Doanh nghiệp tăng đầu tư chất lượng nhân lực
Sự phát triển nhanh về kinh tế tạo cơ hội cho Việt Nam tham gia ngày càng sâu hơn vào sân chơi quốc tế. Cùng với chuyển đổi mô hình sản xuất theo công nghệ cao, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải đầu tư về nhiều mặt, từ công nghệ sản xuất đến yếu tố con người.
Để đáp ứng được sự cạnh tranh công bằng, minh bạch, nền kinh tế nói chung, các DN nói riêng đang từng bước đổi mới, nâng cấp năng lực của mình; trong đó, chất lượng nhân lực được đánh giá rất quan trọng.
* Yêu cầu tất yếu
Trong quá trình hội nhập, nguồn nhân lực của DN đang có nhiều điểm yếu, nhất là về trình độ, năng lực và sự sáng tạo, độc lập. Đó là do một thời gian dài, đa số DN Việt Nam khi xây dựng chiến lược phát triển cho tương lai đa phần chỉ chuẩn bị về yếu tố thị trường, khách hàng, xây dựng cơ sở vật chất... mà chưa thực sự quan tâm đến yếu tố con người một cách tương xứng.
Hiện nay, các DN đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình phát triển theo chiều sâu, từ tiết kiệm chi phí lao động để giảm giá thành sang đầu tư nguồn nhân lực chất lượng để có lợi thế cạnh tranh.
Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng thúc đẩy DN nhanh chóng thực hiện lộ trình chuyển đổi của mình, nhất là kinh tế số. Điều đó phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số.
Từ năm 2021, Đồng Nai đã ban hành đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 với nhiều chính sách hỗ trợ. Riêng với ngành Công thương, hàng năm đều có chương trình hỗ trợ DN từ nguồn vốn khuyến công cấp quốc gia, cấp tỉnh. So với nhu cầu, sự hỗ trợ chỉ ở mức độ nhất định nhưng cũng là động lực để DN có thể mạnh dạn thử nghiệm, thay đổi và đạt được các chính sách thụ hưởng khác.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, điểm yếu của lực lượng lao động hiện nay là chất lượng chưa cao nên ảnh hưởng đến năng suất. DN cần tối ưu hóa các nguồn lực để nắm bắt cơ hội phát triển nhưng nguồn lực lao động lại chưa thể tối ưu.
Cùng với đổi mới công nghệ, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, nhất là nhân lực đảm nhận công việc chuyên môn cao đang là bài toán của các DN. Đơn cử như Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) đã tiến hành ký kết phối hợp với Trường đại học Lâm nghiệp phân hiệu Đồng Nai trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Theo Chủ tịch Dowa Lê Xuân Quân, việc hợp tác nhằm giúp Hiệp hội cũng như các DN thành viên chủ động hơn trong nâng chất nguồn nhân lực của mình. Bên cạnh đó, môi trường DN cũng là cơ hội để sinh viên các trường làm quen với công việc từ khi còn ở giảng đường. Dowa sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy DN, hội viên nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện sức cạnh tranh trên thị trường, tiếp tục giữ vị thế là một trong những ngành sản xuất chủ lực của địa phương.
Ở lĩnh vực dịch vụ logistics, ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Liên đoàn Giao nhận vận tải Asean (AFFA), Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, cần tập trung đào tạo lực lượng tinh nhuệ để hỗ trợ hiệu quả cho quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh. Theo đó, cần chọn một nhóm tinh hoa từ các DN, trường, viện để đào tạo, trang bị cho họ những kiến thức, công cụ mới. Lực lượng nhân lực này sẽ là nhân tố rất quan trọng cho sự phát triển, có năng lực tư vấn, thiết kế và cung cấp các giải pháp cho DN trong quá trình hoạt động kinh doanh.
* DN mong được hỗ trợ
Đối với các DN, đầu tư vào nguồn lực con người là yếu tố sống còn. Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp An Phát (TP.Biên Hòa) Nguyễn Hòa An chia sẻ, ngoài thiếu lao động chất lượng cao, tính kỷ luật đối với người lao động nói chung còn thấp. Để đào tạo một người thợ lành nghề không phải dễ dàng, nhưng thường phải đối mặt với sự thu hút lao động từ các DN khác, nhất là những DN có vốn đầu tư nước ngoài.
“Chúng ta không chỉ cạnh tranh bằng sản phẩm mà còn cạnh tranh qua chất lượng nhân sự. DN hầu hết đi lên từ những người thợ, trong giai đoạn đầu phát triển rất tốt, rất thành công nhưng đến một giai đoạn phát triển nhất định, trình độ quản lý, nghiệp vụ quản trị sản xuất của người chủ cũng như cộng sự hạn chế khiến cho DN “lớn lên không nổi”. Phải có chiến lược về nhân lực để đi đúng hướng ngay từ đầu mới là giải pháp bền vững” - ông An khẳng định.
Tương tự, theo Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tân Seiko (TP.Biên Hòa) Nguyễn Văn Tân, từ nhiều năm nay, DN đã chú trọng công tác đào tạo nhân lực, khi áp dụng công nghệ sản xuất từ Nhật Bản cho các mặt hàng công nghiệp phụ trợ, đòi hỏi lao động phải có tay nghề. Đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản trong và ngoài nước nên toàn bộ nhà máy từ tác phong làm việc đến cách bày trí máy móc, nhà xưởng đều mang phong cách Nhật. Lĩnh hội tri thức thế giới rồi vận dụng vào phát triển đất nước mình là con đường mà các DN, các quốc gia thành công đã từng đi qua.
“Trong quá trình đổi mới mô hình phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, DN mong muốn có thêm sự hỗ trợ từ Nhà nước. Như việc xây dựng chiến lược phát triển sản xuất từng ngành hàng, kết nối thương mại, đầu tư... Nhân lực có thể đào tạo, bí quyết, công nghệ sẽ học hỏi được nhưng các vấn đề lớn khác chúng tôi khó đáp ứng nếu chỉ tự đi một mình” - ông Tân bày tỏ.