Doanh nghiệp nước ngoài mong sớm mở cửa nền kinh tế

8 tháng 2021, vốn đầu tư FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. Mức tăng cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Tuy vậy, giải ngân vốn FDI trong tháng 8 giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái do giãn cách xã hội ở nhiều địa phương.

Kiến nghị tái mở cửa và phục hồi nền kinh tế

Bốn hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gồm: Thương mại Mỹ (Amcham), Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) và Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất chiến lược “Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực”, nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới. Ảnh minh họa

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới. Ảnh minh họa

Theo các hiệp hội, doanh nghiệp cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ. "Khảo sát gần đây của các hiệp hội cho thấy ít nhất 20% thành viên sản xuất của chúng tôi đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác, với nhiều cuộc thảo luận hơn đang được tiến hành" - các hiệp hội nêu thực tế và nhận định Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại.

Các hiệp hội nhận định đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi khi các kế hoạch đầu tư đang bị trì hoãn, do những bất ổn hiện tại. Các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài chia sẻ, những khó khăn do dịch bệnh tác động. Ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK), cho biết nhiều công ty Đức ở Việt Nam đã cảm nhận được tác động ban đầu của đại dịch. Nhiều nhà đầu tư đến từ Đức phải hoãn kế hoạch đầu tư hoặc dừng xây dựng nhà máy do tình hình hiện tại của Việt Nam, do quy định hạn chế đi lại và tiến độ tiêm chủng vaccine. "Trong thời gian tới, xu hướng hiện tại này diễn biến như thế nào sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế kiểm soát dịch bệnh của chính phủ, cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng ở Việt Nam", ông Walde nói.

Các nhà đầu tư quốc tế cũng cảnh báo Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đi từ Trung Quốc nếu không thể chứng minh đây là một sự thay thế đáng tin cậy. "Để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, kể cả so với Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ" – các hiệp hội nhận định.

Hiến kế tiến đến “bình thường mới”

Để giải quyết vấn đề này, các hiệp hội lưu ý, vaccine là chìa khóa quan trọng. Giới đầu tư nước ngoài cũng thống nhất rằng, cần một ứng dụng/hệ thống theo dõi được điều phối giữa các bộ, ngành, tỉnh, cho phép việc nhận dạng, tiếp cận và đi lại một cách nhất quán. Mặt khác, cần có cơ chế để nhập liệu các lần tiêm chủng và cấp "thẻ xanh" cho người nước ngoài, bởi nhiều người trong số đó đã được tiêm chủng đầy đủ.

Hệ thống quản lý hành chính cần chấp nhận nhiều hơn các văn bản số của doanh nghiệp. Điều này vừa tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong thời gian dịch bệnh, vừa cho phép đổi mới và tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số.

Theo các hiệp hội, khi tiến đến một "bình thường mới", ngoài tiêm chủng nhiều hơn, cần có sự phối hợp giữa các chính sách trên toàn quốc, bao gồm vận chuyển, xét nghiệm nhanh, chính sách cô lập và lọc F0 nhanh chóng, đảm bảo an toàn cho người lao động và giảm tác động đến hoạt động sản xuất.

Tái khẳng định an ninh lương thực là tối quan trọng, các hiệp hội khẳng định những biện pháp giãn cách gần đây đã làm gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng còn lại, gây khó khăn cho ngay cả những người có phương tiện tìm kiếm lương thực.

Do đó Chính phủ cần xem xét các nhà hàng cũng là một đối tác quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực cũng như việc làm. Việc "tái mở cửa ngay lập tức" đối với hệ thống cửa hàng, chợ ẩm thực, chuỗi cung ứng thực phẩm phải được ưu tiên tiếp cận vaccine nhằm phục vụ cho những người có nhu cầu vì "không ai nên bị đói".

Các hiệp hội cũng đánh giá bây giờ là lúc để lên kế hoạch tái mở cửa an toàn cho hoạt động du lịch. Việt Nam một lần nữa sẽ là điểm đến hàng đầu của du lịch cả trong nước và quốc tế. "Chúng tôi hoan nghênh các đề xuất về mô hình thí điểm Phú Quốc và hành lang xanh Bà Rịa-Vũng Tàu và mong muốn được hợp tác với Thủ tướng để tái mở cửa du lịch một cách an toàn và bền vững" - Chủ tịch EuroCham Việt Nam Alain Cany nói.

Sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam

Các hiệp hội cam kết hỗ trợ những mục tiêu kép Covid-19 của Chính phủ là bảo vệ cuộc sống và sinh kế, bảo đảm sức khỏe, sự an toàn của người dân, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế. Đồng thời, ủng hộ định hướng chính sách chiến lược của Chính phủ là thích ứng để "sống chung với virus một cách an toàn".

Đại diện các doanh nghiệp nước ngoài cũng mong muốn chung tay cùng với Chính phủ và chính quyền các tỉnh, thành khắp cả nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, vùng kinh tế phía Nam và Đà Nẵng tái mở cửa nền kinh tế một cách an toàn, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi và thiết lập trạng thái "bình thường mới".

Chia sẻ tại tòa đàm giữa hiệp hội ngành hàng với Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây, ông Nguyễn Hồng Uy - đại diện EuroCham tại Việt Nam nhìn nhận, ngân sách khó có thể chi trả được hết cho mọi người dân, dù có sự đóng góp, ủng hộ từ các nguồn lực khác. Vì thế, ngoài chương trình tiêm miễn phí cho người dân, lao động thu nhập thấp..., Chính phủ nên cho phép xã hội hóa, tiêm vaccine trả phí với các đối tượng thu nhập cao, doanh nghiệp FDI tập đoàn lớn tự nguyện trả chi phí tiêm vaccine cho nhân viên.

Trước đó, một số doanh nghiệp FDI đề nghị rằng nên nới lỏng một số hạn chế để thúc đẩy sản xuất. Chẳng hạn, họ đề nghị chính quyền cấp phép cho nhà tư vấn nước ngoài được nhập cảnh Việt Nam, và chấp nhận các xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên thay cho các xét nghiệm RT-PCR khá tốn kém.

Tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 Chính phủ vừa ban hành về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, một trong 4 giải pháp quan trọng được nhấn mạnh là tạo điều kiện thuận lợi về lao động, cho phép chuyên gia nước ngoài sang làm việc, phù hợp với bối cảnh mới.

Bên cạnh những doanh nghiệp khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp FDI đã ráo riết đẩy mạnh các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại của sự đứt gãy hay gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hãng Coca-Cola đã lập trại cho công nhân ngay tại phân xưởng. Tập đoàn nước giải khát còn trả thêm 10 USD mỗi ngày cho những công nhân ở qua đêm tại nơi sản xuất, và cũng yêu cầu công nhân viết cam kết rằng họ hiểu lý do tại sao phải ở lại. “Chúng tôi phải chuẩn bị tâm lý cho tất cả mọi người” - Giám đốc nhân sự của Coca-Cola Vietnam Huỳnh Thị Ngọc Trúc phát biểu tại webinar do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tổ chức.

Nike gấp rút vận chuyển các lô giày thể thao đã hoàn tất bằng đường hàng không từ Việt Nam đi Mỹ và châu Âu, giữa lúc cuộc khủng hoảng giá cước tàu biển vẫn chưa dịu xuống.

Tập đoàn Apple có phần nào an tâm hơn bởi dịch ở các khu công nghiệp phía Bắc đã được khống chế. “Nhà táo” đang có kế hoạch tăng 20% sản lượng dòng iPhone mới trong năm nay. Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong kế hoạch tăng sản lượng này.

Hãng Intel cho biết trên 70% nhân viên của họ tại Việt Nam đã sớm được tiêm chủng đầy đủ. Đây là yếu tố quan trọng giúp Intel đạt được các mục tiêu của mình tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP).

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-nuoc-ngoai-mong-som-mo-cua-nen-kinh-te-435394.html