Doanh nghiệp ráo riết kích cầu tiêu dùng cuối năm
Chỉ hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, hiện các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng, tăng chương trình ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm cuối năm.
Nhu cầu sắm Tết tăng nhẹ
Tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục đặt ra thách thức lớn cho thị trường bán lẻ. Khảo sát của Vietnam Report công bố tháng 9/2024 cho thấy, khoảng 40% số người trả lời chưa cảm thấy tình hình tài chính của bản thân sẽ tốt hơn trong 12 tháng tới.
“Tình hình tài chính của các gia đình đang dần ổn định, nhưng chưa hoàn toàn phục hồi so với trước Covid-19”, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam cho biết và dự báo, người tiêu dùng có khả năng sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ đơn giản hơn bởi nhiều lý do từ tâm lý tiêu dùng, đến tình hình tài chính hộ gia đình, cũng như cách thay đổi trong đón Tết.
Đồng tình với ý kiến, ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dh Foods cho hay, đơn hàng Tết năm nay đến muộn hơn so với năm 2024 bởi tình hình kinh tế tác động đến sức mua của người người tiêu dùng. Dù vậy, doanh nghiệp kỳ vọng đơn hàng sẽ dần nhộn nhịp hơn với nhiều sự kiện mua sắm như Black Friday, giáng sinh, dịp Lễ, Tết…
Ngoài ra, theo các chuyên gia, nhu cầu mua sắm Tết 2025 của người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên về sự tiện lợi và đơn giản hóa. Vì vậy, các nhà sản xuất kinh doanh cần nắm bắt và đáp ứng xu hướng của người tiêu dùng khi muốn đón một mùa Tết giản đơn hơn, tiện lợi, thiết thực và tiết kiệm hơn.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, với những diễn biến khó lường từ những mùa cao điểm mua sắm trong năm cho thấy, thị trường bán lẻ khó đoán hơn những năm trước và xu hướng hành vi người tiêu dùng chuyển đổi nhanh chóng. Do đó, đối với mùa mua sắm Tết 2025, đơn vị sản xuất kinh doanh không thể chủ quan trong cạnh tranh thị phần và phải bám sát thị trường mới có thể tăng doanh số như kỳ vọng.
“Chúng tôi đang không ngừng nỗ lực cung cấp, cập nhật thông tin thị trường cho doanh nghiệp Việt, nhất là những giải pháp “thực chiến” trước biến động thị trường trong và ngoài nước”, bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ.
Đảm bảo nguồn hàng với nhiều chương trình kích cầu
Đánh giá về việc mua sắm thị trường Tết năm 2025, các chuyên gia dự báo tổng chi tiêu cho ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) dịp Tết 2025 sẽ tăng trưởng khoảng 5% so với Tết 2024.
Dù thị trường được dự báo chỉ tăng nhẹ nhưng những tháng cuối năm 2024 vẫn là cơ hội để các doanh nghiệp chung tay kích cầu tiêu dùng nội địa, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về phía Dh Foods, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn nguyên liệu, tăng 20% so với ngày thường và ký hợp đồng với các công ty nhân lực, tuyển dụng thêm lao động để tăng tốc sản xuất ngay khi có đơn hàng.
“Chúng tôi liên tục theo dõi tình hình thị trường và kết hợp với các siêu thị thực hiện chương trình khuyến mại sâu như mua 2 tặng 1, mua 3 sản phẩm tặng kèm những linh thú bằng sứ… Song song đó là phát triển các dòng sản phẩm về giỏ quà Tết với giá tốt, mẫu mã đa dạng…”, ông Dũng chia sẻ.
Còn tại Công ty cổ phần Bibica, với kế hoạch cung cấp ra thị trường 5,6 triệu sản phẩm Tết, đầu tháng 9 doanh nghiệp đã bắt đầu sản xuất cho mùa vụ Tết Ất tỵ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Phần lớn các sản phẩm vẫn giữ giá bình ổn, tuy nhiên một số sản phẩm thủ công, chi phí lao động cao nên giá thành có điều chỉnh nhẹ, tăng từ 3-5% so với năm ngoái.
Về phía các đơn vị bán lẻ, để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trong dịp Tết, AEON Việt Nam đặt mục tiêu đảm bảo nguồn hàng dồi dào và ổn định mức giá, đặc biệt là với các mặt hàng thiết yếu. Từ tháng 10, đơn vị này đã phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp để lập kế hoạch chuẩn bị và dự trữ hàng hóa.
“So với cùng kỳ mùa Tết năm ngoái, dự trữ hàng hóa năm nay tăng khoảng 5%. So với các thời điểm khác trong năm, lượng dự trữ hàng hóa cao hơn từ 20-30%, thậm chí tăng đến 50% đối với các sản phẩm được ưa chuộng trong Tết, như lạp xưởng.
Chúng tôi cũng triển khai chương trình ưu đãi hấp dẫn với mức giảm giá lên đến 30-40% cho nhiều mặt hàng. Đặc biệt, các dòng sản phẩm thiết yếu mùa Tết như trái cây tươi, bánh kẹo, giỏ quà Tết, thịt và hải sản… được tăng cường ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng”, Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Truyền thông và đối ngoại, AEON Việt Nam chia sẻ.
Hiện Sở Công thương TP.HCM cùng các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ và thực phẩm đã khẩn trương triển khai các kế hoạch đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả hợp lý.
“Dự kiến năm nay, doanh nghiệp trên địa bàn chuẩn bị khoảng 23 nghìn tỷ đồng phục vụ 2 tháng mùa Tết Nguyên đán 2025, trong đó có khoảng 9.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Danh mục hàng bình ổn đợt này được mở rộng, bổ sung nhiều mặt hàng. Doanh nghiệp tham gia chương trình được hỗ trợ giá thuê mặt bằng kinh doanh, bán lẻ, hỗ trợ dịch vụ vận chuyển hàng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu…”, Sở Công thương TP.HCM cho hay.
Sở Công thương TP.HCM cũng đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức theo dõi diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, kịp thời báo cáo và đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa trên địa bàn. Mặt khác, đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định Nhà nước về giá hàng hóa cũng như chất lượng hàng hóa tại các hệ thống phân phối, chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích...
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-rao-riet-kich-cau-tieu-dung-cuoi-nam-d236286.html