Washington giảm mạnh thuế nhập khẩu kiện hàng có giá trị thấp từ Trung Quốc
Theo sắc lệnh của Mỹ ban hành ngày 12/5, thuế nhập khẩu đối với các lô hàng giá trị thấp từ Trung Quốc sẽ được điều chỉnh giảm xuống còn 54%, trong khi phí cố định được hạ xuống còn 100 USD.

Quốc kỳ Mỹ (trái) và quốc kỳ Trung Quốc. (Ảnh: IRNA/TTXVN)
Mỹ sẽ giảm mức thuế nhập khẩu đối với các lô hàng giá trị thấp (de minimis) từ Trung Quốc, trong một động thái được cho là nhằm củng cố thỏa thuận đình chiến thương mại vừa đạt được giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo quy định được áp dụng từ tháng Hai, các kiện hàng có giá trị không quá 800 USD phải chịu mức thuế lên tới 120% hoặc mức phí cố định 200 USD.
Tuy nhiên, theo sắc lệnh hành pháp được ban hành ngày 12/5, mức thuế này sẽ được điều chỉnh giảm xuống còn 54%, trong khi mức phí cố định được hạ xuống còn 100 USD.
Chính sách mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 14/5.
Động thái này diễn ra ngay sau vòng đàm phán cấp cao tại Geneva vào cuối tuần qua, theo đó Washington và Bắc Kinh đã đạt được một thỏa thuận tạm thời nhằm giảm căng thẳng thương mại.
Hai bên nhất trí giảm mạnh các mức thuế đã áp đặt kể từ tháng 4, trong đó Mỹ giảm thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống 30%, trong khi Bắc Kinh cắt giảm các biện pháp trả đũa từ 125% xuống còn 10%.
Thỏa thuận sẽ kéo dài trong ít nhất 90 ngày.
Dù tuyên bố chung không đề cập cụ thể đến thuế nhập khẩu các lô hàng có giá trị thấp, giới quan sát cho rằng sự thay đổi chính sách này là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm tạo "khoảng thở" cho các doanh nghiệp, giúp định hình lại các quy tắc thương mại song phương.
Chính sách thuế mới đối với các kiện hàng có giá trị thấp đã trở thành điểm nóng trong các cuộc tranh luận thương mại nội địa.
Giới lập pháp chỉ trích chính sách này như một "lỗ hổng" khiến hàng Trung Quốc tràn vào thị trường Mỹ, gây tổn hại đến các ngành công nghiệp nội địa và làm gia tăng nguy cơ buôn lậu hàng hóa bất hợp pháp.
Theo ước tính của Tập đoàn dịch vụ tài chính Nomura, Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 240 tỷ USD hàng hóa được hưởng lợi từ các lô hàng có giá trị thấp trên toàn cầu trong năm ngoái, chiếm 7% xuất khẩu của nước này và đóng góp khoảng 1,3% GDP.
Tại Mỹ, hơn 90% tổng số gói hàng nhập khẩu hiện nay được xử lý thông qua kênh này, trong đó khoảng 60% đến từ Trung Quốc, chủ yếu từ các nhà bán lẻ trực tuyến như Temu, Shein và AliExpress.
Sự tăng trưởng vượt bậc của các nền tảng này đã khiến các đối thủ nội địa như Amazon triển khai dịch vụ vận chuyển giảm giá Haul để cạnh tranh.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng ở Thiên Tân (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)
Thông tin về thỏa thuận hoãn áp thuế 90 ngày của Mỹ và Trung Quốc ngay lập tức đã tác động tích cực đến các thị trường tài chính toàn cầu.
Tại châu Á, các chỉ số chứng khoán chủ chốt như Tokyo, Thượng Hải, Đài Bắc (Trung Hoa) và Seoul đều ghi nhận mức tăng đáng kể trong phiên giao dịch ngày 13/5. Tại Phố Wall, chỉ số Nasdaq tăng hơn 4%, S&P 500 tăng 3,3% và Dow Jones tăng 2,8%.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng so với USD, phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư đối với triển vọng thương mại hai nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng mức thuế dù đã được giảm song vẫn ở ngưỡng cao và tác động đầy đủ của chính sách mới có thể chưa được phản ánh ngay trong dữ liệu kinh tế hoặc lợi nhuận doanh nghiệp.
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Adriana Kugler cho biết dù có nhượng bộ, các chính sách thương mại hiện hành vẫn có khả năng làm gia tăng áp lực lạm phát.
Trong diễn biến liên quan, trang tin Bloomberg ngày 13/5 dẫn các nguồn tin cho biết Trung Quốc đã bắt đầu dỡ bỏ lệnh cấm đối với việc tiếp nhận các máy bay Boeing mới, một động thái được xem là thiện chí sau thỏa thuận thương mại tại Geneva.
Các hãng hàng không trong nước đã được thông báo có thể tiếp tục việc giao nhận máy bay sản xuất tại Mỹ.
Trước đó, các đơn hàng Boeing đã bị đình trệ trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang. Hãng sản xuất Mỹ hiện có kế hoạch bàn giao khoảng 50 máy bay cho Trung Quốc trong năm 2025./.