƯƠNG, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Fashion Garment (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), hiện DN đã khởi sắc với một số đơn hàng trong quý IV và dự báo kéo dài đến quý II năm sau. DN sẽ cố gắng tìm đơn hàng mới để công nhân không bị ảnh hưởng thu nhập. Đơn hàng hiện chưa nhiều nhưng đã cho thấy tín hiệu khởi sắc về việc làm cho NLĐ dịp cuối năm.

Ở một số DN khác, để giữ chân NLĐ, các DN chấp nhận tìm những đơn hàng mới, đơn hàng nhỏ không phải là thế mạnh sản xuất của mình để duy trì việc làm cho NLĐ. Cụ thể, Công ty TNHH Sơn Hà (DN chuyên may mặc xuất khẩu, đóng chân tại TP.Biên Hòa) năm nay đơn hàng giảm tới 40% so với năm trước, song từ nay tới tháng 3-2024, đơn hàng có trở lại ổn định, dù lợi nhuận ít. Đây cũng là DN đến thời điểm này chưa cắt giảm bất kỳ một lao động nào.

Ông Nguyễn Hoài Thanh, Chủ tịch Công đoàn công ty cho hay, năm nay tình hình kinh tế khó khăn, DN phải nhận làm những đơn hàng không phải truyền thống hoặc thế mạnh sản xuất để giữ việc làm cho công nhân. Tuy những đơn hàng này có lợi nhuận không cao nhưng DN vẫn nhận làm với quyết tâm tạo việc làm ổn định cho NLĐ. Ngoài ra, DN nỗ lực duy trì các chế độ, chính sách đầy đủ, tạo động lực cho công nhân yên tâm sản xuất.

Từ đầu năm đến nay, việc sản xuất khá khó khăn với nhiều DN, nhất là các DN ngành dệt may, giày da, gỗ vì thiếu đơn hàng, buộc NLĐ phải luân phiên nghỉ làm để chờ công ty có đơn hàng trở lại. Một số DN có chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ song không nhiều và “ồ ạt” so với một số tỉnh, thành khác để không ảnh hưởng tâm lý làm việc của công nhân. Đến thời điểm này, các DN đều tìm cách giữ chân NLĐ, chờ phục hồi sản xuất, thậm chí phải nhận nhiều đơn hàng không có lãi để tạo công ăn việc làm cho NLĐ.

Mong việc làm ổn định

Tại buổi khảo sát về tình hình việc làm, đời sống, thu nhập của Viện Công nhân Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) trong công nhân lao động tại các DN và nhà trọ trên địa bàn Đồng Nai mới đây, nhiều lao động cho biết, hiện tại chỉ mong có việc làm ổn định chứ không nghĩ đến rút bảo hiểm xã hội một lần. Theo nhiều lao động, có việc làm và thu nhập hàng tháng trong những tháng cuối năm là điều mong mỏi nhất của họ, bởi khi thu nhập đều, NLĐ mới có tiền về quê đón Tết, nuôi con ăn học, chi trả phí sinh hoạt với cuộc sống xa quê.

Chị Nguyễn Thị Kim Duyên, công nhân Công ty TNHH Sơn Hà cho hay, mong ước của phần lớn NLĐ hiện nay là có việc làm thường xuyên hơn là rút bảo hiểm xã hội để trang trải cuộc sống trước mắt, vì đó là “của để dành” sau này của mình khi về già.

“Tôi rất cảm ơn công ty vì luôn nghĩ đến NLĐ và tạo việc làm ổn định, vì thực tế hiện nay, NLĐ mất việc sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hy vọng năm 2024, tình hình sản xuất của DN sẽ khởi sắc hơn và đơn hàng dồi dào để NLĐ nâng cao cuộc sống” - chị Duyên bộc bạch.

Rõ ràng, dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đến thời điểm này, các DN tại Đồng Nai vẫn cố gắng xoay xở tìm đơn hàng để giữ chân nguồn nhân lực. Đây cũng là cách để các DN không rơi vào tình cảnh đi tuyển lại lao động khi có lại đơn hàng, sản xuất phục hồi. Chia sẻ khó khăn với DN, đa số NLĐ đều làm việc với tinh thần nghiêm túc và chấp hành nghiêm quy định tại DN. Nhiều NLĐ cho biết, dù giảm việc làm, giảm thu nhập nhưng họ vẫn được đóng bảo hiểm xã hội để hưởng các quyền lợi cần thiết, nhất là lúc ốm đau. Ngoài ra, các chính sách phúc lợi vẫn đảm bảo và không bị cắt giảm.

Tại Công ty TNHH Tessellation (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), công nhân rất yên tâm làm việc vì sự quan tâm của DN. Ngoài chú trọng tìm đơn hàng, ổn định sản xuất cho công nhân, DN này ưu tiên vấn đề văn hóa, môi trường làm việc, tạo mối quan hệ hài hòa, gắn kết giữa DN và NLĐ. Ngoài ra, công ty còn thực hiện tốt các chính sách, chế độ như đã cam kết với NLĐ.

Có thể thấy, đơn hàng có lại dịp cuối năm đã tạo động lực cho DN và NLĐ tiếp tục vượt khó, đẩy mạnh sản xuất. Hiện nay, để duy trì sản xuất, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, các DN tập trung 3 vấn đề cốt lõi là: tìm giải pháp giữ chân NLĐ; tạm thời chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, không phải thế mạnh, thậm chí không có lãi để giữ việc làm cho NLĐ và khai thác thị trường mới, tiết giảm tối đa các chi phí chưa thật sự cần thiết. Đồng thời, tạo môi trường làm việc thoải mái, thân thiện để NLĐ yên tâm sản xuất, gắn bó cùng DN vượt qua khó khăn hiện tại.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202311/doanh-nghiep-no-luc-khong-cat-giam-lao-dong-6895b33/