Doanh nghiệp Sóc Trăng cùng nhau vượt 'bão Covid-19'
Xuân mới Nhâm Dần 2022 đã đến, bỏ lại phía sau đầy những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra - tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp (DN) tỉnh Sóc Trăng đã tích cực chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng giai đoạn nên đã thích ứng linh hoạt, sản xuất an toàn và duy trì tăng trưởng…
Toàn tỉnh hiện có khoảng 20 DN xuất khẩu thủy sản, trong đó, nhiều DN lớn chuyên về chế biến, xuất khẩu tôm, chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng với sự chủ động chuẩn bị từ xa, từ sớm đã giúp nhiều DN sản xuất an toàn, tăng trưởng trong đại dịch, nổi bật là các DN xuất khẩu thủy sản.
Từ chỗ có trên 3.000 công nhân lao động (CNLĐ), nhưng do dịch Covid-19 phức tạp nên Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam chấp nhận giảm gần một nửa lao động để đảm bảo an toàn; công suất nhà máy chỉ hoạt động 50 - 60%. Theo ông Võ Văn Phục - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, bản thân ông cùng các DN khác rất sợ nơi sản xuất thành ổ dịch, vì không chỉ DN thiệt hại mà còn ảnh hưởng đến xã hội, chính quyền địa phương nên công ty áp dụng mọi biện pháp có thể để đảm bảo “vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục vụ sản xuất an toàn”. Để chủ động tách F0 nhanh nhất, sớm nhất ra khỏi nơi sản xuất, ngoài việc tăng cường nguồn nhân lực phụ trách công tác phòng, chống dịch, công ty còn đầu tư máy xét nghiệm PT-PCR để tầm soát bệnh. Tùy vào từng giai đoạn dịch, đơn vị thực hiện xét nghiệm xoay vòng từ 15 - 20% CNLĐ tại các bộ phận và tầm soát 100% CNLĐ với tần suất 3 ngày 1 lần khi dịch bùng phát mạnh trong tỉnh; bố trí lối đi riêng giữa 2 nhà máy; có khu cách ly riêng cho người nghi nhiễm, F1; đồng thời xen kẽ cho CNLĐ ăn cơm không cùng giờ và có chính sách khuyến khích CNLĐ thông tin về các trường hợp có người thân về từ vùng dịch, hay F1 không thực hiện nghiêm cách ly… để phòng ngừa. Nhờ vậy, dù công ty đã xuất hiện nhiều F0 nhưng kịp thời được bóc tách, không làm ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, vẫn xuất hàng được sang các thị trường khó tính nên nhiều chỉ tiêu, mục tiêu đều vượt kế hoạch đề ra và DN vẫn tăng trưởng sản phẩm ổn định.
Là DN nuôi trồng và chế biến xuất khẩu tôm hàng đầu của tỉnh, với nhiều kinh nghiệm về phòng, chống dịch, nhưng đại dịch bùng phát, là thách thức lớn đối với Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta. Với sự chủ động, thích ứng linh hoạt, DN này đã kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đảm bảo sản xuất an toàn dù có CNLĐ là F0. Bên cạnh việc thực hiện tốt quy định 5K của Bộ Y tế, tiêm vắc xin cho CNLĐ, DN cũng đã triển khai nhiều biện pháp rất quyết liệt. Nếu tỉnh quy định 3 ngày xét nghiệm tầm soát CNLĐ 1 lần với một tỷ lệ nhất định thì DN sẽ thực hiện 2 - 3 ngày/lần tầm soát 100% CNLĐ bằng test nhanh kháng nguyên và xét nghiệm PT-PCR; còn đối với lao động thời vụ, trước khi vào làm phải test nhanh kháng nguyên, nếu âm tính mới được vào làm. Song song đó, DN cũng bố trí khu nhà ở cho CNLĐ có nhu cầu để thực hiện “3 tại chỗ”; CNLĐ phải thực hiện nghiêm quy định “1 cung đường 2 điểm đến”; khi ăn cơm giữa ca chỉ được phép ngồi quay lưng với nhau; căn tin bố trí bàn ngồi cách xa, có vách ngăn, nước sát khuẩn… Tất cả các biện pháp đó đã ảnh hưởng đến năng suất, tăng chi phí nhưng DN chấp nhận vì nhận thức được việc thực hiện tốt các biện pháp nêu trên là bảo vệ chính mình, bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động.
Cũng là DN chế biến thủy sản lớn của tỉnh, CNLĐ tại Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Tài Kim Anh quen với việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào làm và loa phát thanh nội bộ cứ ra rả thông tin về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của công ty và tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Đó là một trong những biện pháp được Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Tài Kim Anh thực hiện xuyên suốt trong đại dịch. Ngoài làm tốt công tác tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thì công ty cũng làm tốt công tác xét nghiệm tầm soát, sàng lọc, bóc tách F0 sớm nhất có thể nên đã đầu tư mua máy xét nghiệm PT-PCR; định kỳ 3 ngày/lần test kháng nguyên và xét nghiệm PT-PCR cho toàn bộ CNLĐ đang làm việc tại đơn vị, nếu phát hiện F0 thì báo Ban Quản lý các khu công nghiệp, còn F1 đưa vào khu cách ly của công ty, được bố trí công việc phù hợp để theo dõi sức khỏe vừa đảm bảo sản xuất, CNLĐ vừa có thu nhập ổn định. Sau 3 lần xét nghiệm PT-PCR nếu âm tính thì được phép trở lại xưởng sản xuất. Nhờ đó dù thời điểm dịch Covid-19 tại tỉnh diễn biến phức tạp nhưng công ty vẫn hoạt động được 60% công suất. Tuy sản xuất chậm lại, thị trường bị thu hẹp do thiếu nguồn lao động, đơn hàng phải trì hoãn với khách, nhưng họ vẫn chấp nhận bởi uy tín, chất lượng từng sản phẩm mà công ty mang đến cho đối tác, vì vậy họ sẵn sàng cho nợ và sẽ trả đơn khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, đẩy lùi.
Song song với DN chế biến và xuất khẩu thủy sản thì nhiều DN chế biến xuất khẩu gạo, may mặc, xây dựng, kinh doanh dịch vụ… cũng chịu tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19, nhưng tất cả đều chủ động, có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, phương án xử lý khi công ty, DN xuất hiện F0… qua đó đã giúp các DN trụ vững và tích cực đóng góp kinh phí phòng, chống dịch cho tỉnh.
Theo đánh giá của bà Mã Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, nhiều DN thực hiện rất tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát ở mức độ cao hơn so với quy định chung, nhất là các DN xuất khẩu vẫn phát triển khá tốt và ổn định khoảng 50 - 60% việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ công ty, DN thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất, đã giúp DN vượt “bão Covid-19” thành công, góp phần làm tăng 12% (đạt 27.565 tỉ đồng) giá trị sản xuất công nghiệp trong năm 2021. Nổi bật là hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng trong năm 2021 với tổng kim ngạch đạt 1 tỉ 150 triệu USD, vượt 15% chỉ tiêu nghị quyết, tăng 3,17% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu thủy sản 910 triệu USD (tăng 8,64%) và xuất khẩu gạo 190 triệu USD (tăng 13,43%).
Việc cộng đồng DN tỉnh vượt “bão Covid-19” thành công góp phần giữ tăng trưởng GDP tỉnh đạt mức 4,03%, dù thấp hơn so với chỉ tiêu tỉnh đề ra trong năm 2021 nhưng tỉnh đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” - đây là tín hiệu lạc quan, động lực cho năm mới với nhiều thành công mới. Nếu cộng đồng DN và chính quyền đồng hành giữ vững thành quả chống dịch, tin rằng DN và cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục đạt nhiều thành tựu quan trọng trong tương lai.