Doanh nghiệp phương Tây không dễ rút khỏi Nga

Hãng tin AP chỉ ra nhiều lý do khiến doanh nghiệp phương Tây không dễ dàng rút khỏi Nga.

Các doanh nghiệp phản ứng rất nhanh khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Một số tuyên bố lập tức rút khỏi Nga, số khác cắt giảm xuất khẩu hoặc đầu tư vào thị trường Nga. Hàng loạt xưởng sản xuất, nhà máy điện, công ty năng lượng bị xóa sổ hoặc bị rao bán, kèm theo phát ngôn lên án chiến tranh và ủng hộ Ukraine. Nhưng hơn 1 năm sau, nhiều doanh nghiệp nhận ra rút khỏi Nga trên thực tế không dễ dàng như tuyên bố.

Nga áp đặt ngày càng nhiều rào cản cho trường hợp muốn rút khỏi. Vài thương hiệu quốc tế như Coke, Apple duy trì hoạt động kinh doanh ở thị trường Nga thông qua nước thứ ba bất chấp tuyên bố rút khỏi nước này trước đó. Nhiều doanh nghiệp khác lấy lý do có trách nhiệm với cổ đông hoặc nhân viên, hay còn nghĩa vụ pháp lý với đơn vị nhượng quyền hoặc đối tác địa phương để ở lại. Một số nói rằng họ đang cung cấp hàng thiết yếu như thực phẩm, trang thiết bị nông nghiệp, thuốc men. Số ít doanh nghiệp không đưa ra lý do.

Một trong số đó là chuỗi thời trang Ý Benetton hiện có cửa hàng đông đúc khách tại trung tâm thương mại Evropeisky (Moscow). Cửa hàng nội y Calzedonia của Ý cũng còn trụ lại.

Những gì người tiêu dùng Moscow có thể mua không thay đổi nhiều. Cửa hàng sản phẩm trẻ em Mothercare (Anh) tại trung tâm Evropeisky đổi tên thành Mother Bear do đổi chủ, nhưng hầu hết mặt hàng bên trong vẫn mang thương hiệu Mothercare.

Sinh viên Alik Petrosyan ghi nhận tình trạng tương tự khi mua sắm tại cửa hàng Maag thuộc sở hữu Zara (Tây Ban Nha) trước đây: “Chất lượng chẳng hề thay đổi, mọi thứ vẫn như cũ. Giá không thay đổi nhiều dù lạm phát và tình hình kinh tế năm ngoái”.

Cửa hàng Maag thuộc sở hữu Zara trước đây - Ảnh: AP

Cửa hàng Maag thuộc sở hữu Zara trước đây - Ảnh: AP

Làn sóng rút khỏi Nga được dẫn đầu bởi các hãng xe, doanh nghiệp công nghệ, dầu mỏ, dịch vụ hàng đầu như BP, Shell, ExxonMobil, Equinor… Họ chấm dứt liên doanh hoặc bán đứt cổ phần.

McDonald’s chuyển nhượng 850 tiệm thức ăn nhanh cho một đối tác địa phương. Renault bán phần lớn cổ phần của mình trong hãng xe Nga Avtovaz chỉ với 1 rúp tượng trưng.

Sau đợt rút khỏi đầu tiên, tại Nga còn sót lại doanh nghiệp âm thầm chờ đợi, doanh nghiệp gặp khó trong thanh lý tài sản, doanh nghiệp cố gắng kinh doanh như bình thường.

Điện Kremlin tiếp tục áp đặt thêm rào cản, chẳng hạn như yêu cầu phải nộp thuế “ra đi” 10% và bán tài sản với giá chiết khấu 50%. Gần đây Tổng thống Vladimir Putin thông báo chính phủ Nga tiếp quản tài sản của hai công ty năng lượng Fortum (Phần Lan) và Uniper (Đức).

Nhà sản xuất bia Đan Mạch Carlsberg tuyên bố thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh tại Nga vào tháng 3.2022, nhưng lại gặp khó trong làm rõ tác động của trừng phạt và tìm bên mua phù hợp. “Đây là quá trình phức tạp làm mất nhiều thời gian hơn dự tính, nhưng giờ đây đã hoàn thành”, Giám đốc đối ngoại Tanja Frederiksen cho biết.

Bà chia sẻ hoạt động kinh doanh tại Nga là phần quan trọng của Carlsberg, việc từ bỏ thị trường này liên quan đến mọi bộ phận trong công ty cũng như khoản đầu tư 14,8 triệu USD vào thiết bị sản xuất bia cũng như hạ tầng công nghệ thông tin.

Hãng bia Anheuser-Busch InBev cũng đang cố bán cổ phần trong liên doanh cho đối tác Anadolu Efes, chấp nhận từ bỏ doanh thu.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Đông Đức Michael Harms ví von doanh nghiệp hiện bị lạc trong “tam giác quỷ Bermuda” giữa trừng phạt của EU, trừng phạt của Mỹ, trừng phạt của Nga. Các công ty phải tìm một đối tác không bị phương Tây trừng phạt, bán đi tài sản với giá cực thấp, theo ông Harms.

Thuế “ra đi” 10% đặc biệt phức tạp. Tiến sĩ Maria Shagina (Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế) cho biết doanh nghiệp Mỹ phải xin phép Bộ Tài chính Mỹ trước khi đóng nếu không sẽ vi phạm trừng phạt.

Hàng trăm doanh nghiệp âm thầm ở lại, trong đó có tập đoàn bán lẻ Đức Metro AG. Giám đốc điều hành Steffen Greubel tuyên bố quyết định không rút khỏi Nga xuất phát từ trách nhiệm với 10.000 nhân viên địa phương cũng như “vì lợi ích của việc bảo tồn giá trị công ty cho cổ đông”.

Kệ hàng tại 20 chuỗi siêu thị Đức Globus trên khắp Moscow vẫn đầy ắp như trước khi cuộc chiến nổ ra. Hầu hết sản phẩm bia phương Tây biến mất, nhiều nhãn hiệu mỹ phẩm tăng giá khoảng 50 - 70%, có thêm rau Nga và Belarus giá rẻ hơn.

Globus cho biết đã cắt giảm mạnh đầu tư mới nhưng vẫn duy trì hoạt động để đảm bảo cung cấp thực phẩm cho người dân. Công ty nhấn mạnh thực phẩm không thuộc danh mục chịu trừng phạt đồng thời bày tỏ lo ngại bị tịch thu tài sản giá trị.

Tương tự, tập đoàn Đức Bayer AG bảo vệ quyết định duy trì hoạt động kinh doanh tại Nga: “Ngừng cung cấp sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ y tế cho dân thường - chẳng hạn phương pháp điều trị ung thư hoặc tim mạch, sản phẩm cho phụ nữ mang thai và trẻ em, giống lương thực - chỉ làm tăng thiệt hại mà cuộc chiến gây ra với cuộc sống”.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/doanh-nghiep-phuong-tay-khong-de-rut-khoi-nga-198507.html