Doanh nghiệp phía Nam tiên phong tiết kiệm năng lượng, hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững
Các doanh nghiệp phía Nam đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng như lắp đặt điện mặt trời mái nhà, thay thế thiết bị cũ, tối ưu quy trình sản xuất. Những nỗ lực này không chỉ giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Đoàn công tác làm việc tại Công ty Cổ phần ICD Tân Cảng Long Bình (tỉnh Đồng Nai)
Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa triển khai chương trình khảo sát tình hình thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trên địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Nai.
Tham gia đoàn công tác có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn; lãnh đạo Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) cũng lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC).
Ngành điện đồng hành cùng khách hàng, doanh nghiệp
Theo báo cáo của EVNSPC, trong quá trình hoạt động, đơn vị luôn chú trọng triển khai nghiêm túc các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, EVNSPC cũng đồng hành, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam triển khai các giải pháp tiết kiệm điện. Tại các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, Long An, nhiều chương trình, hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng và ngành điện đã được triển khai.
Điển hình, trong giai đoạn 2014-2016, EVNSPC đã thực hiện Chương trình Hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay thế đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện trên địa bàn các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Kết quả, 2.323 hộ dân được hỗ trợ với tổng số 2.065.269 đèn compact, giúp tiết kiệm 54.523 MWh/năm, tương ứng hơn 82 tỷ đồng tiền điện mỗi năm. Đối với ngành điện, chương trình đã giảm công suất đỉnh của hệ thống 56 MW, góp phần tiết kiệm vốn đầu tư nguồn và lưới điện.

Đoàn công tác khảo sát xưởng may Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai
Ngoài ra, chương trình còn giúp cắt giảm hơn 145.000 tấn CO2, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời tạo hiệu ứng cạnh tranh, giảm giá thị trường đèn compact.
Tại Long An và Đồng Nai, các đơn vị thành viên của EVNSPC thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời đến doanh nghiệp, khách hàng sử dụng điện về các Chỉ thị, Thông tư, văn bản hướng dẫn của các cấp về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. EVNSPC cũng tư vấn, phối hợp với khách hàng xây dựng kế hoạch sử dụng điện hợp lý, thực hiện bảo trì bảo dưỡng thiết bị theo kế hoạch và hạn chế công suất vào giờ cao điểm.
Với khách hàng sử dụng điện trọng điểm, các công ty điện lực đã yêu cầu thực hiện nghiêm túc Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bao gồm xây dựng kế hoạch tiết kiệm điện, chỉ định người quản lý năng lượng và thực hiện kiểm toán năng lượng định kỳ 3 năm/lần theo quy định. Đồng thời, các công ty cũng tích cực tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia các chương trình Quản lý nhu cầu điện (DSM), Điều chỉnh phụ tải điện (DR)…

Đoàn công tác khảo sát khu vực nhà xưởng Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Châu (tỉnh Long An)
Các Công ty Điện lực Tiền Giang, Đồng Nai, Long An cũng thường xuyên phối hợp với các tổ chức, đoàn thể để thực hiện các buổi tuyên truyền về sử dụng an toàn tiết kiệm, hiệu quả; phát tờ rơi, cẩm nang tiết kiệm điện đến khách hàng sử dụng điện; thường xuyên phối hợp cơ quan chức năng địa phương trong công tác kiểm tra, hướng dẫn các hộ dân, khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm…
Cần kiểm soát chặt chẽ hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng
Trong các buổi khảo sát thực tế tại các hộ dân chong đèn cho thanh long trái vụ tại Tiền Giang; Công ty CP Đầu tư Thành Châu (Long An); Công ty CP ICD Tân Cảng Long Bình và Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai (Đồng Nai), đoàn công tác đã nghe báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Theo các doanh nghiệp, trong những năm qua, nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được áp dụng như: Lắp đặt một số thiết bị theo dõi sản lượng điện/nước tiêu thụ; thay thế một số thiết bị cũ bằng thiết bị tiết kiệm điện; tối ưu hóa quy trình sản xuất; lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả… Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp luôn nhận được sự đồng hành tích cực từ các Công ty Điện lực trong việc tuyên truyền, tư vấn các giải pháp tiết kiệm điện.

Đoàn công tác khảo sát việc thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Châu (tỉnh Long An)
Tuy nhiên, một số thách thức vẫn tồn tại như yêu cầu nguồn vốn lớn để chuyển đổi dây chuyền công nghệ, trong khi cơ chế vay vốn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người lao động về tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng còn hạn chế.
Tại các buổi khảo sát, đoàn công tác đã trao đổi, đóng góp ý kiến nhằm giúp các hộ dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn nữa các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong thời gian tới. Đặc biệt, đoàn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác kiểm toán năng lượng và việc đào tạo đội ngũ quản lý năng lượng.
Qua kết quả khảo sát thực tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tích cực của các hộ dân, doanh nghiệp trong việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Về cơ bản, các hộ dân và doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp nhằm giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất, tuân thủ các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, thách thức cần sớm được khắc phục để nâng cao hiệu quả thực thi luật trong thời gian tới.
Lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đề nghị các doanh nghiệp, từ thực tế hoạt động, đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Những ý kiến này sẽ giúp hoàn thiện các quy định pháp luật, đảm bảo các sửa đổi mang lại lợi ích thiết thực trong sử dụng năng lượng tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.