Doanh nghiệp quốc phòng sẽ được trích lợi nhuận sau thuế bổ sung vốn điều lệ?
Theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trong đó có doanh nghiệp quốc phòng có thể trích lợi nhuận sau thuế để tăng vốn điều lệ.
Sáng 13-5, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Phiên họp được tiến hành dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Ảnh: TRỌNG HẢI
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật quy định lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được phân phối theo nguyên tắc trích không quá 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển để sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển và bổ sung vốn điều lệ của doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.
Dự thảo luật cũng quy định nguyên tắc trích không quá 3 tháng lương thực hiện để lập Quỹ khen thưởng, phúc lợi trên cơ sở hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đại biểu Trần Anh Tuấn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI
Riêng các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, trường hợp không đủ nguồn từ lợi nhuận sau thuế được Nhà nước hỗ trợ để trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi tối đa không quá 2 tháng lương thực hiện trên cơ sở hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được trích lập các quỹ theo quy định của luật chuyên ngành như Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Dầu khí…
Đánh giá về hướng tiếp thu của dự thảo luật, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng đây là sự tiến bộ rất lớn so với pháp luật hiện hành, bởi việc doanh nghiệp bổ sung vốn điều lệ theo quy định hiện hành là rất khó khăn, như phải làm phương án bổ sung, trình Thủ tướng hoặc Quốc hội quyết định theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Anh Tuấn quy định nêu trên chỉ áp dụng cho 5 lĩnh vực: Công ích thiết yếu; doanh nghiệp quốc phòng, an ninh hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; công nghệ số, chuyển đổi số; dự án đầu tư lớn về hạ tầng, phát triển hạ tầng và những lĩnh vực then chốt.
Do vậy, đại biểu Trần Anh Tuấn đề nghị mở rộng phạm vị áp dụng cho các doanh nghiệp có nhu cầu tăng vốn để đầu tư.

Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu về sử dụng phần lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Ảnh: TRỌNG HẢI
Nhất trí với đại biểu Trần Anh Tuấn, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) đề nghị rà soát lại các luật chuyên ngành về phần phân phối lợi nhuận sau thuế để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Bày tỏ sự quan tâm tới Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, luật này được thiết kế Điều 21, trong đó có quy định về sử dụng phần lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh nòng cốt. Theo đó, toàn bộ phần lợi nhuận sau thuế để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể và đưa vào ngân sách Nhà nước.
Do vậy, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị thiết kế lại quy định theo hướng phù hợp, thống nhất với các luật chuyên ngành khác, nhất là lĩnh vực quốc phòng, an ninh.