Doanh nghiệp nỗ lực lấy lại thị phần các thị trường chủ lực

Cuối quý III, đầu quý IV-2023, các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh nhiều giải pháp đồng bộ, tìm cách phục hồi nhanh chóng, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, lấy lại thị phần ở các thị trường chủ lực...

Đơn hàng đã trở lại

Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long (TP.Thuận An), đơn hàng đã dần phục hồi, số lượng đạt 80% so với trước nên công ty duy trì toàn bộ công nhân từ đây đến cuối năm để sản xuất các sản phẩm gỗ cao cấp xuất khẩu sang Mỹ, EU… “Công ty Hiệp Long lâu nay làm nhiều đơn hàng lớn nhỏ khác nhau, trong đó có các đơn hàng ngách, phục vụ thị trường EU nên đến nay vẫn giữ được sản xuất. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để dần lấy lại đơn hàng, đáp ứng thị trường…”, ông Huỳnh Quang Thanh thông báo về tín hiệu vui.

Theo ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long (TP.Tân Uyên), trong khó khăn các DN gốm sứ chú trọng đến chất lượng, đầu tư hơn cho mẫu mã, cải tiến các quy trình sản xuất theo hướng xanh, bền vững, giảm thiểu tiêu hao năng lượng. Công ty cũng tập trung nghiên cứu những sản phẩm mới, phù hợp với xu thế và thị hiếu tiêu dùng của khách hàng trong thời điểm nhiều khó khăn thách thức. “Dù năm 2023 kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh thu giảm sút, nhưng mỗi lần ra sản phẩm màu men mới, đẹp… lại có thêm động lực để sản xuất, xuất khẩu”, ông Vương Siêu Tín nói về sức sáng tạo.

Doanh nghiệp ngành may mặc nỗ lực sản xuất, hướng đến chinh phục những thị trường “khó tính”. Ảnh: TIỂU MY

Theo các DN, hiện các thị trường lớn, đặc biệt là châu Âu đang “soi” ngày càng kỹ hơn các sản phẩm gỗ đến từ Việt Nam với những quy định mới. Do đó, những đơn hàng tăng thêm chủ yếu rơi vào tay những DN đáp ứng tốt các tiêu chí về môi trường và đa dạng mẫu mã. Chia sẻ sâu hơn về xu hướng tiếp cận thị trường, ông Nguyễn Minh Nhật, Công ty TNHH Nhật Nam (TX.Bến Cát), cho biết: “Để có được những đơn hàng mới công ty tăng cường nhận sản xuất những sản phẩm gia đình được nhiều người tìm kiếm, giá cả phù hợp và tính thiết thực cao như bộ bàn ăn, đồ dùng nhà bếp, các sản phẩm lưu trữ đồ đạc. Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu của lối sống hiện đại mà còn cung cấp sự cân bằng môi trường, chất lượng và giá cả phải chăng, tiện ích cho sự lựa chọn phổ biến của người tiêu dùng hiện nay”.

Ông Huỳnh Thanh Trung, Ban Xúc tiến thương mại, BIFA, nhấn mạnh chuẩn bị cho một lô hàng xuất khẩu hiện cũng cần kỹ lưỡng như chuẩn bị cho một chuyến vươn khơi xa, vừa phải đáp ứng được các điều kiện khắc nghiệt, vừa phải phòng ngừa được các rủi ro. Các DN và hiệp hội cũng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, từ thuế đến kết nối thị trường, cải cách các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hơn.

Theo ông Huỳnh Thanh Trung, Ban Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cùng với những nỗ lực từ phía DN trong tìm kiếm đơn hàng, phương thức xúc tiến qua thương mại điện tử cũng đã và đang có sự gia tăng mạnh mẽ về mức độ và hiệu quả.

Đáp ứng yêu cầu kinh tế tuần hoàn

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, cho biết: “Hiện nay, xu hướng tiêu dùng là lựa chọn sản phẩm sử dụng nguyên vật liệu tái chế và có thể phân hủy được. Đây là một trong những đòi hỏi mới từ thị trường quốc tế mà các DN Việt Nam đang cần phải thích ứng. Tuy vậy, khi yêu cầu về nguyên phụ liệu tái chế, giá thành, giá vải cũng tăng lên và đó là một trong những áp lực mà DN gặp phải”.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, các DN, ngành hàng xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều thách thức, những tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng và thị trường. Tại châu Âu, một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, xung quanh “Thỏa thuận xanh châu Âu” có một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế. Từ đó, nhiều quy định mới được đưa ra với những hàng hóa muốn nhập khẩu vào thị trường này. Quy định chống phá rừng của EU sẽ áp dụng từ ngày 30-12-2024. Các mặt hàng bị ảnh hưởng bởi quy định này gồm ca cao, cà phê, cao su, đậu nành, gỗ và các mặt hàng khác. Cơ chế điều chỉnh carbon sẽ áp thuế carbon đối với những hàng hóa nhập khẩu vào EU, thí điểm áp dụng từ ngày 1-10-2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026 với hàng chục mặt hàng.

Các doanh nghiệp ngành gỗ nỗ lực sản xuất đáp ứng thị trường xuất khẩu chủ lực. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Quang Hiệp Tiến, TP. Tân Uyên

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết thêm đối với ngành dệt may, một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ chịu tác động trước tiên khi áp dụng kinh tế tuần hoàn vì đơn hàng sẽ ít đi, nhưng lại phải tăng cao về chất lượng để sản phẩm bền hơn, giảm rác thải. Liên minh châu Âu đang hướng đến mục tiêu loại bỏ văn hóa “tiêu thụ và vứt bỏ”, loại bỏ các sản phẩm có “vòng đời ngắn” và nền kinh tế “tạo rác”. Những quy định này sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU.

“Rõ ràng, các DN, các ngành hàng xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí là các vụ kiện phòng vệ thương mại sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, đó là trong ngắn hạn, còn những đòi hỏi, những tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng, của thị trường sẽ là dài hạn và không thể đảo ngược. Không còn cách nào khác, các DN đang phải xoay xở để thích ứng, bởi mỗi thị trường có yêu cầu khác nhau. Những DN chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xanh và bền vững vào châu Âu vẫn có thể đi những thị trường khác. Tất nhiên, xu hướng dần dần sẽ phổ biến, DN cần phải chuẩn bị để thích ứng tốt”, bà Phan Lê Diễm Trang nói về lộ trình dài hơi.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Giày da, túi xách tỉnh, cho biết ngành giày da xác định cộng đồng DN cùng hợp sức là con đường duy nhất. DN đơn lẻ không thể có đủ nguồn vốn để tự đầu tư, phải suy nghĩ đến việc sản xuất theo một hệ sinh thái để có thể đáp ứng được các yêu cầu của thế giới.

TIỂU MY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/doanh-nghiep-no-luc-lay-lai-thi-phan-cac-thi-truong-chu-luc-a306619.html